Tích cực tái đàn, kéo giảm giá thịt lợn

Hải Nhi 07/05/2020 08:00

Sáng 6/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị có cái tên rất thực tế: “Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn”. Tên gọi “thực tế” ấy cũng rất phù hợp với tình hình hiện nay là giá thịt lợn quá cao, dù nhiều lần kêu gọi kéo xuống nhưng vẫn không hiệu quả.

Tích cực tái đàn, kéo giảm giá thịt lợn

Tái đàn để kéo giảm giá thịt lợn. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, các HTX, trang trại, gia trại và nông hộ đang rất yếu thế nhưng lại chiếm 65% thị phần chăn nuôi lợn hiện nay. Do đó những đối tượng này cần phải được hỗ trợ ngay nhằm tái đàn nhanh, an toàn và bền vững.

Quá nhiều trung gian, giá bị đẩy lên cao

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, chăn nuôi lợn chiếm 65 - 70% rổ thực phẩm do thói quen tiêu dùng của đại bộ phận người dân. Từ tháng 2/2019, Việt Nam ghi nhận ổ dịch dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Hưng Yên, sau đó 4 tháng lan ra toàn quốc, đỉnh điểm tháng 5 năm 2019 hầu hết các xã, huyện, tỉnh đều bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, tổng đàn lợn của thế giới cũng giảm 13%, đặc biệt Trung Quốc số liệu cuối năm 2019 chỉ còn 50% tổng đàn so với trước dịch.

Đến thời điểm này vẫn chưa có vắc xin và thuốc đặc trị cho loại dịch bệnh này. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta đã làm tốt nhất có thể để giảm thiệt hại. Việt Nam đã cơ bản giữ được an toàn đàn lợn cụ kỵ, ông bà xấp xỉ 100.000 con, toàn là những tổ hợp gen tốt hàng đầu thế giới. Nhưng với số lượng lợn tiêu hủy do dịch khoảng 6 triệu con cộng việc giảm tổng đàn theo tự nhiên ngoài dịch, đến nay Việt Nam đã phục hồi được khoảng 80% tổng đàn so với trước lúc xảy ra dịch. “Và bài học rút ra trong quá trình phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đến nay là phải chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, nếu không làm tốt công tác an toàn sinh học, dịch bệnh ngay lập tức sẽ xâm nhập gây thiệt hại rất lớn”- Bộ trưởng Cường lưu ý.

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến thông tin: Về giá lợn hơi, từ tháng 1 đến tháng 3/2019, giá lợn chỉ từ 45.000-47.000 đồng/kg. Sau đó, từ tháng 4 đến tháng 7 cùng năm giảm xuống 35.000 đồng/kg, có lúc xuống dưới 30.000 đồng/kg. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm, mất cân đối cung - cầu nên thịt lợn tăng giá, từ 42.000 lên đến 90.000 đồng/kg vào tháng 8 cho tới tháng 12/2019. Đầu năm 2020 đến nay, giá giảm từ 90.000 xuống 73.000 đồng/kg rồi tăng lên và duy trì ở mức trên dưới 80.000 đồng/kg lợn hơi.

Ông Tiến nhận định, điều này là do giá lợn xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua từ 2 đến 5 khâu trung gian, làm tăng khoảng 43% giá. Bên cạnh đó, mới chỉ các doanh nghiệp (DN) lớn cam kết hạ giá xuất chuồng, còn các DN nhỏ, trang trại và hộ gia đình không đồng bộ xuống giá nên vẫn còn sự chênh lệch, chưa đủ sức kéo giá lợn xuống dưới 70.000 đồng/kg. Ngoài ra, một số DN chăn nuôi lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt, thiếu nguồn cung, đẩy giá lợn lên cao.

Vào cuộc hỗ trợ nông dân tái đàn

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nếu không thực hiện nhanh, hiệu quả việc tái đàn, chúng ta sẽ mất một góc thị phần của ngành hàng quan trọng trị giá 10 tỷ USD. Chắc chắn không thể để giá lợn cao mãi và tới đây chúng ta sẽ có nhiều giải pháp để điều hành. Do đó, cùng với 15 DN nòng cốt chiếm khoảng 35% thị phần rất cần sự vào cuộc, chung tay của các HTX, trang trại, gia trại, chăn nuôi lợn nông hộ.

Là địa phương thực hiện hiệu quả việc khống chế dịch tả lợn châu Phi và tái đàn lợn, ông Đỗ Đức Duy- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh đã ban hành một loạt chính sách nhằm khuyến khích người dân tái đàn, nhất là đàn lợn và đàn gia cầm. Trong đó hỗ trợ 91 cơ sở chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn dịch bệnh, tổng mức hỗ trợ là 3,36 tỷ đồng.

Ngoài Yên Bái, một số địa phương trong thời gian qua đã có chính sách hỗ trợ tái đàn, tăng đàn như: Hà Nội (bố trí 16 tỷ đồng hỗ trợ con giống, trong đó hỗ trợ 4 triệu đồng/con lợn nái), Nghệ An (hỗ trợ 2 triệu đồng/con lợn nái, hỗ trợ toàn bộ đực giống), Bình Dương (hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi có từ 20 con lợn trở lên), Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Phước, Đồng Nai,….

Nhìn nhận tình hình, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là tháo gỡ để thúc đẩy phát triển nhanh chăn nuôi ở khu vực hộ nông dân, trang trại quy mô vừa và HTX. Đây là những khu vực đóng góp tới 65% tổng đàn lợn nên cần đẩy nhanh hơn, nhưng đây cũng chính là hai nhóm đối tượng yếu thế và DN cũng cần chung tay hỗ trợ nhóm đối tượng này.

Các DN hỗ trợ các sản phẩm, dịch vụ về con giống, thức ăn chăn nuôi hợp lý cho các nhóm hộ, hợp tác xã để sản phẩm có giá thành hợp lý, người dân có khả năng tái đàn. Đồng thời, khu vực người dân, nhất là các quy mô chăn nuôi hộ, trang trại, hợp tác xã cần liên kết chặt chẽ với nhau, với DN để đảm bảo sản xuất hiệu quả và tuân thủ nghiêm quy trình an toàn sinh học.

Hiện nhiều địa phương đã xây dựng các chính sách cụ thể hỗ trợ về con giống, phương thức chăn nuôi… Thời gian tới, ngành cũng sẽ tập trung chỉ đạo sâu hơn nữa để đảm bảo tái đàn lợn an toàn, vì nguy cơ dịch tả lợn châu Phi quay trở lại vẫn còn. Do đó, khuyến khích người dân phát triển nhưng phải trên cơ sở đảm bảo được an toàn sinh học.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị, các bộ, ban, ngành cùng vào cuộc hỗ trợ nông dân tái đàn lợn, đặc biệt như ngân hàng trong hỗ trợ vốn lớn, chính quyền với vai trò kiểm sát, giám sát để đảm bảo phát triển tái đàn nhanh, kiểm soát tốt khâu thương mại, không xảy ra hiện tình trạng trục lợi, đưa chăn nuôi lợn phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tích cực tái đàn, kéo giảm giá thịt lợn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO