Kiên quyết không để dịch bùng phát

Nam Việt 03/05/2021 06:45

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 89/TB-VPCP, thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.

Trạm kiểm soát người nhập cảnh tại khu vực biên giới Hà Tiên (Kiên Giang). Ảnh: Anh Đức.

Trước đó, sáng 30/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp đột xuất về công tác phòng, chống dịch Covid-19 do tình hình diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là tại các nước có chung biên giới với Việt Nam và tại một số địa phương trong nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng lên trước hết để bình tĩnh và sáng suốt, chủ động và sáng tạo, tích cực và nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Trong đó, với các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phát hiện có trường hợp nhiễm bệnh khẩn trương thực hiện: Thần tốc truy vết nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly ngay, điều trị tích cực và dập dịch triệt để, sớm ổn định tình hình và tâm lý cho nhân dân; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng; kiên quyết không để dịch lây lan nhanh.

Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục phát huy vai trò của tổ phòng, chống Covid cộng đồng, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; huy động sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở địa phương, ủng hộ và tham gia phòng chống dịch trên địa bàn, nhất là sự tiên phong gương mẫu của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương.

Trước đó, trong 1 tháng qua, Ban Bí thư đã có Công điện chỉ đạo; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã luôn tập trung lãnh đạo, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác phòng chống dịch Covid-19 (Điện ngày 27/4/2021 của Thường trực Ban Bí thư; Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 của Chính phủ; Công điện số 540/CĐ-TTg và số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 81/TB-VPCP ngày 26/4/2021 và số 82/TB-VPCP ngày 29/4/2021 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ).

Tại Việt Nam ta, sau hơn 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc tại cộng đồng, thì tới ngày 1/5 cũng đã ghi nhận 13 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch tại tỉnh Hà Nam. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao. Thực tế cũng cho thấy nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, nhất là trong khâu quản lý, giám sát y tế trong và sau cách ly tập trung đối với bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch ở tỉnh Hà Nam từ ngày 29/4.

Theo kết luận ban đầu của cơ quan chức năng, về trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 2899 (BN 2899) tại Hà Nam đã không thực hiện đúng quy định về cách ly, vẫn tiếp xúc với người khác trong thời gian cách ly tại địa phương làm lây lan dịch bệnh đến nhiều nơi, các chuyên gia cho rằng bệnh nhân này không chỉ vi phạm các quy định về phòng dịch mà còn không thực hiện đúng các quy định trong thời gian cách ly.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bộ Y tế đã có quy định rất rõ về đảm bảo an toàn trong cả khu cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Trong đó, với người cách ly tại nhà đã có quy định chi tiết như: Phải ở phòng riêng, không tiếp xúc với người bên ngoài, đồ ăn uống được mang vào phòng, không tiếp xúc với ai trong vòng 14 ngày…

Tuy nhiên, BN2899 vẫn gặp gỡ, ăn uống, tiếp xúc với người nhà, bạn bè. Chưa kể, người trong diện tự cách ly tại nhà, khi trở về nhà phải khai báo với địa phương để được quản lý, giám sát. Chính quyền cũng có trách nhiệm vì đã không giám sát chặt, quản lý nghiêm với người cách ly theo quy định.

Như vậy, ở thời điểm này, chúng ta vừa phải chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài vừa phải khẩn trương, quyết liệt dập dịch ở bên trong. Cho dù chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm từ 3 đợt bùng phát dịch trước đó, nhưng theo các chuyên gia y tế, lần này mức độ nguy hiểm lớn hơn.

Trước hết, với xâm nhập từ bên ngoài, tình hình dịch Covid-19 ở các nước láng giềng Campuchia, Lào, Thái Lan vẫn rất phức tạp; trong khi kiểm soát biên giới gặp nhiều khó khăn. Trong nước, từ ca bệnh 2899 cho thấy sự chủ quan xuất hiện ở không ít người, không ít địa phương. Với người dân không thực hiện khai báo y tế khi cần thiết, nhiều người không đeo khẩu trang, không dùng nước sát khuẩn, vẫn tụ tập đông người.

Hầu hết các dịch vụ đã mở lại như lúc trước khi có dịch (đầu năm 2020). Du lịch lại đang vào mùa. Chính quyền nhiều địa phương lơi lỏng, chủ quan. Kể cả y tế địa phương cũng có biểu hiện lơi lỏng, mất cảnh giác.

Những ngày nghỉ lễ đang trôi qua nhưng nỗi lo thì vẫn còn đó. Nếu không lập tức siết chặt thì tai họa có thể ập tới bất cứ lúc nào. Hơn lúc nào hết, lúc này cần tuân thủ triệt để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Thần tốc truy vết nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly ngay, điều trị tích cực và dập dịch triệt để, sớm ổn định tình hình và tâm lý cho nhân dân; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng; kiên quyết không để dịch lây lan nhanh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiên quyết không để dịch bùng phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO