Hàng nông sản 'ngắm' thị trường lớn

Phương Nguyên 25/02/2016 00:29

Năm 2015, được coi là năm khó khăn của nền nông nghiệp nước ta. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ tăng được tăng 0,2% so với năm 2014. Để khắc phục hạn chế, tận dụng thời cơ thì việc tập trung vào các thị trường lớn, truyền thống như Hoa Kỳ, châu Âu… đang được hướng tới trong năm 2016.

Hàng nông sản 'ngắm' thị trường lớn

Xuất khẩu cà phê là một trong những thế mạnh của Việt Nam.

Năm qua, tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, phần lớn giá cả nguyên nhiên vật liệu đều trong vòng xoáy giảm giá, diễn biến khó lường của thị trường tiền tệ đã tác động mạnh đến xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các nước ngày càng tăng cường sử dụng các rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất trong nước đã khiến cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhu cầu và giá cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam suy giảm.

Theo dự báo, năm 2016, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ có nhiều triển vọng do nhu cầu thị trường tăng và cơ hội được hưởng ưu đãi lớn về thuế. Bên cạnh đó, ngoài các mặt hàng đang gặp khó khăn, vẫn có những mặt hàng có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2016 như: hạt điều, hạt tiêu, gỗ, sắn và rau quả. Trong các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nền kinh tế Hoa Kỳ có dự báo khả quan nhất cho năm 2016. Với nhu cầu của thị trường này dự báo vẫn tiếp tục có cầu ổn định đối với hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện nay Hoa Kỳ đang được coi là thị trường để Việt Nam tận dụng những ưu đãi từ TPP cho lĩnh vực nông sản.

Bên cạnh những thuận lợi, tuy nhiên, xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trong năm 2016 của ta cũng gặp cạnh tranh hết sức quyết liệt. Đối thủ của chúng ta ở thị trường này vẫn là Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia. Những rào cản về kỹ thuật và thương mại cũng là khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường này. Năm 2015, trừ sản phẩm gỗ, hạt điều, hạt tiêu và mây tre cói thảm, giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông lâm thủy sản sang thị trường này đều giảm đáng kể so với năm 2014. Cụ thể thủy sản (giảm 23,38%), cà phê (giảm 13,31%), cao su (giảm 7,49%), gạo (giảm 21,74%), chè (giảm 18,27%).

Ngoài thị trường Mỹ thì điểm nhìn của xuất khẩu nông lâm thủy sản của chúng ta còn là thị trường châu Âu (EU). Là thị trường nhập khẩu có sức mua lớn và đa dạng, năm 2016, nền kinh tế EU được dự báo sẽ phục hồi chậm. Tuy các nước EU đều có dự báo kinh tế tăng trưởng dương nhưng mức tăng trưởng đều rất thấp (chưa đến 1%). Dự báo nhu cầu nhập khẩu chung cho cả EU sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 5-6% trong hai năm tới. Hiệp định thương mại tự do với EU đã kết thúc đàm phán và mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi 90% hàng hóa vào thị trường này được hưởng mức thuế suất 0%.

Những mặt hàng chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất trong các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU là cà phê, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Đặc biệt, EU là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu cà phê của Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng là một trong những thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm như hạt điều, hạt tiêu, cao su và sản phẩm mây tre cói thảm Việt Nam.

Để đạt kế hoạch đặt ra, theo Bộ NN&PTNT, chúng ta phải tiếp tục duy trì sự hiện diện các ngành hàng nông lâm thủy sản tại thị trường truyền thống này. Tập trung đột phá vào một số mặt hàng, thị trường có mức cầu lớn, có lợi thế để thâm nhập sâu vào các thị trường được coi là có thế mạnh này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng nông sản 'ngắm' thị trường lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO