Ngày 29/3, tại TP Cần Thơ, đã diễn ra Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch ĐBSCL”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, cùng với các địa phương trong vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng, từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.
Tuy nhiên, ngành Du lịch TP Cần Thơ và cả ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương,…
Phó Chủ tịch Nguyễn Thực Hiện kỳ vọng, hội thảo sẽ ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu phân tích, đánh giá về thực trạng, đề xuất giải pháp, kiến nghị giải quyết các vấn đề hạn chế còn tồn tại, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay cho du lịch ĐBSCL phát triển trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nhận định, chủ đề hội thảo vừa mang tính lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, để các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ quan báo chí truyền thông phân tích, đánh giá và đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh phục hồi phát triển du lịch tại các tỉnh ĐBSCL hiệu quả, bền vững và vinh danh các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, các khu du lịch có những hoạt động nổi bật trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Thành Lợi cho biết, Ban tổ chức đã nhận được hơn 20 tham luận gửi đến hội thảo. Đây là những bài viết chuyên sâu, có tính nghiên cứu, phân tích đa dạng, nhiều chiều những khó khăn, hạn chế để đưa ra những kiến giải nhằm góp phần phục hồi và phát triển ngành công nghiệp không khói của các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp làm du lịch trình bày nhiều ý kiến, tham luận chuyên sâu, có tính nghiên cứu, phân tích những khó khăn, hạn chế và đưa ra những kiến giải nhằm góp phần phục hồi và phát triển ngành công nghiệp không khói của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Theo đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi và làm rõ về tổng quan những vấn đề lý luận với sản phẩm du lịch, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của khu vực ĐBSCL, chỉ rõ những đặc trưng cơ bản, những thế mạnh cần phát huy trong thời gian tới. Đánh giá thực trạng vấn đề xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch hiện nay tại ĐBSCL.
Đồng thời, phân tích lợi thế, tiềm năng, cơ hội và thách thức trong kinh doanh lữ hành, từ đó, tạo sự kết nối giữa đơn vị quản lý, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và điểm đến du lịch, bảo đảm nâng cao hiệu quả các chương trình tour, tuyến du lịch và trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL.
Trên cơ sở phân tích, đưa ra giải pháp để xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL nhằm góp phần tích cực vào việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đề xuất cơ chế phối hợp giữa các tác nhân trong chuỗi du lịch với các địa phương trong vùng ĐBSCL cùng với TP Hồ Chí Minh, các vùng miền cũng như các nước tiểu vùng sông Mekong.
Cùng với đó, hội thảo cũng khẳng định vai trò của báo chí truyền thông về vấn đề phát triển thương hiệu, xây dựng tour, tuyến, đồng thời quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL hiện nay, từ đó xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói ngày càng phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực ĐBSCL. Đồng thời, đưa ra những đề xuất, kiến nghị và giải pháp quan trọng nhằm nâng cao kỹ năng tác nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo khi viết và phản ánh về du lịch.
Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cùng với việc củng cố nguồn nhân lực, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phục vụ khách du lịch bên cạnh việc tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá, đẩy mạnh liên kết, thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh, phát triển bền vững, thì nghiên cứu, khảo sát, xây dựng tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đặc thù của từng doanh nghiệp, từng địa phương, từng khu vực để đáp ứng nhanh, hiệu quả với nhu cầu mới của du khách một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được nhấn mạnh trong hoạt động du lịch hiện nay.
Bà Lan khẳng định, với tư cách là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nghiệp cả nước, HHDL Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng các sở quản lý, HHDL và các doanh nghiệp du lịch tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL triển khai, tổ chức thực hiện NQ số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp đẩy nhanh, phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững.
“Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác liên kết, phối hợp triển khai các hoạt động với các Hiệp hội du lịch trong cả nước, tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch ĐBSCL, góp phần vào sự phát triển chung toàn diện ngành Du lịch theo hướng nhanh, bền vững, phấn đấu đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.” – bà Cao Thị Ngọc Lan nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội thảo, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã công bố quyết định và trao bảng công nhận điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2024 cho: Điểm du lịch Đồi Tức Dụp (Tái công nhận); Cảng Du thuyền Mỹ Tho; Điểm du lịch sinh thái dựa vào Cộng đồng Cồn Hô; Bảo tàng văn hoá Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh.