Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Đảm bảo an toàn, nghiêm túc

H. Trang 21/06/2017 07:35

Hôm nay (21/6), hơn 866 nghìn thí sinh lớp 12 chính thức bước vào làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2017. Trong kỳ thi năm nay, cả nước có 2.364 điểm thi với 36.382 phòng thi. TP Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng điểm thi nhiều nhất, 114 điểm thi. Hà Nội và Thanh Hóa cùng có 112 điểm thi. Địa phương có điểm thi ít nhất là tỉnh Kon Tum với 13 điểm thi. Tính đến nay, công tác chuẩn bị cho ngày thi đã hoàn tất. Việc đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi cũng đã được tính toán kỹ lưỡng.

Ảnh minh họa.

Thành lập 10 đoàn thanh tra

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, đến hôm nay mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được các địa phương hoàn tất. Để đảm bảo công tác thi THPT quốc gia được diễn ra an toàn, nghiêm túc, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết đã thành lập 10 đoàn thanh tra công tác thi THPT quốc gia 2017.

Theo ông Nguyễn Huy Bằng: Kỳ thi THPT quốc gia 2017 được tổ chức ở nhiều điểm thi tại các địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Địa bàn rộng, lực lượng tham gia đông nên việc thanh tra cũng cần có trọng tâm, trọng điểm, chú ý những nơi khó khăn, những vấn đề quan trọng, vấn đề dễ phát sinh sai sót.

Năm nay một phòng thi có 24 thí sinh và 2 giám thị. Theo Quy chế, một giám thị bao quát từ trên xuống, một giám thị từ dưới nhìn lên khi thí sinh làm bài. Khi gọi thí sinh vào phòng thi, một giám thị gọi thí sinh vào, một giám thị đối chiếu ảnh, kiểm tra các thiết bị mang vào. Nếu các giám thị tập trung làm tốt thì khó có thể có sự gian lận.

Ông Bằng nhận định: Để đảm bảo công bằng nghiêm túc cho tất cả các thí sinh cần nhiều giải pháp. Thanh tra, kiểm tra là một trong các giải pháp quan trọng. Theo quy chế, sẽ có nhiều lực lượng tham gia kiểm tra, giám sát. Thứ nhất, phải kể đến lực lượng trực tiếp giám sát phòng thi. Quy chế quy định tối đa 7 phòng thi sẽ có 1 giám sát. Cán bộ làm giám sát này cũng có nhiệm vụ rất cụ thể, có quyền giám sát cả việc làm của giám thị và các lực lượng khác, đồng thời có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu thấy giám thị không đảm bảo đúng quy định. Thứ hai, thanh tra các sở cũng sẽ thanh tra tất cả các điểm thi. Họ thanh tra từ điểm trưởng cho đến giám thị. Lực lượng thứ 3 là thanh tra Bộ, được thanh tra tất cả các sở, các hội đồng thi để bảo đảm từ hội đồng thi đến điểm trưởng, đến giám thị thực hiện đúng chức trách của mình.

Giống như mọi năm, năm nay Bộ vẫn chỉ đạo thanh tra đột xuất, không báo trước, nhằm đảm bảo sự việc một cách khác quan. Bên cạnh đó có điểm mới là các sở, các giám đốc sở thành lập các đoàn thanh tra trong các đó có cán bộ của trường đại học tham gia để tăng tính khách quan…

Với 2,5 ngày thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 rút ngắn hơn so với năm 2016 là 1,5 ngày.

Chủ động chống gian lận thi cử, đảm bảo an toàn cho kỳ thi

Bên cạnh công tác thanh tra, công tác đảm bảo an toàn, chống gian lận thi cử cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cũng được các bộ phận liên quan chủ động lên kế hoạch triển khai từ rất sớm. Với những điểm thi đóng trên các địa bàn vùng sâu vùng xa, hay các địa điểm được xem là điểm nóng về an ninh trật tự, ngành giáo dục cho biết, đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để tăng cường lực lượng bảo vệ, nhằm ngăn ngừa những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Thiếu tá Nguyễn Chí Thành- Phó Trưởng phòng 4, Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83- Bộ Công an)- đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp đảm bảo an toàn cho kỳ thi, chia sẻ: Lực lượng công an tham gia bảo vệ an toàn cho kỳ thi ở tất cả các khâu, từ công tác phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông cho đến bảo mật đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi; bảo đảm an toàn khu vực in sao đề thi, khu vực chấm thi; giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn tại các địa điểm tổ chức thi trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.

Về vấn đề đảm bảo hạn chế tối đa việc thí sinh dùng thiết bị công nghệ cao để quay cóp, Thiếu tá Thành cũng khẳng định, đây là vấn đề quan trọng, và đã được quán triệt cụ thể. Trước kỳ thi, lực lượng công an đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ coi thi về các hình thức chống gian lận trong thi cử, đặc biệt là việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao.

Bên cạnh đó, lực lượng công an tại các địa phương cũng phối hợp với Hội đồng tuyển sinh các cụm thi tiến hành rà soát, kiểm tra chặt chẽ hồ sơ đăng ký dự thi nhằm phát hiện những biểu hiện nghi vấn làm giả hồ sơ với mục đích thi kèm, thi hộ; làm giả giấy chứng nhận ưu tiên để được cộng điểm cũng như tăng cường các biện pháp nhằm bảo mật đề thi, đảm bảo an toàn trong cả khâu coi thi và chấm thi.

Theo Thiếu tá Thành: Hiện nay, các thiết bị công nghệ cao, gian lận thi cử được rao bán công khai trên mạng với nhiều chủng loại phong phú, có giá từ 500 ngàn đồng đến 5 triệu đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh giáp ranh biên giới, việc mua bán các thiết bị này rất dễ. Cho nên các cán bộ coi thi, làm công tác giám sát thi cần hết sức lưu ý. “Theo quy chế thi, các loại máy tính được đưa vào phòng thi là máy thông dụng, phổ biến trên thị trường được Bộ GD&ĐT cho phép...

Tuy nhiên, do chủng loại máy tính hiện nay rất phong phú nên dù có được tập huấn, các giám thị cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nhớ hết các ký hiệu máy. Thực tế, trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, tại Hải Phòng đã xuất hiện tượng thí sinh dùng vỏ máy tính nhưng ruột là điện thoại Iphone để chụp ảnh đưa đề thi ra ngoài, đồng thời nhận lời giải từ bên ngoài gửi vào. Bởi vậy, để hạn chế gian lận, với máy tính bỏ túi, các giám thị cần kiểm tra xem có đúng chức năng của máy tính không”.

Cũng theo Thiếu tá Thành, công tác phòng ngừa, phát hiện thi hộ, thi kèm trong năm nay được Bộ Công an và công an địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng. Cục An ninh mạng (Bộ Công an) sẽ làm việc với Bộ GD&ĐT để chủ động ngăn chặn nếu có xuất hiện tình trạng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Đảm bảo an toàn, nghiêm túc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO