Kỳ vọng vào kỳ họp đặc biệt

Hoài Vũ 30/10/2020 08:30

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV được diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Đặc biệt bởi là kỳ họp cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020), lại diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp.

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quang Hoàng.

1. Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV được diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Đặc biệt bởi là kỳ họp cuối cùng của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020), lại diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Cho đến nay, dù cơ bản dịch Covid-19 ở trong nước đã được kiềm chế song vẫn còn bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu khiến kinh tế thế giới suy thoái. Điều đó cũng đang đặt ra những tác động rất lớn với một nước có độ mở của nền kinh tế lớn như Việt Nam. Bởi vậy chỉ một cái “hắt hơi, sổ mũi” của thế giới, cũng khiến tình hình trong nước thêm khó. Vì thế nhiệm vụ vừa chống dịch, vừa lo phát triển kinh tế vẫn phải là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong thời gian tới của cả hệ thống chính trị.

Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm của nước ta ước đạt trên 2% là mức tăng trưởng tích cực so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Việt Nam cũng là số ít quốc gia trên thế giới có tăng trưởng dương. Tuy nhiên, nguồn lực của ta còn hạn hẹp trong khi phải đáp ứng cùng lúc các yêu cầu rất lớn cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Những tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đang đặt ra những hướng đi mới cho sự phát triển trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Chính phủ đã trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội năm 2021. Trong đó đã đưa ra tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%. Những chỉ tiêu đã được ước lượng khá chi tiết, tuy nhiên, để đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ, thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và hiện thực hoá khát vọng phát triển, năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đang là nhiệm vụ khá nặng nề bởi nó điều hỏi sự quyết tâm và hành động.

Nhìn lại kết quả 5 năm (2016-2020) về tình hình kinh tế xã hội cũng cho thấy: “Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, có nơi nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, tầng lớp nhân dân chậm được thu hẹp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thị trường lao động hiệu quả chưa cao; tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức còn lớn”.

2. Điểm nhấn và kỳ vọng của nhân dân trong kỳ họp đặc biệt này còn là việc lần này các Văn kiện của Đảng lần thứ XIII sẽ chính thức được xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội- những người đại diện cho cử tri cả nước. Tiếng nói của các Đại biểu Quốc hội cũng là tiếng nói của cử tri, là tiếng nói của nhân dân đối với Đảng. Vì thế việc phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ đang được “đặt lên vai” các Đại biểu Quốc hội. Điều đáng nói, việc cho ý kiến về văn kiện đại hội Đảng lại được tiến hành song song với việc Quốc hội xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia trong cả giai đoạn 2016-2020; và dự kiến các mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và các kế hoạch tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Sự góp ý của các Đại biểu Quốc hội, Quốc hội là một kênh quan trọng giúp cho Đảng có những bước đi hợp lòng dân. Ý Đảng-lòng dân là chất keo vững chắc tạo nên thắng lợi. Cũng chính vì lẽ đó, trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức với những biến động phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới có thể còn tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 và 5 năm 2021-2025 nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, phát triển đất nước phồn vinh, chúng ta hãy đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chung tay hành động quyết liệt, nỗ lực vượt qua thử thách, với tinh thần quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

3. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ có một phiên chất vấn “đặc biệt” để nhìn nhận lại việc thực hiện lời hứa của Chính phủ, các tư lệnh ngành, lĩnh vực, kết quả thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ. Việc “soi” lại trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, từ tư lệnh ngành, các Phó Thủ tướng, cho đến Thủ tướng tại kỳ họp này có ý nghĩa khá quan trọng tại thời điểm hiện nay. Bởi đây cũng là kênh quan trọng để Quốc hội và cử tri cả nước đánh giá bộ máy hành chính nhà nước đang được dân ủy quyền trong suốt 1 nhiệm kỳ qua. Qua đó, không chỉ thấy rõ được trách nhiệm, những hạn chế, những “lời hứa” còn dở dang mà đây cũng có thể coi là kênh quan trọng để các đại biểu Quốc hội “chấm điểm” các thành viên Chính phủ. Nó cũng là kênh quan trọng để Đảng xem xét, đánh giá về công tác nhân sự cho đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra vào đầu năm 2021.

Trách nhiệm là vấn đề luôn được nhắc đến, nhưng xem xét trách nhiệm một cách cụ thể, “có địa chỉ” lâu nay luôn là những dấu hỏi lớn. Dù quản lý nhà nước được trải dài từ Trung ương xuống địa phương song những yếu kém không phải lúc nào cũng được chỉ rõ. Không chỉ là biện pháp để “đánh giá năng lực cán bộ”, mà còn là kênh để các Đại biểu Quốc hội đưa ra những “lá phiếu tín nhiệm” đối với cơ quan hành pháp hiện nay.

Một trong những “bài học quý báu” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới đó là, “phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức”.

Việc Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội chỉ rõ những vấn đề chưa làm được đối với các thành viên Chính phủ sẽ làm rõ các vấn đề để từ đó đưa ra giải pháp cho nhiệm kỳ tới. Nó cũng thể hiện tinh thần của một Quốc hội hành động, giám sát đến cùng những vấn đề đã được chỉ ra để những quyết sách đúng phải “trúng” với sự mong đợi của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng vào kỳ họp đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO