Làm báo ở chiến trường mùa xuân 1975

Hồi ức của Lê Quang Trang 01/05/2016 11:32

LTS: Nhà văn Lê Quang Trang - nguyên Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết - vào chiến trường miền Nam năm 1971. Từ đó, ông sống và làm việc giữa chiến trường Nam Bộ cho tới ngày toàn thắng 1975. ĐĐK trân trọng giới thiệu một phần hồi ức của ông về những năm tháng ấy.

Các văn nghệ sĩ ở chiến khu những ngày trước giải phóng.

Thời ở chiến khu Trung ương Cục, bên hệ dân - chính, báo chí chỉ vài cơ quan có thể đếm trên đầu ngón tay. Ngoài “ngân hàng tin” hàng đầu là Thông tấn xã Giải phóng, tờ báo quan trọng là báo Giải phóng, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này sáp nhập cùng Cứu quốc thành tờ Đại Đoàn Kết ngày nay. Nhưng điều kiện chiến trường khó khăn và ác liệt, báo không thể ra định kỳ.

Lúc phong trào phát triển, vùng giải phóng mở rộng, báo ra nhật kỳ, số lượng lớn, lúc địch bom pháo mạnh, càn quét ác liệt, vật tư thiếu, máy in bị địch phá hỏng, thì báo ra thưa hơn, thậm chí tạm ngưng. Sôi động hơn cả là báo nói, tức Đài phát thanh Giải phóng, vừa có ở tiền tuyến, vừa có ở hậu phương, nên lượng thông tin nhiều và công chúng khá đông. Truyền hình chưa có.

Mặc dù thế mặt trận văn nghệ vẫn được hết sức chú ý, có riêng một tờ tạp chí dành cho lĩnh vực này. Văn nghệ giải phóng số 1 ra mắt từ cuối năm 1961, trước cả sự ra đời của Hội Văn nghệ giải phóng vào tháng 7 năm 1962, và trước báo Giải phóng số đầu ra vào ngày 20-12-1964, bốn năm sau ngày Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành lập.

Trong số học viên lớp viết văn Khóa 4 đi Nam Bộ vào đầu năm 1971, tôi là người đầu tiên của được điều từ Phòng Nghiên cứu Ban Tuyên huấn Trung ương Cục sang làm Văn nghệ giải phóng. Lúc này báo Văn nghệ giải phóng thuộc Tiểu ban Văn nghệ. Phụ trách chung là nhà văn Anh Đức. Nhà thơ Diệp Minh Tuyền và tôi lo bài vở và biên tập. Nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Chí Hiếu trình bày. Chị Trần Phúc Mộng Loan, vợ Anh Đức, và tôi, giám sát khâu in.

Một số nhà văn trong cơ quan cũng chạy bài giúp nhưng không giao việc cố định. Nhà viết kịch Bùi Kinh Lăng, thường gọi là Sáu Lăng, Phó trưởng tiểu ban thường trực, cũng tham gia chỉ đạo, trao đổi bài vở, nhất là phần văn xuôi. Tôi được nghe trong nhiều cuộc họp, ông có những phát biểu, nhận xét thẩm định rất sắc sảo.

Làm được vài số thì tình hình quá khó, chiến sự căng, vật tư thiếu, báo lại tạm ngưng. Tôi “tranh thủ” xin đi thực tế và được chấp nhận tham gia đoàn cán bộ tuyên huấn về xây dựng phong trào cơ sở ở vùng tranh chấp thuộc xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng. Tôi ở đó hai năm, cho đến cuối 1974 rút về để thực hiện việc cải tiến báo đáp ứng yêu cầu mới của tình hình.

Giữa năm 1974, theo đề nghị của lãnh đạo Tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục quyết định tăng cường phát triển tờ báo Văn nghệ giải phóng, cần củng cố, cải tiến, tập dượt để khi giải phóng Sài Gòn, có ngay một cơ quan báo chí văn nghệ đủ mạnh để tập hợp giới văn nghệ trong các đô thị. Trong lịch sử báo Văn nghệ giải phóng, đây là một bước chuyển đặc biệt quan trọng, làm cho hoạt động sôi động hẳn lên.

Tôi dành chút thời gian thơ thẩn bên những căn hầm bè bạn, nắm những dây gùi sần sùi quấn theo những cây cổ thụ, lần ra phía bìa trảng để nhớ lại những kỷ niệm yêu thương từng trải, lòng rưng rưng, xen lẫn cả nhớ thương và hình dung niềm vui về một thắng lợi đang đến.

Trong khi đó, tình hình nhân sự ở Hội Văn nghệ giải phóng có nhiều chuyển biến. Từ giữa năm 1974, một số nhà văn, nhà thơ từng gắn bó lâu với chiến trường được đưa ra Bắc dưỡng bệnh và tham quan các nước. Trừ những trường hợp đặc biệt vì điều kiện công tác, hoặc hoàn cảnh gia đình, còn lại phần lớn được đi theo diện này. Lúc này, việc đi lại, tuy vẫn còn khó khăn nhưng cũng đã đỡ nhiều. Cán bộ sơ trung trở lên, phần lớn đi ô tô, đỡ cực hơn nhiều thời leo đèo, lội suối vài năm trước đó.

Trong số những người về hậu phương đợt này ngành văn có vợ chồng nhà văn Anh Đức, các nhà văn nhà thơ: Đinh Quang Nhã, Chim Trắng, Lê Văn Thảo, Nguyễn Chí Hiếu. Bên sân khấu, điện ảnh, văn công cũng có một số văn nghệ sĩ nữa. Lãnh đạo tiểu ban văn nghệ cũng thiếu, anh Sáu Lăng (Bùi Kinh Lăng) đã phải gánh nhiều việc, anh Hai Lý (Lý Văn Sâm) sức khỏe lại không được tốt.

Trước tình hình thiếu thốn về nhân sự, Ban Tuyên huấn điều nhà thơ Giang Nam, đang biệt phái ở văn nghệ Khu Sài Gòn - Gia Định (T.4), về phụ trách. Anh Giang Nam từ 1962 từng là Trưởng ngành văn của Tiểu ban Văn nghệ, phụ trách Văn nghệ giải phóng, nhưng từ 1965 đã được “giải phóng” để sáng tác.

Cùng về từ T.4 còn có nhà thơ Hoài Vũ, nhà văn Thạch Cương và một số cây bút của lớp viết văn khóa 4: Phan Xuân Biên, Trần Thị Thắng, Hà Phương, Hà Công Tài... Ban cũng điều động tiếp những cán bộ, cũng là học viên khóa này, công tác xung quanh Ban Tuyên huấn như: Trần Đức Cường, Dương Trọng Dật, Phùng Đức Thắng… về tăng cường cho Văn nghệ giải phóng.

Anh Giang Nam phụ trách chung, anh Hoài Vũ như một “tổng tham mưu” cấu trúc, sắp xếp các số và lo in ấn. Anh chị em khác tùy khả năng, phân theo nhóm thể loại để viết và tổ chức bài. Sau nhiều lần bàn bạc, Tòa soạn quyết định ra bộ mới, bắt đầu từ số 43 ra ngày 1/1/1975. Báo đổi khổ, ra định kỳ hằng tuần.

Quyết tâm được nêu rõ trong thư tòa soạn: “Để phản ánh kịp thời hơn cuộc chiến đấu sôi sục, để cho văn nghệ gắn liền với thời cuộc góp phần thúc đẩy và phục vụ cho cuộc sống và chiến đấu, bắt đầu từ số này (43), Văn nghệ giải phóng có cải tiến một bước về nội dung và hình thức. Văn nghệ giải phóng xuất bản theo khuôn khổ mới với định kỳ ngắn hơn.”

Những số đầu của năm 1975 khá suôn sẻ, vì lực lượng được tăng cường một bước, nhưng cuối tháng 2 đầu tháng 3/1975, anh Giang Nam, cùng với các anh Viễn Phương được mời ra Bắc để đi dự Hội nghị Thơ quốc tế nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Nhà thơ Hoài Vũ lên phụ trách.

Anh Hoài Vũ từng nhiều năm làm báo, từ lúc tập kết ra miền Bắc, đến 1966, vào Nam, làm phóng viên báo Giải phóng. Đầu những năm 1970, được tăng cường xuống văn nghệ T.4, tham gia Ban lãnh đạo, anh rất năng nổ tổ chức trại sáng tác, in sách, tập hợp cộng tác viên xây dựng lực lượng.

Với Chiến dịch Phước Long, như một thăm dò thái độ của Mỹ với cuộc chiến ở Việt Nam, tình hình rất sôi động. Chiến dịch này kéo dài gần một tháng, từ 13/12 năm 1974 đến 5/1/1975 kết thúc, giải phóng trọn vẹn một tỉnh đầu tiên của miền Nam. Chính quyền Sài Gòn phản ứng điên cuồng nhưng Mỹ không quyết định viện trợ nữa nên cũng không làm nên trò trống gì. Tiếp theo, tháng 3/1975, ta tiến công và giành thắng lợi ở Buôn Mê Thuột và Tây Nguyên thì tình hình càng sôi sục.

Hồi đó phương tiện thông tin hết sức khó khăn, chủ yếu nắm tình hình qua sóng đài phát thanh. Báo tổ chức giao ban thường xuyên để nghe thêm thông tin từ trên xuống. Chúng tôi cũng liên hệ với Thông tấn xã, Đài phát thanh Giải phóng, với Văn phòng Ban Tuyên huấn, với báo chí công khai trong nội đô, để lấy bài từ các nơi về.

Tòa soạn cử các phóng viên đi các hướng để phản ánh chiến sự ở các mũi chiến dịch. Ai cũng mong được ra mặt trận.Trước, chúng tôi hoạt động chủ yếu là vùng giải phóng, vùng tranh chấp. Diệp Minh Tuyền, Hà Công Tài đi mặt trận núi Bà Đen. Tôi đi viết về vùng giải phóng của Tây Ninh.

Bấy giờ, báo bắt đầu cử các phóng viên đi cùng các đơn vị chiến đấu. Trần Đức Cường, Phan Xuân Biên đi Chiến dịch Đồng Xoài (Phước Long), sau đó đi tiếp cùng bộ đội hướng về Sài Gòn. Trần Thị Thắng, Hà Phương, Phùng Đức Thắng theo sông Vàm Cỏ, về Long An, Mỹ Tho rồi tùy tình hình, đi tiếp. Trực ở nhà còn Hoài Vũ, Thạch Cương, Diệp Minh Tuyền và tôi.

Sau khi tiễn các bạn đi, công việc càng nhiều và không khí thật khẩn trương. Báo ra đều hơn. Bài vở thiếu, ngoài việc phải lăn lưng ra viết các chuyên mục, đôn đốc bài, mời cộng tác viên bên Văn nghệ Quân giải phóng, bên Đài phát thanh Giải phóng. Chúng tôi nghe đài, ghi âm tác phẩm mới của tác giả ở các chiến trường khác.

Tin tức chiến thắng dồn dập khiến không khí thật sôi sục, náo nức, cảm hứng dâng trào, bản thân tôi đã viết được một số bài thơ trong không khí hừng hực đó như “Tiếng gọi “, “Sài Gòn vào trận”… và được Văn nghệ giải phóng đăng ngay, được Đài phát thanh Giải phóng phát ngay, nên càng hứng khởi. Các nhà thơ Nguyễn Thành Vân (Nguyễn Trọng Oánh), Thanh Giang, Nguyễn Khoa Điềm, Ngô Thế Oanh, Trần Mạnh Hảo, Đỗ Nam Cao… và nhiều tác giả đã có những bài thơ hừng hực khí thế đăng dịp này.

Cuối tháng 4/1975, anh Hoài Vũ cử tôi sang báo cáo và xin ý kiến đồng chí Tư Ánh (Trần Bạch Đằng), Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương Cục về công việc của báo sắp tới. Lúc đó, cứ của Lãnh đạo và văn phòng Tuyên huấn đã ra ngoài phía gần cầu Cần Đăng.

Tôi vốn từ Phòng Nghiên cứu của Ban chuyển sang văn nghệ và bây giờ vẫn còn những người bạn thân thiết cùng khóa 4, cùng đi B như: Nguyễn Văn Lịch thư ký cho ông Tô Lâm, Dương Trọng Dật vừa rút từ địa điểm tăng cường về, dự kiến quyết định làm thư ký cho ông Tám Râu (Tân Đức), đều là ủy viên Ban Tuyên huấn. Vừa gặp, ông Tư Ánh nói những dự báo sắp đến và việc chuẩn bị để di chuyển vô Sài Gòn.

Tôi sướng run, nghe chỉ thị xong, ra gặp các bạn báo tin, rồi về. Ra đến đường lớn, thấy xe pháo nhộn nhịp, lại nghe tỉnh lỵ Tây Ninh sắp giải phóng, tôi đánh liều vòng xe tạt vào thị xã xem sao, lấy tư liệu viết bài luôn một thể. Đêm ấy tôi ngủ ở nhà một ông chủ tiệm phở, người gốc Bắc, rất cởi mở nên hỏi được nhiều chuyện.

Tôi mượn quần áo của ông chủ nhà mặc để ra đường, nhưng chủ nhà không cho đi xa vì sợ không an toàn. Sáng ra, nhớ lời dặn của ông Tư Ánh, tôi đạp xe vội về cơ quan. Nghe tôi thông báo, anh em mừng vui hết biết, và chuẩn bị cho việc di chuyển. Chúng tôi chia làm hai nhóm. Thê đội 1 gọn nhẹ có thể lên đường ngay. Thê đội 2 gồm những ai có gia đình, con nhỏ, già yếu, đi sau. Tất cả háo hức chờ lệnh. Nhân lúc vui, tôi đem chuyện vào Tây Ninh ra kể, bị mấy anh lãnh đạo xạc cho một trận, định kỷ luật vì vô tổ chức. Nếu tình huống xấu xảy ra thì không biết phức tạp cho cơ quan đến thế nào.

Trong náo nức của những tin vui dồn dập và sự rộn ràng của công việc chuẩn bị di chuyển, tôi nghĩ có lẽ lần này chúng tôi sẽ từ biệt rừng thật sự. Rừng đã quá thân thiết với chúng tôi, kể từ ngày bước vào cửa rừng tại Làng Ho thuộc địa phận Quảng Bình để vượt Trường Sơn hùng vĩ và gian khổ. Rừng như tấm vải màu xanh lớn che mắt quân thù để mọi sinh hoạt của cuộc sống diễn ra một cách bình thường.

Cũng nhà bếp, hội trường, lớp học, phòng chiếu phim dù là nửa nổi nửa âm trong lòng đất. Rừng cho chúng tôi vật liệu làm nhà, làm hầm, cho những trái cây lạ và ngon, mà trước đây chúng tôi chưa hề biết đến. Nơi chúng tôi sống là những cánh rừng già miền Đông Nam Bộ. Nghe các anh chị kể chuyện sống ở vùng rừng kênh rạch miền Tây còn gian khổ hơn nhiều.

Những cánh rừng kết nối chúng tôi, những người con của nhiều vùng đất khác nhau về tuổi tác, nếp nghĩ, phong tục thành một khối kết đoàn chiến đấu vì lợi ích sống còn của dân tộc và của cách mạng. Bây giờ phải xa rừng như tạm biệt những người thân yêu nhất. Tôi dành chút thời gian thơ thẩn bên những căn hầm bè bạn, nắm những dây gùi sần sùi quấn theo những cây cổ thụ, lần ra phía bìa trảng để nhớ lại những kỷ niệm yêu thương từng trải, lòng rưng rưng, xen lẫn cả nhớ thương và hình dung niềm vui về một thắng lợi đang đến.

*
* *

Vào Sài Gòn, không khí giải phóng còn nóng hổi. Chúng tôi tập trung ở trụ sở Bộ Thông tin dân vận chiêu hồi của Chính quyền Sài Gòn tại 79 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Đầu giờ chiều, chúng tôi đi thám thính tìm chỗ ở. Qua ngã tư, phát hiện một biệt thự, định chiếm nhưng lại thấy một biệt thự khác đẹp hơn, số nhà 188, và một binhđing số 190 đường Công Lý (sau đổi thành Nam Kỳ khởi nghĩa), chủ nhà đều bỏ chạy, có thể đến.

Sau khi báo cáo, anh Hoài Vũ chấp nhận vì cũng gần đại bản doanh của Tuyên huấn. Chiều tối chúng tôi đổ bộ vào biệt thự 188. Đây là một biệt thự đẹp, rộng rãi, có sân vườn, nhưng nhà ở mà làm cơ quan thì chỉ sau một ngày là thấy bất tiện. Nhà 190, thuận lợi hơn, ngoài tầng trệt, binh đinh có 7 lầu, mỗi lầu có khoảng 8-10 phòng, chia làm các căn hộ, lầu bảy gồm 3 phòng lớn.

Các phóng viên báo Văn nghệ giải phóng, từ trái sang: Lê Quang Trang, Phan Xuân Biên, Trần Đức Cường, Dương Trọng Dật, bên hải đăng Vũng Tàu tháng 5-1975

Tuy có một vài hư hỏng do đạn bắn hoặc bọn hôi của đập phá, nhưng gần như còn nguyên. Khu vệ sinh, bếp núc, điện nước còn sử dụng được. Chủ nhà xây chung cư này cho thuê, nhiều phòng còn dấu hiệu người thuê là người Mỹ. Hôm sau thì anh em tề tựu về khá đông đủ. Cánh Long An, Mỹ Tho, cánh miền Đông đã về. Tất cả nhanh chóng hợp sức lo ra báo tại Sài Gòn giải phóng.

Cán bộ nhân viên của báo chuyển hết sang 190 Công Lý ở và làm việc. Trừ tầng trệt làm văn phòng, còn mỗi người một căn hộ. Nhiều văn nghệ sĩ Sài Gòn như: Trần Tuấn Khải, Mặc Khải, Vũ Hạnh, Vũ Bằng, Thiếu Sơn, Phương Đài, Minh Quân…; các nhà văn tên tuổi từ miền Bắc vô như: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Vũ Tú Nam… Các họa sĩ, nhạc sĩ như: Huỳnh Văn Thuận, Thế Vinh, Phan Huỳnh Điểu, Huy Du…đến các anh chị em quen từ các chiến trường Trị Thiên- Huế, Khu V, khu VI, đi với các cánh quân, thường xuyên qua lại và coi là một đầu mối liên hệ thân thiết.

Hoài Vũ và chúng tôi chạy bài, phân công phỏng vấn các văn nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc, viết những vấn đề cần thiết. Và số báo Văn nghệ giải phóng đầu tiên ra tại Sài Gòn được đánh số 49, quy tụ đông đảo văn nghệ sĩ cả nước: từ vùng giải phóng về có Trần Quang (Trần Bạch Đằng), Lưu Hữu Phước, Lý Văn Sâm, Thanh Nghị, Giang Nam, Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Phan Tứ, Hoài Vũ, Thu Bồn, Nguyễn Thành Vân, Nguyễn Bá, Diệp Minh Tuyền, Thanh Đính…

Các anh Nguyễn Văn Bổng, Thép Mới… đi với các mũi tiến công có bài nóng về giải phóng Sài Gòn và Côn Đảo. Các văn nghệ sĩ trong vùng địch tạm chiếm có bài của Trần Tuấn Khải, Thuần Phong, Nguyễn Hữu Ba …. Văn nghệ sĩ miền Bắc có thơ và bài của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Huy Cận, Thế Lữ, Tú Mỡ, Cẩm Lai, Ý Nhi…

Các số tiếp sau còn đăng nhiều tác phẩm nóng của nhiều anh em cầm bút thế hệ chúng tôi, những người đang từng bước khẳng định vị trí trên văn đàn, lúc đó chừng hai mươi lăm đến xấp xỉ 30 tuổi. Những số báo này được in tại Nhà in Tân Minh ấn quán, với số lượng hơn 100 nghìn bản, được công chúng rất hoan nghênh.

Một sự kiện lớn đối với giới văn nghệ miền Nam trong những ngày này là trong hai ngày 17 và 18/6/1975, Hội nghị các nhà văn giải phóng lần thứ nhất được tổ chức tại Hội trường Ban Tuyên huấn Trung ương cục, số 79 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Sài Gòn.

Hội nghị có gần 200 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, kịch tác gia, đã tham dự, bao gồm các đại biểu từ các cơ quan chung quanh Hội Văn nghệ đến các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng; các địa bàn từ Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài thành phần chủ yếu là các nhà văn trở về từ chiến khu và vùng giải phóng như Lý Văn Sâm, Rum Bảo Việt, Trương Bỉnh Tòng, Trần Hướng Nam (Văn Phác), Phạm Ngọc Truyền, Giang Nam, Viễn Phương, Anh Đức, Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Phan Tứ, Trần Đình Vân, Nguyễn Thành Vân (Nguyễn Trọng Oánh), Thu Bồn, Nam Hà, Nguyễn Chí Trung, Chim Trắng, Lê Văn Thảo, Lê Hà, Lữ Phương, Thanh Nghị, Vân Trang… và đông đảo các nhà văn trẻ, còn có các đại biểu hoạt động trong lòng các đô thị tạm chiếm như: Vũ Hạnh, Á Nam Trần Tuấn Khải, Mặc Khải, Lưu Nghi, Sơn Nam, Thẩm Thệ Hà, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Bảo Hóa, Hàn Song Thanh, Hoàng Trọng Miên, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Thu An, Ái Lan, Hợp Phố, Phương Đài, Kim Cương…

Đoàn các nhà văn anh em ruột thịt từ miền Bắc vào tham dự có: Trưởng đoàn là nhà thơ Chế Lan Viên, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn, nhà thơ: Xuân Diệu, Thép Mới, Chính Hữu, Vũ Khiêu, Hoàng Trinh, Võ Huy Tâm, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Xuân Thiêm, Huy Phương, Đỗ Chu, Bằng Việt, Vũ Quần Phương…

Đoàn cựu học viên lớp viết văn khóa 4 và phóng viên báo Văn nghệ giải phóng trong lần về thăm căn cứ Trung ương Cục bên lán nơi ở của đồng chí Võ Văn Kiệt

Đoàn chủ tịch Hội nghị có các văn nghệ sĩ: nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng), các nhà thơ, nhà văn: Giang Nam, Lý Văn Sâm, Anh Đức, Trần Hướng Nam, Viễn Phương, Nguyễn Trung Thành, Vũ Hạnh, Phạm Ngọc Truyền, Chế Lan Viên (đại diện Hội Nhà văn Việt Nam).

Nhà thơ Giang Nam, đọc Diễn văn khai mạc Hội nghị. Nhà văn Anh Đức, trình bày Báo cáo của Ban Vận động thành lập Hội nhà văn giải phóng, điểm lại những thành tựu của nền văn học cách mạng ở miền Nam trong hơn hai mươi năm qua nêu rõ “dù ở chiến trường nào, ở mặt trận và trong nhà tù, dưới lưỡi lê và máy chém của giặc, chúng ta đã dũng cảm, bám sát cuộc chiến đấu, khắc phục khó khăn lao động nghệ thuật.

Hoặc trong điều kiện khó khăn của cuộc đấu tranh công khai ở đô thị đã nêu cao lòng yêu nước, yêu nền văn hóa dân tộc, chí bất khuất và lòng căm thù đối với văn hóa nô dịch phản động đồi trụy, nhờ vậy mà các nhà văn yêu nước và tiến bộ trong đô thị đã đóng góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung”.

Hội nghị cũng đã nghe gần 20 tham luận của các nhà văn thuộc nhiều thế hệ, trên các địa bàn hoạt động khác nhau. Nhà thơ Chế Lan Viên, thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam và các anh chị em nhà văn miền Bắc ruột thịt, đọc bài tham luận chào mừng nhan đề “Bay theo đường dân tộc đang bay” được cử tọa nhiệt liệt hoan nghênh.

Tổng kết Hội nghị, đồng chí Trần Bạch Đằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phụ trách công tác thông tin văn hóa giáo dục của Mặt trận, với bài phát biểu quan trọng về “Sứ mạng mới của nhà văn”, được các đại biểu đặc biệt chú ý, không chỉ đặt ra những nội dung quan trọng bằng một giọng văn hào sảng, mà còn nêu bật những liên kết đa dạng các vấn đề của chính trị, văn nghệ và hòa hợp dân tộc trong bước đi sắp tới của cách mạng.

Hội nghị cũng đã quyết định thành lập một Ban trù bị Đại hội các nhà văn giải phóng miền Nam Việt Nam gồm 23 người gồm: Giang Nam, Anh Đức, Nguyễn Trung Thành, Thanh Hải, Viễn Phương, Thu Bồn, Hải Lê, Lý Thuận Khanh, Phan Tứ, Phan Minh Đạo, Nguyễn Thành Vân, Hoài Vũ, Nguyễn Sáng, Nam Hà, Nguyễn Vũ, Phạm Ngọc Truyền, Minh Khoa, Nguyễn Bá, Nguyễn Khoa Điềm, Võ Trần Nhã, Vũ Hạnh, Sơn Nam, Nguyễn Trọng Văn, do nhà thơ Giang Nam là Trưởng ban.

Để từng bước thực hiện tiến trình thống nhất đất nước, Hội nghị hiệp thương chính trị giữa hai miền được tiến hành ngày 18/11/1975, sau đó, từ ngày 20 đến 22/12/1975, Hội nghị đại biểu nhân dân miền Nam Việt Nam nhất trí phê chuẩn kết quả Hội nghị hiệp thương chính trị hai miền để tiến tới Tổng tuyển cử chung trong cả nước vào ngày 26/4/1976.

Trong tiến trình chung ấy, tháng 1/1977, đại diện Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Văn nghệ giải phóng, ký kết văn bản hợp nhất và lấy tên chung là Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Báo Văn nghệ giải phóng, cũng hợp nhất với Tuần báo Văn nghệ, thành tờ Văn nghệ chung của cả nước.

Tôi tham gia và được công nhận là phóng viên quân quản thành phố, chuyên về lý luận phê bình văn học và nghệ thuật, nên công việc thật nhiều. Những chương trình biểu diễn đầy ắp, từ Văn công giải phóng ở chiến khu về, các đoàn văn công từ Bắc vào, các đoàn nghệ thuật tiến bộ tại Sài Gòn như Đoàn Thanh Minh- Thanh Nga, kịch nói Kim Cương, tuồng Minh Tơ cũng như các liên hoan nghệ thuật quần chúng của thành phố, các quận huyện và các xóm nghèo. Công việc túi bụi, nhưng rất vui...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm báo ở chiến trường mùa xuân 1975

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO