Khuyến nghị dỡ trần lãi suất huy động

H.Hương 12/05/2016 06:36

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa khuyến nghị, sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất huy động với các kỳ hạn rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh.

VEPR cho rằng, việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5%/năm) như hiện nay dẫn đến khó khăn trong việc thu hút tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.

Tại Việt Nam hiện vẫn áp dụng quy định về trần lãi suất huy động. Cụ thể, theo quy định hiện hành, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm; riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6%/năm. Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm, của cá nhân là 0%/năm.

Với thực tế trên 80% lượng tiền gửi từ dân cư và tổ chức kinh tế có kỳ hạn dưới 1 năm, việc quy định trần lãi suất huy động, dù chỉ với các kỳ hạn dưới 6 tháng, vẫn có tác động lớn đến thị trường tiền gửi.

Trong năm 2015, khi lạm phát ở mức thấp, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức dưới trần quy định. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2016, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh huy động vốn gắn với việc triển khai các chương trình khuyến mại, nên có thể vượt trần lãi suất huy động theo quy định, tính theo lợi ích thực nhận của người gửi tiền.

Việc dỡ bỏ trần lãi suất cũng đã được đề cập rất nhiều. Nhưng dỡ trần hay không vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Bởi thanh khoản thị trường dù có đang tốt lên, nhưng kỳ vọng lạm phát tăng cao trở lại tái xuất, tăng trưởng tín dụng dù đã qua thời khó khăn nhưng chưa thật sự bền vững. Nếu buông trần lãi suất, sẽ khiến cuộc đua lãi suất huy động này nhanh chóng nóng lên.

Giới chuyên gia phân tích, chỉ trong vòng 2 tuần qua Ngân hàng Nhà nước đã phải sử dụng nhiều mệnh lệnh hành chính để siết lại kỷ luật trên thị trường, từ tiền đồng đến đồng USD. Trần lãi suất hiện nay, ít ngân hàng nào nào vi phạm nhưng nếu bỏ đi, cũng có thể khiến cho ngân hàng tự mắc kẹt vào trong đó. Việc bỏ hay dỡ trần lãi suất huy động hiện nay không phải là điều quan trọng, mà cần thiết, giữ ổn định được lãi suất đầu ra, định được hệ thống.

Trở lại với đề xuất của VEPR, cơ quan này cũng cho rằng, phát triển thị trường vốn và hình thành đường cong lãi suất cần được ưu tiên cao để phát triển thị trường tài chính. Đây là cơ sở tiên quyết để giảm chi phí vốn, thúc đẩy đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân, tạo nền tảng tăng năng suất trong dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khuyến nghị dỡ trần lãi suất huy động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO