Chọn nhà đầu tư cho năng lượng sạch

H.Vũ (thực hiện) 24/02/2020 08:00

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Yêu cầu được Bộ Chính trị đặt ra là cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng, song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả.

Trao đổi với ĐĐK, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho rằng, trong tương lai cần đấu thầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, và lựa chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực.

Chọn nhà đầu tư cho năng lượng sạch

Ông Hoàng Tiến Dũng.

PV: Thưa ông, thời gian qua ta dù chúng ta đã phát triển năng lượng tái tạo, nhưng các dự án chưa đem lại nhiều hiệu quả như mong muốn. Vậy nguyên nhân do đâu và giải pháp nào để triển khai hiệu quả các dự án này?

Ông Hoàng Tiến Dũng: Nhìn nhận một cách khách quan, trong 2 năm qua năng lượng tái tạo đã đạt được những thành tích. Cách đây 2 năm, chúng ta hầu như không có điện mặt trời, còn bây giờ đã đạt được gần 5.000 MW từ hệ thống này. Hay như điện gió, từ con số 0 bây giờ cũng đã có gần 500 MW. Đó là thành tích lớn, vượt qua mong ước trong Quy hoạch điện VII đã được phê duyệt. Để làm được việc này, không phải là các tập đoàn nhà nước mà toàn là các doanh nghiệp tư nhân. Điều đó có nghĩa việc xã hội hóa đã đem lại kết quả và thành công. Có một số tồn tại như phát triển quá nhanh trong khi công suất đường dây không đáp ứng đã gây quá tải lưới điện, không giải tỏa được công suất. Các công trình không phải bị ảnh hưởng hoàn toàn mà chỉ bị ảnh hưởng ở một số giờ trong ngày, công suất những lúc bị ảnh hưởng tính ra sản lượng bị thiệt hại khoảng 5-7%. Do đó giải pháp để tháo gỡ về mặt ngắn hạn là phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào lưới điện truyền tải.

Mục tiêu được xác định là hướng tới an ninh năng lượng sạch để phát triển bền vững. Nhưng để làm được chúng ta cần có bước đi cụ thể như thế nào, thưa ông?

- An ninh năng lượng có nhiều tiêu chí như đa dạng hóa các loại hình nguồn cung cấp, trong đó có cả than khí, thủy điện, năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) thậm chí cả nhập khẩu. Rồi giá thành của nó phải ở mức chấp nhận được và cách tiếp cận với các nguồn cũng thuận lợi. Ví dụ, nhập khẩu cũng phải có nguồn có khả năng nhập khẩu được. Ví dụ như than, khí đốt phải đảm bảo những nguồn cung cấp tin cậy và tỷ lệ cũng phải phù hợp. Chúng ta phát triển năng lượng tái tạo xanh, sạch nhưng cũng không được quá mức an toàn của hệ thống. Ví dụ, như hệ thống điện Việt Nam mà tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 30-40% thì quá trình vận hành sẽ rất khó khăn. Cho nên tỷ lệ của các loại nguồn trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam cũng phải hợp lý để đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn của hệ thống.

Thưa ông, cần ưu tiên để phát triển năng lượng tái tạo.Vậy thì cần có các cơ chế, chính sách gì để tháo gỡ?

- Thời gian qua để tạo nên “cú hích” ban đầu, Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích điện mặt trời, được bán cố định với mức giá hấp dẫn là 9,35cent/1 KW/giờ, vì vậy huy động được rất nhiều các nguồn lực trong xã hội tham gia và đầu tư điện mặt trời. Tương tự như thế, cơ chế chính sách điện gió theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ cũng là cơ chế được đánh giá là hấp dẫn nên rất nhiều người tham gia nghiên cứu, đánh giá, khảo sát dự án để phát triển điện gió trên địa bàn toàn quốc. Qua đó cũng thấy rằng tiềm năng của chúng ta là rất cao, năng lực của các doanh nghiệp tư nhân ngoài xã hội đầu tư vào điện gió cũng rất lớn. Cú hích ban đầu như vậy rất là tốt để tạo ra động lực, qua quá trình làm việc các nhà đầu tư cũng có kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời. Còn hiện nay Nhà nước đã chuyển dần sang cơ chế đấu thầu, tức là trong tương lai khi có khả năng phát triển năng lượng mặt trời, hoặc năng lượng gió tại một khu vực nào đó khi đánh giá được khả năng truyền tải điện khu vực có tiềm năng thì sẽ cho đấu giá để các nhà đầu tư phát triển các nguồn năng lượng này.

Thực tế hiện nay chúng ta đang nhờ các đơn vị tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nghiên cứu. Họ có rất nhiều kinh nghiệm tổ chức đấu giá, đấu thầu ở nhiều nước trên thế giới, và chúng ta sử dụng kết quả nghiên cứu đó dựa trên các điều kiện tại Việt Nam để đưa ra các cơ chế đấu thầu phù hợp. Vấn đề này hiện Bộ Công thương đang nghiên cứu và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Tôi cho là, chỉ qua đấu giá mới có thể lựa chọn được nhà đầu tư làm được giá điện với mức thấp trong số những người tham gia đấu giá và người tiêu dùng sẽ được hưởng mức giá thấp nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo rất toàn diện và sâu sắc. Tôi xin đề cập đến hai quan điểm có ý nghĩa then chốt. Thứ nhất là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng - an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Thứ hai, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn nhà đầu tư cho năng lượng sạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO