Gắn kết mối quan hệ kinh tế nội - ngoại

H.Hương 09/06/2017 09:15

Việt Nam đã trở thành địa điểm hấp dẫn vốn của các DN có vốn đầu tư nước ngoài với mức giải ngân trung bình 11 tỷ USD/năm. Các DN FDI đã đóng góp rất đáng kể cho tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tạo ra khoảng 3 triệu việc làm. Tuy nhiên, DN FDI vẫn chậm chuyển giao công nghệ cho đối tác trong nước; nhiều DN vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí trốn thuế...

Theo dự kiến, vào ngày 16/6 tới đây, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017 được tổ chức tại Hà Nội. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có buổi đối thoại với Chính phủ Việt Nam về các chính sách công – tư để nâng cao chất lượng môi trường đầu tư. Tuy nhiên, lần này, chủ đề lại bàn kỹ hơn về sự gắn kết khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) và với kinh tế toàn cầu. Được biết các nội dung cụ thể sẽ được đề cập tại Diễn đàn là tác động của một số chính sách toàn cầu gần đây tới nền kinh tế Việt Nam, làm sao duy trì và thu hút nguồn vốn tư nhân trong bối cảnh mới, làm thế nào để kết nối FDI với DN trong nước…

Thị trường Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, bất chấp kinh tế khó khăn. Mới đây Tập đoàn Sam Sung quyết định điều chỉnh tăng vốn đầu tư Dự án SamSung Display Việt Nam thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh. Hay nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn tại Kiên Giang. Từ đó, dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ cũng chính thức được cấp phép. Hay như nhà đầu tư Đài Loan quyết định đầu tư Dự án nhà máy của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD. Ngoài ra còn có Coca – Cola tiếp tục điều chỉnh tăng vốn dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội

Các nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan tiếp tục tăng cường các dự án mới và mở rộng các dự án đang có tại Việt Nam. Trong đó tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo ra linh kiện, phụ kiện đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy có sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp kỹ thuật cao… Đồng thời, các DN FDI cũng tập trung đầu tư sản xuất những mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng tại Việt Nam, nhất là hình thành được chuỗi cung ứng; trong đó có sự tham gia của nhiều DN Việt Nam, qua đó thực hiện chuyển giao công nghệ và tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành địa điểm hấp dẫn vốn, với mức giải ngân trung bình 11 tỷ USD/năm. Phải thừa nhận rằng, các DN FDI đã đóng góp rất đáng kể cho nền kinh tế, chiếm tỷ trọng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tạo ra khoảng 3 triệu việc làm. Một số sản phẩm xuất khẩu của DN FDI như: điện thoại, linh kiện điện tử, hàng dệt may, da giày… đã có chỗ đứng tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, DN FDI vẫn chậm chuyển giao công nghệ cho đối tác trong nước; nhiều DN vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí trốn thuế, chuyển giá, gây bức xúc dư luận.

Chưa kể, xu hướng trong thời gian gần đây nhiều DN FDI chuyển từ liên doanh với DN Việt Nam sang đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Và lợi ích của nhà đầu tư ngoại cũng riêng nên trong nhiều trường hợp, lợi ích ấy không đồng nhất với lợi ích của nền kinh tế Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng, sự liên kết giữa DN FDI và DN trong nước còn rời rạc nên DN Việt Nam ít tham gia được vào chuỗi sản xuất của DN FDI. Chẳng hạn với Canon, tỷ lệ nội địa hóa đạt đến 60% nhưng trong số này, chỉ có 10% DN Việt Nam cung cấp linh kiện.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của DN FDI, nhất là DN quy mô lớn để họ lựa chọn DN trong nước, đào tạo kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn của họ. Từ đó hình thành liên kết giữa DN trong nước và DN FDI.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gắn kết mối quan hệ kinh tế nội - ngoại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO