Chấm điểm tập đoàn, tổng công ty: 'Ông lớn' lo lắng

Hồ Hương 13/06/2016 09:05

Việc chấm điểm báo cáo tài chính các tập đoàn, tổng công ty có thể sẽ được áp dụng ngay trong năm nay, vừa để thu hút các nhà đầu tư đồng thời cũng là để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa. Nhưng quan trọng hơn, khi minh bạch chấm điểm báo cáo tài chính là để áp đặt kỷ luật thị trường, hạn chế bớt sự khác biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác trong quản trị, điều hành.  

Chấm điểm tập đoàn, tổng công ty: 'Ông lớn' lo lắng

(Ảnh: TL).

Chưa muốn buông các “ông lớn”

Các tập đoàn, tổng công ty thường được gọi là các “ông lớn”. Nếu như tính về mặt số lượng, hiện nay, Bộ Công thương và Bộ Xây dựng là hai cơ quan sở hữu khá nhiều “ông lớn”. Chẳng hạn, tại Bộ Công thương có Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Giấy... Trong khi đó Bộ Xây dựng cũng đang nắm vai trò chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại 16 Tổng công ty lớn, trong đó có các thương hiệu nổi bật như: Tổng công ty Viglacera; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama); Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi); Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam- CTCP (Viwaseen); Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng- CTCP và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Nhưng cũng trong năm vừa qua, Bộ Công thương cũng lại nằm trong số các đơn vị có tiến độ cổ phần hóa quá chậm. Còn Bộ Xây dựng cũng đang “vướng” trong nhiều trường hợp.

Và vì sao quá trình cổ phần hóa DNNN lại chậm?

Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do một số bộ vẫn muốn nắm giữ tỷ lệ vốn chi phối ở các tổng công ty lớn. Mà Bộ Xây dựng là một ví dụ: tất cả DN thuộc Bộ này đều có tỷ lệ vốn nhà nước chi phối rất cao nên bán không được. Chẳng hạn tại Lilama, các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua 49% cổ phần nhưng Bộ không cho. Đến khi đấu giá thì bán được rất ít và tỷ lệ vốn nhà nước vẫn chiếm tới 90%. Như vậy, có thể nói là đã làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp- theo ý kiến chuyên gia.

Ý khía cạnh khác, có thể nói về Tổng công ty cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội. DN đã CPH rồi nhưng nay vẫn xin Nhà nước cho giữ lại khoản đầu tư tương đương 40% vốn điều lệ (trị giá hơn 27 tỉ đồng) tại Công ty Đầu tư và Thương mại Harec, với lý do công ty đang làm ăn hiệu quả. Nói khác đi là công ty không muốn thoái vốn. Cùng đó, nhiều bộ chủ quản không muốn “buông” những DN sinh lời, dẫn đến mục tiêu lớn nhất của việc cổ phần hóa DNNN mà Chính phủ đặt ra là nhằm thay đổi hình thức quản trị DN chưa thành.

Trong khi đó các nhà đầu tư khi đầu tư vào DN muốn nắm giữ tỷ lệ cao là nhằm làm chủ “mặt trận” của mình để nắm vai trò điều tiết. Nhưng việc Nhà nước chỉ bán ra dưới 50% số cổ phần, hay việc các cơ quan chủ quản không muốn buông các “ông lớn” sẽ không giúp cho các đợt IPO, CPH diễn ra thành công. Việc tỷ lệ cổ phần được đưa ra chào bán quá thấp không làm thay đổi nhiều về phương diện quản lý điều hành DN dẫn đến việc nhà đầu tư không mặn mà. Nếu để tỷ lệ cổ phần của nhà nước quá cao thì CPH thành công rất thấp.

Về kế hoạch thực hiện CPH giai đoạn 2016-2020, theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, số lượng ước tính khoảng 500 DN nữa sẽ sớm được thực hiện CPH trong trong giai đoạn tiếp theo. Trong 5 năm tiếp theo, tiến trình CPH DNNN phải tiếp tục làm quyết liệt hơn khi mọi cơ chế đã rõ ràng. Đặc biệt là cải thiện thông tin minh bạch để tiếp tục cổ phần hóa, thu hút nhà đầu tư ngoại.

Chấm điểm tập đoàn, tổng công ty: 'Ông lớn' lo lắng - 1

Chấm điểm các tập đoàn, tổng công ty để tiến tới minh bạch
thông tin về doanh nghiệp lớn.

Chấm điểm

Phó cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến cho rằng, để hút nhà đầu tư, thì công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch thông tin của DN cần cổ phần cũng cần phải đẩy mạnh hơn. Nếu thông tin mù mờ thì nhà đầu tư không thể yên tâm. Hơn nữa, khi đã hội nhập, DN cũng cần minh bạch hơn để nhà đầu tư có thể tìm hiểu thị trường trên cơ sở thông tin do DN công bố.

Được biết, hiện Cục Tài chính DN đang phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán và một số cơ quan liên quan để có cơ chế bình bầu, đánh giá báo cáo tài chính tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có cả việc mời thêm tổ chức độc lập để chấm điểm. Các cơ quan liên quan khác như Bộ Tài chính hay cơ quan báo chí cũng sẽ có quyền bỏ phiếu đánh giá. Nếu nhanh, việc chấm điểm xếp loại báo cáo tài chính của các DNNN, tập đoàn sẽ được áp dụng trong năm nay.

Theo bình luận của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc chấm điểm báo cáo tài chính không những thúc đẩy nhanh quá trình CPH mà việc tuân thủ các yêu cầu về minh bạch thông tin cũng sẽ là điểm tựa để thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ bỏ vốn vào DN, tạo sự thay đổi lớn về chất tại các đơn vị mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn. Không những thế đây chính là cách thức quan trọng để áp đặt kỷ luật thị trường đối với DNNN; hạn chế bớt sự khác biệt giữa DNNN với các DN khác trong quản trị, điều hành. Đặc biệt hơn, theo ông Hiếu, sẽ hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong khu vực DN này…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấm điểm tập đoàn, tổng công ty: 'Ông lớn' lo lắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO