Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp

Phương Linh 12/10/2019 07:00

Phát biểu tại Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ tại Quảng Ninh sáng 11/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất, thủ tục cũng như đã cung cấp các dịch vụ tài chính an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng.

Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quangninh Online.

Nhìn nhận vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp. Về phía NHNN, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đã xây dựng các Chương trình hành động của ngành, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, NHNN theo đuổi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Theo Phó Thống đốc, trong điều hành lãi suất, NHNN đã cố gắng điều hành lãi suất ổn định, theo xu hướng giảm dần khi điều kiện vĩ mô và các chỉ số cho phép. Vừa qua, NHNN cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 0,25%, từ đó tạo hiệu ứng để ngân hàng thương mại (NHTM) có động thái giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Thời gian tới, trong định hướng điều hành, NHNN cũng tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất khi điều kiện cho phép, nhằm tiếp tục hỗ trợ vốn, tài chính cho doanh nghiệp.

Về tỷ giá, NHNN đã điều hành tỷ giá ổn định tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp xuất và nhập khẩu, đồng thời đảm bào phù hợp cán cân ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ trên thị trường, đảm bảo các chỉ số vĩ mô khác như việc cho vay trả nợ nước ngoài, luồng vốn chu chuyển, cán cân vãng lai... Theo Phó Thống đốc, chủ trương ổn định tỷ giá sẽ được tiếp tục trong năm nay và những năm tới. Ổn định không có nghĩa là cố định, mà là để doanh nghiệp yên tâm, không lo câu chuyện phá giá đồng tiền, tập trung xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tránh những cơ hội đầu tư ngoại tệ“- ông Tú nhấn mạnh.

Chính sách vốn tín dụng cũng được hướng đến các lĩnh vực trọng tâm, lĩnh vực ưu tiên. Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp, NHNN đã chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, nâng cao khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm. NHNN cũng là cơ quan 4 năm liền dần đầu các bộ ngành về chỉ số cải cách thủ tục hành chính (PAR-Index). Bên cạnh đó, NHTM cũng không ngừng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại, góp phần gia tăng tiện ích và tạo thuận lợi cho khách hàng doanh nghiệp.

NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, để cùng thảo luận, chia sẻ, từ đó nhận diện khó khăn, vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt, thời gian qua, các ngân hàng thường xuyên có các giải pháp hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.

Vùng KTTĐ Bắc Bộ chiếm trên 33% dư nợ cho vay nền kinh tế

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN): Tại vùng KTTĐ Bắc Bộ, tận dụng lợi thế là vùng kinh tế năng động của khu vực Đồng bằng sông Hồng, với cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ, năng lực cạnh tranh cao và số lượng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, chiếm tới hơn 28% số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng KTTĐ Bắc Bộ đã phát triển mạng lưới hàng nghìn chi nhánh, phòng giao dịch, tích cực huy động vốn để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng với số dư huy động bình quân luôn gấp hơn 1,5 lần dư nợ tín dụng. Tín dụng của khu vực những năm qua liên tục tăng và đến cuối tháng 9/2019 đạt 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,98% so với kết quả tại thời điểm ngày 31/12/2018 và chiếm khoảng 33,1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Trong đó, dư nợ đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 35%; dư nợ đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm 61%, phù hợp với định hướng phát triển của khu vực, góp phần phát triển ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, là các ngành trụ cột tăng trưởng và có mức tăng cao trong cơ cấu kinh tế của vùng.

Phát biểu tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã có những đánh giá tích cực về các chính sách giải pháp kịp thời của ngành Ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Ông Nguyễn Quang Mâu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gạch ngói Đất Việt - Anh hùng Lao động cho biết: Trong giai đoạn 2012-2013, do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã phải ngừng sản xuất, thậm chí dẫn tới phá sản. Trên bờ khó khăn đó của doanh nghiệp, dưới sự chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các NHTM đã giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, NHNN cũng đã chỉ đạo các NHTM triển khai chủ trương hoãn, giãn nợ gốc, giãn nợ lãi và cơ cấu lại khoản nợ. Nhờ chính sách kịp thời được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nguồn vốn trung và dài hạn, được vay vốn lưu động mà Công ty CP Gạch ngói Đất Việt đã hồi sinh, sau những tháng ngày khó khăn, sản xuất cầm chừng, tưởng chừng như phá sản.

Trong khi đó, nói về mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty cổ phần GPM Holding Việt Nam cho biết, ngân hàng đã luôn có những bước đồng hành trên chặng đường phát triển của doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp tư vấn cho đội ngũ lãnh đạo Công ty, làm trung gian các buổi hội thảo, giao lưu nhằm mục đích kết nối các doanh nghiệp, qua đó tạo sự tin tưởng, gắn bó cũng như mở ra các cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Trước mỗi chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư mới, Công ty CP GPM Holding Việt Nam luôn trao đổi, làm việc với ngân hàng nhằm lắng nghe ý kiến tư vấn, đánh giá của ngân hàng để từ đó hoàn thiện, chuẩn bị kĩ lưỡng hơn nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro có thể gặp phải.

Còn ông Bùi Sỹ Thiên - Chủ tịch HĐQT Công ty Genesis Hạ Long chia sẻ, một trong những yếu tố quan trọng để có thể tiếp cận vốn ngân hàng là phương án kinh doanh hiệu quả, đem lại lợi nhuận và khả năng thanh toán nợ. Doanh nghiệp cần chứng minh năng lực tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và dòng tiền trong tương lai.

Tiếp tục đưa vốn đến doanh nghiệp hiệu quả

Bên cạnh đó, các ý kiến ngân hàng và doanh nghiệp cho thấy, việc triển khai các chương trình, chính sách cho vay đối với doanh nghiệp vùng KTTĐ Bắc Bộ còn một số khó khăn xuất phát từ những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước cũng như nền kinh tế toàn cầu, thị trường đầu ra thiếu ổn định, nguyên nhân từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn; bên cạnh đó là vướng mắc trong công tác xử lý tài sản đảm bảo...

Để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tài chính của doanh nghiệp.

Đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các TCTD để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng cũng triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát và đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của hệ thống các TCTD. Ngoài ra, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV, nhất là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, Quỹ phát triển DNNVV.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, cần tiến tới ngân hàng chính là tìm doanh nghiệp tốt. Đồng thời NHNN cũng định hướng tăng sự chủ động cho các NHTM, cùng với đó các NHTM cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, sự vào cuộc phối hợp của chính quyền địa phương, cơ quan liên quan cũng rất quan trọng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, trong đó có vấn đề chứng nhận quyền sử dụng đất, về xử lý tài sản đảm bảo...

Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẵn sàng cung ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vùng KTTĐ Bắc Bộ nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO