TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp bứt phá

Thanh Giang 20/05/2016 12:10

Ngày 19/5, tại TP HCM diễn ra Hội thảo “TP Hồ Chí Minh – Khát vọng vươn lên”. Tại đây các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp mổ xẻ điểm yếu của thành phố và tìm hướng phát triển cho thành phố trong thời gian tới.

TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp bứt phá

TP Hồ Chí Minh nỗ lực đổi mới và phát triển. (Ảnh: S. Xanh).

Đầu tàu chạy chậm

Các chuyên gia kinh tế và nhà khoa học nhận định, Sài Gòn trong mấy năm gần đây thay đổi mạnh nhưng nhìn 30 – 40 năm trở lại đây thì không như mong muốn. Đặc biệt, nếu so với trước 1975, so với các thành phố khác, so với hội nhập sẽ thấy, 40 năm phát triển thành phố có rất ít chuyển biến căn bản nào, đẳng cấp phát triển của thành phố cũng chưa rõ. Bằng chứng, thành phố này vẫn lẹt đẹt so với các với thành phố khác trong khu vực.

PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, lâu nay đầu tàu TP HCM chạy theo kiểu đầu tàu nhưng không hiểu sao không thể chạy nhanh hơn. Nói thành phố đổi mới ngoạn mục nhưng vẫn tụt hậu. So sánh với các thành phố khác trong khu vực thấy rõ, các đô thị khác cùng điểm xuất phát và xuất phát thấp hơn Việt Nam từ 30 – 40 năm trước nhưng hiện nay họ đã “qua mặt” TP HCM. Ví dụ như Singapore đang có mức thu GDP 60.000 USD trong 1 năm. Singapore đã vượt lên phát triển mặc dù họ không nhiều điều kiện như TP HCM. Dubai có sa mạc, đạo Hồi khép kín nhưng họ vẫn vượt lên được. Theo các chuyên gia, lợi thế đôi khi lại kiềm chân sự phát triển, những thành phố nào không có gì thì thành phố đó lại bước vào qũy đạo phát triển càng nhanh hơn. Các thành phố khác càng hội nhập quốc tế mạnh càng bước phát triển chóng mặt. Nhìn nhận điều kiện và thực tế phát triển của TP HCM, TS. Vũ Minh Khương – Giảng viên đại học Quốc gia Singapore chia sẻ: “Tôi đã từng dự hội thảo về phát triển của các nước, trong đó nhiều ý kiến quan ngại rằng, Trung Quốc già nhưng chưa giàu còn Việt Nam thì già vẫn chưa có một đô thị xứng tầm”. Với vai trò của nhà khoa học, TS. Huỳnh Thế Du - Giám đốc Chương trình đào tạo Fulbright cũng nhìn nhận, TP HCM luôn là số một trong nước nhưng so với bên ngoài thì chót bảng.

Trước những lo ngại khi TP HCM chậm phát triển mặc dù điều kiện phát triển không ít, TS.Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: “Tại sao đầu tàu mà phát triển chậm. Ai chịu trách nhiệm về sự tụt hậu này?”.Tự trả lời câu hỏi trên, vị này cho rằng, các thành phố kia không có gì phát triển đặc biệt nhưng họ có định hướng phát triển hợp với thời đại. Còn TP HCM muốn bứt phá để phát triển nhưng chịu chết.

Quá nhiều “vòng kim cô”

Bàn về nguyên nhân kéo giảm sự phát triển của thành phố không ít quan điểm cho hay, tầm nhìn quốc gia lãng mạn và thiếu cụ thể cho một thành phố. Thứ hai, tầm nhìn thành phố phụ thuộc vào tính năng động của lãnh đạo thành phố qua tư duy xé rào, hành động đột phá, phát huy lợi thế.

Liên quan đến nguyên nhân kiềm hãm sự phát triển của TP HCM, TS. Huỳnh Thế Du – Giám đốc chương trình đạo tạo Fulbright khẳng định, thành phố có ba trục trặc chính chưa giải quyết được. Thứ nhất, ngân sách được giữ lại quá ít. Tức là tiều nguồn lực chính để phát triển. Thứ hai, đội ngũ công chức thiếu động cơ và công cụ hữu hiệu. Làm nhiều không được hưởng, làm sai thì phải trách nhiệm cao. Thứ ba, thành phố chưa bao giờ có chiến lược hay tầm nhìn phát triển dài hạn một cách rõ ràng do eo hẹp về nguồn lực, thiếu động cơ và quan hệ giằng co giữa trung ương – địa phương. Đặc biệt, chưa tận dụng được sức mạnh của đội ngũ trí thức, doanh nhân. Nhìn chung, thành phố quá nhiều vòng kim cô, cùng với điều kiện eo hẹp tạo điều kiện cho cơ chế xin – cho hình thành.

Mong muốn giảm bớt sự trói buộc cho thành phố để thành phố có điều kiện vươn lên, TS. Huỳnh Thế Du nêu quan điểm, cần khơi lại tính tiên phong, khả năng dẫn dắt. Chính quyền, doanh nghiệp, người dân phải tạo ra được cảm hứng để mọi người cùng đồng lòng cho sự phát triển. Bởi lẽ, thành phố không vươn lên được thì kinh tế Việt Nam cũng gặp khó khăn. Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, TP HCM phải là nơi đáng sống của cả người thu nhập triệu USD, cũng như nông dân, công nhân. Tuy nhiên, trước hết cần đảm bảo nhu cầu về chỗ ở dù là 500m2 hay 20m2. Đáng sống là an toàn, xanh sạch, văn minh, nghĩa tình. Nghĩa là phải đáp ứng cả vật chất lẫn tinh thần.

Kết luận Hội thảo, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cảm ơn tất cả các ý kiến đóng góp cũng như giải pháp để thành phố cởi bỏ “chiếc áo chật” vươn lên đúng tầm. Lãnh đạo UBND thành phố mong thời gian tới, tiếp tục nhận được các ý kiến hiến kế, cùng chung sức cho sự nghiệp phát triển kinh tế cho thành phố theo hướng bền vững, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO