Phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19

Nguyên Khánh 23/02/2020 08:00

Kể từ ngày 13/2 đến nay, Việt Nam chưa có thêm bệnh nhân nhiễm dịch bệnh Covid-19. Chống dịch như chống giặc, tuy nhiên đến thời điểm này việc tăng cường sản xuất, phục hồi sản xuất là rất quan trọng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ kiến nghị gói giải pháp khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19

Du lịch- ngành cần được hỗ trợ để hồi phục sau dịch Covid-19. Ảnh: Đậu Tiến Đạt.

Để khôi phục sản xuất sau tác động của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc tới 2 nhóm giải pháp, gồm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh và sau đó là hỗ trợ, phục hồi sản xuất. Trong nhóm giải pháp thứ hai, việc nghiên cứu triển khai một số gói chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, như khoanh nợ, giãn nợ, miễn, giảm lãi vay,...để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này có cần thiết không, nên triển khai thế nào cho hiệu quả là những vấn đề cần đặt ra tại thời điểm này.

Nhiều nước tung ra các gói hỗ trợ

Đến thời điểm này, 15/16 bệnh nhân của Việt Nam bị nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh, và kể từ ngày 13/2 đến nay Việt Nam chưa có thêm bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chỉ ít ngày nữa thôi Việt Nam sẽ công bố hết dịch và việc cần làm lúc này là tập trung phục hồi sản xuất sau tác động của Covid-19.

Để phục hồi sản xuất trước ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 nhiều nước đã tung ra các gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất. Cụ thể, Trung Quốc bơm ra thị trường hơn 240 tỷ USD thông qua hợp đồng mua lại trên hệ thống ngân hàng để tạo thanh khoản đồng thời yêu cầu các tổ chức tài chính duy trì cho vay đối với các công ty nhỏ để họ có thể duy trì hoạt động kinh doanh. Trung Quốc cũng khuyến khích cho vay tín dụng, cho vay trung và dài hạn, rút ngắn thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay trong vòng hai ngày để các doanh nghiệp liên quan chống chọi với ảnh hưởng của dịch; trì hoãn thanh toán các khoản vay; giảm lãi suất vay và miễn lãi quá hạn cho các khoản vay, cung cấp các khoản vay mới cho các công ty có thanh khoản thấp. Ngoài ra nước này sẽ cắt giảm thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhằm bảo đảm nguồn cung; giảm chi phí đầu vào như khấu trừ thuế và miễn, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp. Đặc biệt các thành phố Bắc Kinh và Tô Châu cho phép chậm nộp bảo hiểm xã hội, miễn lệ phí hành chính, giảm tiền thuê đất thuộc sở hữu nhà nước.

Trong khi đó, Thái Lan hạ lãi suất từ 1,25% xuống 1%, giảm điều kiện kinh doanh, tăng miễn thuế doanh nghiệp cho cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án quy mô lớn, nới lỏng các điều khoản trả nợ, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng 3 đến tháng 6 để tạo điều kiện phục hồi sản xuất.

Với Singapore nước này đã tính đến các gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trước đó, nước này đã công bố miễn lệ phí giấy phép cho khách sạn, đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch, đầu tư các dự án hạ tầng quy mô lớn. Malaysia đang cân nhắc việc đưa ra gói kích thích kinh tế, còn Philippines cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,75%, giảm lãi suất mua đảo ngược, lãi suất cho vay…

Không quá khó hiểu vì sao các nước, đặc biệt là Trung Quốc sớm đưa ra các gói kích thích kinh tế như vậy. Bởi dịch bệnh Covid-19 quá nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới kinh tế Trung Quốc và tới kinh tế toàn cầu, nếu không có các giải pháp kịp thời thì kinh tế sẽ chậm phục hồi.

Đến thời điểm này Việt Nam đã đưa ra các giải pháp để phục hồi sản xuất. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 gói giải pháp để khắc phục tác động của dịch cúm đến tăng trưởng. Thứ nhất, trong bối cảnh dịch đang diễn ra thì tập trung ưu tiên vào các giải pháp phòng, chống dịch, kiểm soát dịch vì đây là thời điểm chúng ta cần dành sức lực, nguồn lực kiểm soát dịch. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiến nghị gói giải pháp thứ hai là khắc phục thiệt hại cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

“Các gói hỗ trợ cũng là những phương án cần phải tính đến, tuy nhiên còn tùy thuộc vào một số yếu tố như nguồn lực chúng ta có bao nhiêu và chúng ta hỗ trợ đối tượng nào, đây là giải pháp cũng cần tính toán”, ông Phương nói. Ngoài ra, một giải pháp khác cũng được ông Phương nhắc đến là Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. “Năm nay có nhiều đổi mới về mặt thủ tục, quy định; do vậy khả năng giải ngân có tốt hay không phụ thuộc vào việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục đưa các dự án chuẩn bị cấp phép, các dự án mới sớm đi vào hoạt động để thúc đẩy tăng trưởng”, ông Phương nói.

Hỗ trợ phải đúng và trúng

Vậy có cần thiết có các gói kích thích kinh tế hay không và việc thực hiện nó sẽ như thế nào, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra gói hỗ trợ sau dịch là cần thiết xét cả về mặt kinh tế và xã hội. Bởi đó không chỉ là nguồn lực để giúp các lĩnh vực khó khăn, doanh nghiệp thiệt hại do dịch bệnh phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mà hơn thế nữa là đảm bảo an sinh xã hội.

Đại biểu Quốc hội đồng thời Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân cho rằng, gói kích thích có thể cần thiết nhưng cần đúng đối tượng, trúng đối tượng để tránh lãng phí nguồn lực. Cụ thể năm 2009 cách đây hơn 10 năm chúng ta đã từng làm gói hỗ trợ kinh tế khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Chúng ta cũng có nhiều chương trình ưu đãi, khuyến khích như đánh bắt xa bờ, đóng tàu thép, chống hạn mặn, hỗ trợ lãi suất... và phần lớn đều phát sinh nhiều hệ lụy như nợ khoanh, nợ treo, nợ xấu tăng, sau này tốn kém công sức để giải quyết. Thế nên việc triển khai gói thế nào mới là quan trọng để gặp được đối tượng cần hỗ trợ, tạo hiệu quả cho nền kinh tế. “Gỡ khó cho doanh nghiệp là việc cần làm ngay và có thể kéo dài. Nhưng phải thận trọng, cần bốc thuốc đúng bệnh, đúng lúc, nếu không sẽ phát sinh phản ứng phụ.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Quốc Khánh cho rằng, hỗ trợ không nên làm một cách dàn trải mà phải ưu tiên từng ngành, từng khu vực. Chúng ta nên đặt câu hỏi, liệu dịch Covid-19 còn phát sinh trong tương lai hay không, và những tổn hại của dịch này nằm ở khâu nào thì bây giờ phải chuyển dịch khâu đó theo hướng khác. Đó là cơ hội để định hình lại cơ cấu và chuỗi giá trị mà các doanh nghiệp Việt đang tham gia vào.

“Chúng ta phải có cách làm căn cơ hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển từ sản xuất manh mún theo kiểu thương lái hiện nay sang sản xuất hàng hoá quy mô lớn… Tất cả đều là những vấn đề đã được nói đi nói lại rất nhiều mà chưa làm được”- TS Đặng Kim Sơn khuyến nghị.

Phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 - 1

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ươngNguyễn Đình Cung: Làm rõ những thiệt hại của từng đối tượng bị ảnh hưởng

Cần lượng hóa được các con số về giảm doanh thu, chi phí tăng, thua lỗ, dòng tiền của doanh nghiệp để chia sẻ với họ. Việc chia sẻ nên được thực hiện ngay từ bây giờ. Thực tế, tác động của dịch bệnh tập trung ở một số địa phương, chứ không hẳn địa phương nào cũng như vậy, bởi vậy cần đánh giá đúng mức độ, đúng đối tượng để nếu cần có chính sách giảm, giãn thuế loại doanh nghiệp nào, địa phương nào, tương tự là với người nông dân. Chính phủ cần chuẩn bị ngay gói hỗ trợ để thực hiện từ quý II. Nên làm rõ 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất là hỗ trợ các nhóm đối tượng bị tác động để họ chống chịu, có thể duy trì được để hết dịch quay lại hoạt động. Thứ hai là nhóm giải pháp để thực hiện được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là không điều chỉnh tăng trưởng.

Chẳng hạn, nếu các tính toán cho thấy dịch bệnh sẽ khiến GDP mất 1% điểm tăng trưởng thì giải pháp bù lại ở đây là gì? Muốn đạt được con số này thì giải pháp cần phải đặc biệt và khác biệt, nếu vẫn như hiện hành thì chắc chắn chúng ta không đạt được mục tiêu. Việc hỗ trợ cần làm ngay trong lúc có dịch, chứ không phải chờ đến khi hết dịch mới làm. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nên được xem xét, xây dựng dựa theo từng nhóm mục tiêu và mức độ lan tỏa.

Chẳng hạn, nhóm giải pháp vĩ mô (vừa hạn chế dịch, vừa lan tỏa ra các ngành kinh tế), cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... Nhóm giải pháp chính sách tiền tệ vừa chịu tác động cung cầu trên thị trường, vừa được điều tiết dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước thông qua các công cụ tiền tệ. Nhóm chính sách tài khóa liên quan đến giãn, giảm thuế, cân đối thu chi ngân sách...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO