Sát cánh trong những ngày đại dịch

Lam Phương 17/05/2020 08:00

Thụy Sĩ là một trong những nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nhất vì dịch Covid-19. Và trong những ngày dịch bệnh căng thẳng này, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ hỗ trợ bà con và sinh viên người Việt gặp khó khăn; cung cấp thông tin thường xuyên về bệnh dịch, các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19; hỗ trợ công dân có nguyện vọng về nước…

Sát cánh trong những ngày đại dịch

Thụy Sĩ là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19. Nguồn: Swissinfo.ch.

1. Cộng đồng người Việt sinh sống làm ăn ở Thụy Sĩ (trong đó nhiều người đã có quốc tịch Thụy Sĩ) cũng vào khoảng gần 10.000 người, tập trung ở các thành phố lớn như Geneva, Zurich, Bern, Basel... Nhìn chung, bà con hoà nhập tốt với xã hội sở tại, chăm chỉ làm ăn và chấp hành tốt luật pháp. Dịch Covid-19 bùng phát đã tác động không nhỏ đến công việc làm ăn của bà con cũng như việc học tập của du học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh tại Thụy Sĩ (trường học đóng cửa, chỗ thực tập, làm việc của đa số sinh viên cũng bị đóng cửa, trong khi chi phí sinh hoạt tại Thụy Sĩ đắt đỏ).

Trong hoàn cảnh đó, đa số bà con vẫn chọn ở lại, tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch của chính quyền sở tại. Một phần giúp bà con yên tâm hơn ngay cả trong những ngày dịch nóng bỏng nhất, đó chính là sự hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ kịp thời của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Thực tế thì ngay từ khi bắt đầu xuất hiện dịch bệnh, Đại sứ quán đã chủ động, tập trung cho công tác bảo hộ công dân đối phó với đại dịch. Đặc biệt Đại sứ quán thường xuyên cung cấp thông tin về bệnh dịch, các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 của Việt Nam cũng như của nước sở tại, những quy định trong phòng chống dịch và những chủ trương, chính sách có liên quan của Chính phủ Việt Nam, những thông tin hữu ích về việc đi lại, xuất nhập cảnh vào Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Chị Nguyễn Hồng Vân, sống tại thành phố Zurich, cho biết từ khi xuất hiện dịch Covid-19, chính quyền đã ban hành lệnh cấm các hoạt động công cộng, cá nhân. Toàn bộ người dân, đặc biệt là người lớn tuổi và người bị bệnh được khuyến cáo nên ở nhà. Tất cả các cửa hàng không thiết yếu đều đóng cửa trừ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc, ngân hàng, bưu điện được phép hoạt động. Tuy nhiên, hàng hóa ở đây luôn đầy ắp trên kệ nên người dân không bao giờ phải tính đến việc dự trữ.

Cũng giống như nhiều bạn bè mình, chị Vân chọn ở lại, bình tĩnh chống dịch. Chị bảo thấy yên tâm hơn rất nhiều bởi thời gian qua Đại sứ quán Việt Nam đã có những biện pháp hỗ trợ bà con và sinh viên người Việt. “Trên trang web, Đại sứ quán liên tục ra các thông báo ở các cấp độ khác nhau, cung cấp các số điện thoại đường dây nóng bảo hộ công dân. Những lo lắng, băn khoăn cần giải đáp hay những đề nghị của bà con kiều bào đều được các cán bộ ngoại giao tận tình hướng dẫn và cùng tìm giải pháp hỗ trợ, nhất là các bạn học sinh, sinh viên” – chị Vân chia sẻ.

Theo Đại sứ Lê Linh Lan, thời gian qua dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát tốt của chính quyền Thụy Sĩ. Mọi người hãy yên tâm ở lại và nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn, khuyến cáo của chính quyền sở tại trong phòng chống dịch. Chính phủ cũng như các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Thụy Sĩ luôn sát cánh cùng công dân của mình và sẵn sàng hành động khi cần thiết.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng như Phái đoàn Việt Nam tại Geneva cũng đã dự phòng các phương án khi rơi vào tình huống xấu như phải sơ tán công dân trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ (xây dựng dữ liệu, kết nối thông tin, phương án di chuyển, công tác hậu cần hỗ trợ…).

2. Theo đánh giá của Đại sứ quán, cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ dù không phải là một cộng đồng lớn nhưng thời gian qua, bà con luôn gắn kết và sẵn sàng chung tay cùng với các cơ quan đại diện của Việt Nam trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, cũng như nhiều hoạt động ủng hộ, hướng về đất nước. Có những Việt kiều đã chủ động cung cấp miễn phí cho Đại sứ quán, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva khẩu trang chống dịch, bộ máy rửa tay sát khuẩn…Hội người Việt tại Thụy Sĩ, Hội Trí thức và chuyên gia người Việt tại Thụy Sĩ, Hội Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam tại Thụy Sĩ đều có sự phối hợp, gắn kết với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thụy Sĩ, trao đổi cung cấp thông tin… giúp cho công tác bảo hộ công dân được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Sát cánh trong những ngày đại dịch - 1

Chị Nguyễn Lê Hoa chia sẻ cảm xúc sau khi nhận được thư cảm ơn của Tổng giám đốc Bệnh viện Đại học Geneva .

Ngoài ra, một số bà con kiều bào đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt chung tay góp sức cùng chính quyền sở tại trong công cuộc phòng chống dịch. Chị Nguyễn Lê Hoa, Giám đốc “Saveurs du Viet Nam” - một nhà hàng giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là các món ăn Hà Nội” tại Geneva đã được Tổng Giám đốc Bệnh viện Đại học Geneva gửi thư cảm ơn vì những đóng góp thiết thực trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Theo lời kể của chị, từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, khi biết thông tin về việc đồ bảo hộ y tế Thụy Sĩ đặt mua ở nước ngoài không qua được các cửa khẩu của Liên minh châu Âu (EU) dẫn đến lo lắng nhân viên y tế tuyến đầu sẽ không đủ đồ bảo hộ. Chính phủ Thụy Sĩ kêu gọi người dân để dành khẩu trang cho nhân viên y tế và không dùng phí phạm. Trước tình hình đó, chị Hoa đã chủ động phối hợp với một người bạn mua giúp khẩu trang không lợi nhuận với số lượng 12.000 chiếc. Cá nhân chị cũng tặng 5.000 khẩu trang y tế cho Bệnh viện Đại học Geneva và đóng góp mấy trăm suất ăn cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cộng đồng người Việt sinh sống tại Thụy Sĩ ước khoảng 10.000 người, có mặt ở hầu hết các bang, nhưng tập trung đông ở các thành phố lớn như Geneva, Zurich, Bern, Basel, Lausanne, Luzren và Fribourg. Nhìn chung, bà con hoà nhập tốt với xã hội Thụy Sĩ, cuộc sống ổn định và chấp hành tốt luật pháp sở tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sát cánh trong những ngày đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO