Gỡ điểm nghẽn liên kết

Duy Khang (thực hiện) 01/10/2017 07:00

Để doanh nghiệp (DN) trong nước có thể tham gia vào các tập đoàn đa quốc gia, chuỗi sản xuất toàn cầu đòi hỏi ngành công nghệ phụ trợ phải có những bước tiến mạnh mẽ cũng như mối liên kết giữa khu vực DN trong nước và khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng dường như cơ chế chính sách để tạo các mối liên kết đó vẫn còn điểm nghẽn. Ông Đào Huy Giám- Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam đã chia sẻ về vấn đề này.

Ông Đào Huy Giám.

PV: Mặc dù chúng ta đang nỗ lực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự kết nối giữa DN tư nhân và các DN FDI để tạo tính lan tỏa giữa hai khu vực nhằm nâng sức cạnh tranh cho DN nội; tuy nhiên, sự liên kết này vẫn đang còn lỏng lẻo. Phải chăng cơ chế chính sách chưa thúc đẩy được mối liên kết đó, thưa ông?

Ông Đào Huy Giám: Chúng ta đã có chủ trương hội nhập từ 20 năm nay, đã gia nhập WTO hơn 10 năm. Phải nói rằng, mỗi chính sách ra đời đều cần phải có thời gian nhất định để ngấm với thực tiễn. Trong những năm gần dây chúng ta mới quan tâm nhiều hơn đến kinh tế tư nhân và mới bắt đầu đưa ra khái niệm “bình đẳng”, nhưng chưa được quán triệt ở tất cả các cấp các ngành, do vậy vẫn chưa hình thành được một chính sách thực sự bình đẳng đối với kinh tế tư nhân chứ chưa nói đến việc thực thi một cách ổn định. Chúng ta vẫn vừa làm vừa học nên tính ổn định thấp, do vậy khả năng để chính sách đi sâu vào cuộc sống chậm hơn, thực hiện khó hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn dàn trải trong thực hiện chính sách. Ví dụ nếu chúng ta thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống của người lao động thì phải đi sâu vào giá trị gia tăng mà DN cùng người lao động tạo ra. Hay các chính sách để thúc đẩy sức cạnh tranh cho DN, cần phải rất ổn định. Thế nhưng mỗi năm lại có sự thay đổi rồi lại rập rình bàn thay đổi. Như vậy là rất mất ổn định, mất khả năng lường trước được những xu hướng sẽ xảy ra và vì thế DN không lập được kế hoạch, chiến lược hoạt động, dẫn đến sức cạnh tranh bị giảm sút.

Thứ nữa, chính sách đang thiếu hẳn sự ưu tiên và những mũi tiến công chủ lực của các ngành mũi nhọn. Chẳng hạn cả ngành Công thương, mà quỹ xúc tiến chỉ có dăm bảy chục tỷ USD, nghe có vẻ to đấy nhưng để cho cả một đất nước với khối lượng sản xuất tạo giá trị gia tăng trên hai trăm triệu USD thì quỹ đó quá nhỏ bé. Hay như quỹ xúc tiến du lịch, chúng ta chỉ có 2 triệu USD trong khi Thái Lan là 200 triệu USD. Do đó, tôi cho rằng, cách hoạch định chính sách, cách triển khai chính sách, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên và đánh giá các mặt ưu tiên hiện nay đang bộc lộ những bất cập.

Có một thực tế là, trong lĩnh vực công nghiệp nặng, không ít DN nội đầu tư vào đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại, phá sản. Trong khi đó các DN FDI đầu tư lĩnh vực này lại rất nhiều. Vậy đâu là nguyên nhân? Tại sao chúng ta chưa thể kết nối 2 khu vực DN để đưa sản phẩm của DN Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu?

-Tôi cho rằng, các DN không dễ chấp nhận đối tác đến với họ, vì anh đến là phải đem lợi nhuận cho họ. Cũng có DN Việt của ta đã và đang tham gia vào khâu sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, song con số đó rất hãn hữu.

Nói một cách khách quan, công nghệ hỗ trợ của chúng ta cũng đã có những bước tiến. Chẳng hạn ngành dệt may chúng ta bắt đầu khởi sự, xây dựng công nghiệp dệt may gia công từ những năm cuối 1980, và thời điểm đó chúng ta chỉ tạo giá trị gia tăng trên một sản phẩm dệt may ở mức 10% đến dưới 20%. Đến nay ngành dệt may đã được đánh giá là tạo giá trị gia tăng trên 50%. Đấy là một bước tiến tốt nhưng rõ ràng công nghiệp của chúng ta không thể trông chờ mãi ở những ngành gia công như dệt may, da giày. Cần phải đi vào nhiều lĩnh vực khác nữa.

Trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, những năm 1980 chúng ta không sản xuất được lốp, kể cả lốp xe đạp, nhưng đến nay chúng ta đã làm tốt, ngành nhựa hoặc một số ngành chế tác cơ khí, chúng ta cũng đã làm được những chi tiết cao hơn. Nhưng suy cho cùng, muốn tham gia vào khâu quan trọng của chuỗi sản xuất toàn cầu, các DN phải có năng lực và phải quản trị được cũng như nắm bắt được toàn bộ chuỗi đó.

Thông thường ở các nước khác, sự can thiệp, hỗ trợ của Chính phủ thông qua các biện pháp phù hợp với định chế của WTO cũng như các nước chúng ta tham gia hội nhập là ở mức cao hơn. Ví dụ các qũy để thực hiện xúc tiến, những trung tâm cung cấp thông tin, cơ sở nghiên cứu, những dịch vụ hỗ trợ như kế toán tài chính, khai thuế, thông quan… các nước tổ chức rất có hệ thống, điều này Việt Nam cần hỏi vì chúng ta đi sau họ rất nhiều.

Tuy nhiên, không phải quá vội vàng, mình đi chậm nhưng mình bước chắc là được.

Nói cho cùng, các chính sách, cơ chế để thúc đẩy nội lực cho DN nâng sức cạnh tranh là rất quan trọng. Theo ông, cần có giải pháp thế nào để các DN Việt Nam có thể đưa sản phẩm của mình vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn, từ đó có thể nâng sức cạnh tranh khi hội nhập?

- Dư luận đánh giá rất cao việc Vingroup quyết định đầu tư vào ô tô, nhằm nâng cao nội địa hóa. Tôi nghĩ đây là một động thái đáng hoan nghênh và chúng ta cần coi đó là một mô hình mẫu để các DN học tập. Vingroup đang chứng minh cho chúng ta thấy, DN Việt vẫn có thể tự tin bước vào những khâu quan trọng của chuỗi sản xuất toàn cầu. Và tất nhiên, chỉ riêng nỗ lực của DN thôi là chưa đủ, cần phải có những chính sách, cơ chế phù hợp, tạo động lực để thúc đẩy DN.

Tôi được biết, Bộ Công thương và các DN tư nhân đang triển khai nhiều biện pháp và là những biện pháp cụ thể. Đơn cử Bộ Công thương đang phối hợp với các tổ chức tư nhân như Diễn đàn Kinh tế tư nhân để kết nối giữa các DN tư nhân với những đối tác nước ngoài, từ đó giúp các DN tư nhân nắm bắt được phương thức sản xuất, quản lý từ phía các đối tác. Đó là những việc làm hết sức cụ thể giúp DN tham gia vào chuỗi tốt hơn.

Bên cạnh đó, vai trò của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức các cuộc đối thoại giữa hai khu vực DN nhỏ và vừa với DN FDI là rất cần thiết, từ đây mới có sự kết nối giữa hai khu vực một cách trực tiếp và chặt chẽ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ điểm nghẽn liên kết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO