Sống trong mùa dịch

Lam Phương 29/03/2020 08:00

Vẫn biết quyết định ở lại sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, cả những nỗi lo đến ám ảnh khi số ca mắc và số người tử vong do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tăng nhanh, lệnh phong tỏa áp đặt khắp nơi, còi xe cấp cứu hú liên hồi...Tuy nhiên, nhiều bà con kiều bào tại Đức, Australia, Nga... đã nhanh chóng thích nghi được với tình hình hiện tại.

Sống trong mùa dịch

Người dân châu Á khi ra ngoài mua hàng trang bị bảo hộ rất cẩn thận. Ảnh: TTXVN.

Siêu thị vắng vẻ, hàng hóa dồi dào

Tính đến 21h ngày 26/3 (giờ Berlin), Đức đã ghi nhận 43.211 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 262 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong đối với người nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện là khoảng 0,5%, đây là một con số tương đối thấp nhưng không vì thế mà khiến Bích Phạm và những người hàng xóm của cô hiện đang sống ở Berlin chủ quan.

“Chúng tôi không chủ quan nhưng cũng không quá bi quan. Nói chung người dân Đức vẫn bình tĩnh, ai cũng có ý thức tự giác thực hiện những khuyến cáo của chính phủ. Hầu hết các cửa hàng, trung tâm mua bán đều đóng cửa. Phố xá ngày này vắng ngắt, chỉ có các cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và cây xăng hoạt động. Gia đình tôi 1 tuần cũng chỉ ra ngoài một đến hai lần để mua nhanh các thực phẩm thiết yếu tại siêu thị”, Bích Phạm chia sẻ.

Cùng với việc Chính phủ Đức phong tỏa một số bang, truyền thông tuyên truyền người dân phòng bệnh thì nhiều nhóm y bác sĩ trong bệnh viện đã chụp ảnh với những dòng chữ: “Chúng tôi ở đây vì các bạn. Các bạn hãy ở nhà vì chúng tôi” kêu gọi người dân thực hiện cách biệt cộng đồng, hạn chế tiếp xúc, không ra khỏi nhà để giảm sự lây lan của dịch Covid-19.

Bích Phạm cho biết, tuần trước cô đeo khẩu trang ra siêu thị bị một người Đức vỗ vai bảo “mày bệnh rồi, đến bệnh viện điều trị đi” nhưng những ngày này nước Đức không còn “kỳ thị” người đeo khẩu trang nữa. Quầy thu ngân tại các siêu thị cũng lắp kính chắn và mọi người giữ khoảng cách cần thiết, đặc biệt là không tụ tập quá đông khi mua hàng, hạn chế nói chuyện...

“Cũng vì ý thức việc hạn chế ra ngoài nên các siêu thị ở đây khá vắng vẻ, mọi người đến mua rất nhanh. Ngoài thực phẩm thì lượng rau củ quả cũng dồi dào đủ cả su su, su hào, đậu bắp, cà chua…Có siêu thị quy định, khách hàng chỉ được chạm vào đồ mình cần mua và thanh toán qua thẻ, họ không nhận tiền mặt” – Bích Phạm cho biết và nói thêm rằng, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã có thông báo và liên hệ chặt chẽ với cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở Đức về công tác phòng chống dịch nên bà con cũng yên tâm.

Chủ động và bình tĩnh

Hoàng Thu Huyền, hiện đang sống ở Sydney (Úc) cho biết, ngoài tình trạng tích trữ một số nhu yếu phẩm thiết yếu và giấy vệ sinh, nước sát khuẩn thì có thể nói cuộc sống hiện tại ở Úc vẫn an toàn. Người bản xứ khá bình tĩnh và tin tưởng vào sự kiểm soát dịch của chính phủ. “Hiện khu chợ Việt ở Sydney nơi tôi bán hàng tất cả đã đóng cửa nhưng mọi người cũng không quá lo lắng bởi ai cũng đã mua đủ lương thực, thực phẩm có thể dùng từ 1 tuần đến 10 ngày. Do dịch bệnh nên giá cả các mặt hàng thực phẩm cũng bắt đầu tăng từ 10-20% và nước rửa tay, giấy vệ sinh vẫn là mặt hàng khan hiếm”- Huyền nói.

Cũng giống như ở Đức, người dân xứ xở chuột túi cũng khá chủ quan trong việc phòng dịch, nhất là đeo khẩu trang. “Mấy tuần trước con mình đeo khẩu trang đến lớp, cô giáo đã bảo cháu tháo ra vì chỉ có người bệnh mới đeo. Nhưng giờ thì họ có cách nhìn nhận khác rồi. Tại các nơi công cộng, người ta sử dụng nhiều nước sát khuẩn tay và đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét. Tuy nhiên người châu Á vẫn lo lắng và cẩn thận hơn người bản xứ”- Huyền chia sẻ.

Tổng số du học sinh Việt Nam tại Australia là khoảng 20.000 sinh viên. Ngoài những bạn về nước hiện còn khá nhiều du học sinh ở lại vì các trường đại học vẫn duy trì chương trình học, chủ yếu là online. Nếu trở về Việt Nam vào thời điểm này có nghĩa là sinh viên sẽ phải bảo lưu một học kỳ (6 tháng) với rất nhiều thủ tục hành chính, gia hạn học, học phí, đăng ký môn. Rồi phải trả nhà thuê, gửi đồ đạc, công việc làm thêm…

Vì thế, theo lời Nam Anh, đang theo học tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS) “Khi lựa chọn ở lại, em đã sẵn sàng đối mặt khó khăn, sẽ hạn chế ra ngoài đường, phải tự chuẩn bị rất nhiều đồ ăn và nhu yếu phẩm. Cái gì thiếu thì đặt online. Liên tục rửa tay sát khuẩn và trang bị những kiến thức bảo hộ cần thiết. Hiện ở Úc đang là mùa thu, những cơn mưa kèm theo gió lạnh càng khiến mọi người muốn ngồi trong nhà nhiều hơn”. Nỗi lo lớn lúc này của Nam Anh cũng như các bạn du học sinh không phải là dịch bệnh mà là thất nghiệp, không có tiền đóng học phí, tiền trọ, trả các hóa đơn.

Tại Nga, dịch bệnh đang được kiểm soát khá tốt, tuy nhiên tâm lý của người Việt vẫn không khỏi lo lắng vì vậy việc mua tích trữ hàng hóa cũng không tránh khỏi. Theo chị Ngọc Hoa, hiện đang bán hàng tại Trung tâm thương mại Incentra, trước đây, Trung tâm chủ yếu chỉ có người Việt tới mua hàng nhưng những ngày gần đây rất nhiều người Nga cũng tìm đến mua gạo, càphê, hoa quả và một số nhu yếu phẩm khác như nước mắm, lạc, mỳ tôm. Chị Hoa cũng cho biết, dù mặt hàng thực phẩm đang bán rất chạy song các chủ quầy hàng vẫn chưa tăng giá. Mỳ tôm thì hầu như cháy hàng vì nhu cầu tăng cao.

Nga là một trong những nước trên thế giới có đông người Việt đang sinh sống, học tập, công tác, kinh doanh. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, cộng đồng người Việt tại Nga hiện có khoảng 80.000 người, trong đó có khoảng 6.000 lưu học sinh. Trong thời gian dịch bệnh, việc kinh doanh của cộng đồng người Việt tại đây cũng gặp không ít khó khăn nhưng nhìn chung bà con vẫn đoàn kết, bình tĩnh, tuân thủ các biện pháp, khuyến cáo của chính quyền sở tại và của Đại sứ quán nhằm ngăn ngừa và phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống trong mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO