Các tỉnh ven biển miền Trung: Khô hạn và giải pháp khắc phục

Văn Nhất 13/05/2016 09:23

Nhằm đánh giá tác động tiêu cực của tình trạng hạn hán và tìm ra các giải pháp khắc phục, phát triển bền vững nông – lâm – ngư nghiệp, quản lý nguồn nước hiệu quả, góp phần vào sự phát triển bền vững của mỗi tỉnh và của toàn vùng, ngày 12/5, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Cơ quan Phát triển Bỉ (BTC) tổ chức Hội thảo “Khô hạn và các giải pháp khắc phục tại các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam”.

Các tỉnh ven biển miền Trung: Khô hạn và giải pháp khắc phục

Các đại biểu đi thăm dự án Tái tạo nguồn nước
kỹ thuật giữ nước mặt quy mô nhỏ, bền vững tại Chà Bang, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận).

Thiệt hại do biến đổi khí hậu

Tại Ninh Thuận diễn biến hạn hán trong những năm qua ngày một nặng nề và phức tạp hơn. Hiện nay, mực nước trong các sông, suối, ao hồ trong toàn tỉnh đều bị cạn kiệt đang gây thiệt hạn lớn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Năm 1993, tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 95 tỷ đồng; năm 2004-2005 thiệt hại 165 tỷ đồng, trong đó trồng trọt 96,648 tỷ đồng, chăn nuôi 45,530 tỷ đồng, thủy sản và các ngành khác 23,337 tỷ đồng; năm 2014-2016 thiệt hại khoảng 768 tỷ đồng, đặc biệt có 43.935 khẩu/8.916 hộ tại 24/12 xã thiếu nước, cần được sự hỗ trợ nước sinh hoạt hằng ngày.

Trong khi đó, tại Khánh Hòa, tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay đã có 12.200 ha lúa dừng sản suất do thiếu nước, 26.800 cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và khoảng 98.000 dân/23.000 hộ thiếu nước sinh hoạt gây thiệt hại gần 81,7 tỷ đồng. Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016, tình trạng khô hạn sẽ còn kéo dài đến hết tháng 8/2016.

Trước những thiệt hại nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) nói chung và hạn hán nói riêng, cũng như diễn biến phức tạp của tình trạng thời tiết cực đoan những năm tới, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện nhiều giải pháp trong khuôn khổ Chiến lược Quốc gia về BĐKH và kế hoạch hành động Quốc gia về BĐKH, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng Xanh và kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh…

Giải pháp khắc phục

Tại hội thảo, các giải pháp ứng phó với BĐKH được các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ, như quản lý hiệu quả tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, công nghệ dự đoán và cảnh báo hạn tại Việt Nam, giới thiệu mô hình tưới tiết kiệm của Israel… Bên cạnh đó, đại diện từ các tỉnh Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng đã giới thiệu các giải pháp ứng phó với BĐKH đang được thực hiện tại mỗi tỉnh và nhu cầu hợp tác, đầu tư để thực hiện các dự án này.

Ông Bùi Minh Tuấn, GĐ Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết, để sống chung với hạn hán, thời gian qua tỉnh đã có nhiều dự án được triển khai, ứng phó một cách hiệu quả. Như dự án Tái tạo nguồn nước kỹ thuật giữ nước mặt quy mô nhỏ, bền vững tại Chà Bang, xã Phước Nam (Thuận Nam). Trước đây vùng này hoang mạc hóa, không sản xuất được, tuy nhiên khi dự án triển khai đã tích được nước, chống xói mòn góp phần thay đổi môi trường sinh thái và duy trì, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp vùng hạ lưu.

Ngoài ra còn có mô hình tưới tiết kiệm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích trồng lúa nước sang trồng các cây nông nghiệp ngắn ngày, dài ngày sử dụng ít nước tưới như cỏ, đậu xanh, táo cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Ngoài ra, xây dựng mô hình chăn nuôi thâm canh, bán thâm canh và chăn nuôi gắn với xây dựng đồng cỏ đã góp phần trong việc chống hoang mạc hóa đối với vùng đất bán khô hạn như Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, các giải pháp tiến đến một nền nông nghiệp xanh cũng được các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra bản thảo như: áp dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ và nâng cao trình độ quản lý để giảm phát thải khí nhà kính, đổi mới công nghệ; ứng dụng các giống lúa ngắn ngày năng suất cao để giảm phát thải khí nhà kính; ứng dụng quy trình tưới tiết kiệm nước trong sản xuất lúa và các cây trồng khác, sử dụng giống, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc hợp lý nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp.

Ông Shyam Krishna Paudel, cố vấn trưởng chương trình UNDP tại Việt Nam lưu ý giải pháp bền vững ứng phó hạn hán đó là phát triển rừng, khi rừng bị tàn phá đồng nghĩa ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, còn khi rừng được quản lý bền rừng sẽ góp phần duy trì chức năng hệ sinh thái bao gồm cả sinh thủy và giảm tác động tiêu cực của hạn hán. Hiện chương trình REDD + đang triển khai tại 6 tỉnh ở Việt Nam sẽ giúp xây dựng năng lực phục hồi bền vững thông qua củng cố các chế tài chính và vốn xã hội để khuyến khích cộng động bảo vệ và quản lý rừng.

“Trong khuôn khổ chương trình, đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Nhà tài trợ của Chính phủ Bỉ tại Việt Nam đã ký kết văn bản dự án thí điểm đầu tư cho tăng trưởng xanh tại Ninh Thuận. Đó là dự án thí điểm đầu tư tưới nước nhỏ giọt phục vụ nông nghiệp ứng phó với tình hình hạn hán và dự án thí điểm đầu tư tưới nước nhỏ giọt phục vụ phát triển cây xanh đô thị TP Phan Rang- Tháp Chàm. Các dự án này góp phần giúp Ninh Thuận ứng phó với hạn hán nói riêng và biển đổi khí hậu nói chung cũng như đóng góp vào việc thực hiện kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các tỉnh ven biển miền Trung: Khô hạn và giải pháp khắc phục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO