Đồng bằng sông Cửu Long: Hài hòa hai dòng mặn - ngọt

Quốc Trung 29/03/2017 08:25

Bên cạnh cách làm của bà con dùng túi chứa nước ngọt; đắp các đập thời vụ như ở Hậu Giang, Bạc Liêu, hay phong trào “đồng khởi trữ nước ngọt” ở Bến Tre (ĐĐK số 87) thì giải pháp công trình với hệ thống cống ngăn mặn, đê bao khép kín vẫn là biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu hạn hán, xâm nhập mặn tối ưu và lâu dài.

Khẩn trương đắp vụ ứng phó hạn mặn.

Đầu tư mạnh cho các công trình

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khoảng 10 năm gần đây mức độ và diễn biến của thời tiết theo hướng xấu dần, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.

Cụ thể, giai đoạn trước năm 1975 mùa khô lưu lượng sông Cửu Long đạt khoảng 2.000m3/giây; lưu lượng các tháng 9, 10 là 40.000m3/s. Hiện nay, lưu lượng nước mùa khô không chỉ còn 1.700m3/giây, có lúc chỉ còn 14.000m3/s vào tháng 9, 10 âm lịch, vì vậy hiện tượng xâm nhập mặn sẽ còn tiếp tục kéo dài qua từng năm.

Các địa phương ở ĐBSCL triển khai liên tục các giải pháp như: Đầu tư các công trình đập ngăn mặn, trữ ngọt; kiểm tra duy tu các công trình, hệ thống thủy lợi; đo, quan trắc cập nhật và theo dõi diễn biến xâm nhập mặn đến cơ quan chức năng và người dân nắm bắt kịp thời để có biện pháp phòng chống...

Ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: Trước tình hình hạn mặn diễn ra tương đối phức tạp, các địa phương đã kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện trên địa bàn thường xuyên.

Đồng thời nâng cấp nạo vét các tuyến kênh, đắp đập thời vụ để bảo vệ tốt sản xuất nông nghiệp và vụ hè thu 2017 chủ động trong công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, tạo được sự an tâm của người dân. Thời gian qua các địa phương đã tiến hành nạo vét 27 tuyến kênh, đắp 149 đập thời vụ, kinh phí thực hiện hơn 30 tỷ đồng.

Ở tỉnh Kiên Giang, thời điểm này Chi cục Thủy lợi đã đóng các cống ở huyện Hòn Đất, Kiên Lương để giữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh: Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng tích cực giữ nước ngọt để phục vụ sản xuất, đồng thời, các công ty cấp nước cũng khẩn trương sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các vùng hạn, xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã cảnh báo: Các địa phương trong vùng ĐBSCL phải lường trước được thời tiết bất thường, hạn hán, xâm nhập mặn có thể xảy ra thời gian tới. Nguồn nước ngọt đóng vai trò quan trọng cho sản xuất, sinh hoạt vùng ĐBSCL nên cần chủ động các giải pháp giảm tác động do ảnh hưởng xâm nhập mặn. Các địa phương không nên chủ quan, lơ là...”.

Cần biến tình trạng xâm nhập mặn thành lợi thế

Trước việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều dự án công trình kiên cố trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên lại vấp phải tình trạng xung đột, nơi cần mặn thì ngọt, nơi cần ngọt lại mặn. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao hài hòa được hai dòng mặn - ngọt vừa ứng phó lại vừa biến nó thành lợi thế cho từng địa phương.

Tình trạng này xảy ra không chỉ xảy ra ở Kiên Giang, Cà Mau: Khi người nuôi tôm (nước mặn) và trồng lúa (nước ngọt) có ruộng kề nhau đang gây ra những thiệt hại nặng, dẫn đến những xung đột gay gắt. Đây là những xung đột mà chính quyền chỉ có thể can thiệp bằng quy hoạch sản xuất phù hợp với từng địa phương.

Cụ thể ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, thời gian qua hình thành 2 vùng sản xuất rõ ràng: vùng bờ Tây sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm (lúa - tôm) kết hợp phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng phòng hộ.

Còn vùng bờ Đông quy hoạch sản xuất 2 vụ lúa/năm. Những năm gần đây, trồng lúa ở vùng bờ Đông khó khăn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều hộ nông dân tự phát chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi tôm.

Cụ thể, vùng ven sông Cái Lớn của 2 xã Hưng Yên, Đông Yên hiện đã chuyển đổi sang nuôi tôm trên 2.000 ha, vùng tranh chấp “tôm - lúa” Đông Thái trên 300 ha.

Ở Cà Mau thì chuyện tranh chấp mặn ngọt đã phải nhờ đến cơ quan chức năng giải quyết. Cụ thể ở xã An Xuyên, TP. Cà Mau tỉnh Cà Mau, trước đây trồng lúa rất khá có lúc thu hoạch được vài chục giạ/công (1.000m2).

Những năm gần đây hạn hán, mặn xâm nhập, nhiều nông dân chuyển từ đất trồng lúa sang nuôi tôm nhiều hộ dân ở xã An Xuyên phải gửi đơn đến cơ quan chức năng can thiệp tình trạng, tự ý đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm.

Bà Châu Thị Trinh, ở ấp Tân Thời cho biết: Một số người phá đập, cho nước mặn từ kênh Ông Đại vào ruộng lúa để nuôi tôm, khiến ruộng xung quanh bị nhiễm mặn làm sao mà lúa sống nổi…

Ở huyện Cù lao Dung của tỉnh Sóc Trăng những năm gần đây cũng vậy, từ thế mạnh của huyện cù lao là trồng mía với vùng nguyên liệu lên tới trên 8.000 ha.

Tuy nhiên vài năm gần đây, giá mía bấp bênh, thu nhập thấp khiến bà con đã phá mía chuyển sang nuôi tôm, đến vùng cù lao nào rất dễ bắt gặp hình ảnh vuông tôm nằm sát với vườn mía.

Khuyến cáo của các nhà khoa học, đối với các tỉnh quy hoạch vùng sản xuất tôm - lúa cần hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đồng bộ, đảm bảo điều tiết nguồn nước phục vụ nuôi tôm, trồng lúa theo từng vùng, tiểu vùng trên cơ sở quy hoạch chung. Chủ động kiểm soát, quản lý nguồn nước, nồng độ mặn và chất lượng nước theo yêu cầu sản xuất tôm - lúa.

Từ các mâu thuẫn đó, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc ứng phó thì việc sống chung và biến tình trạng xâm nhập mặn thành lợi thế là vấn đề mà vùng ĐBSCL cần phải tính toán.

Thời gian qua, các nhà khoa học tích cực nghiên cứu cho ra đời các giống cây trồng (chủ yếu là lúa) chống chịu được với mặn. Quy hoạch lại các vùng nuôi trồng thuỷ sản với lợi thế là con tôm để biến vùng ĐBSCL trở thành thủ phủ của con tôm…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Hài hòa hai dòng mặn - ngọt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO