Làm giàu từ mô hình nuôi cá thát lát trên Sông Hậu

Tuấn Quang 19/06/2017 14:56

Chỉ với 16 bè nuôi cá thác lác trên sông Hậu, ông Lý Văn Bon tại khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thu về hàng tỉ đồng mỗi năm.

Ông Lý Văn Bon với mô hình nuôi cá thát lát trên Sông Hậu thu về hàng tỉ đồng mỗi năm.

Trước đây, ông Lý Văn Bon có hơn 7 năm trong nghề nuôi cá điêu hồng. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, chi phí đầu tư cao, cộng thêm dịch bệnh nên cá nuôi thường hao hụt, không có lãi, thậm chí thua lỗ. Việc tìm cho mình giống vật nuôi mới, là một thách thức lớn mà ông luôn trăn trở.

Đến năm 2007, qua tìm hiểu và học tập từ nhiều mô hình ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ông Bon quyết định gắn bó với con cá thát lát. Ông bắt đầu thả nuôi thử nghiệm một vài bè. Kết quả ngoài sức mong đợi. Cá mau lớn, ít dịch bệnh và giá cũng tương đối ổn định.

Nhận thấy đây là cơ hội lớn, ông Bon quyết tâm mở rộng quy mô nuôi lên hàng chục bè và thành công với con cá thát lát cho đến bây giờ. Mỗi năm, ông Bon cho ra thị trường hơn 700 tấn cá thát lát thương phẩm với giá cả dao động từ 70.000 – 80.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư, ông thu về hàng tỉ đồng.

Theo ông Bon, muốn nuôi cá thát lát thành công, khâu chọn con giống là rất quan trọng nhất. Cá giống phải sạch bệnh và nên mua ở những cơ sở uy tín, kích thước đồng đều (khoảng 1cm trở lên), không bị xây xát. Trong quá trình nuôi, cần phải thường xuyên vệ sinh lồng bè, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với từng thời điểm sinh trưởng của cá nhằm tránh thất thoát thức ăn và hạn chế ô nhiễm môi trường nước, hạn chế tỷ lệ cá hao hụt.

Thay vì cá thát lát thường được nuôi bằng thức ăn tạp (ốc, cá con,...), ông Bon mạnh dạn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Mặc dù, nuôi bằng thức ăn công nghiệp, chi phí đầu tư sẽ cao, nhưng đổi lại loại cá này lớn rất nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp và phẩm chất thịt cá ngon. Bình quân, mỗi vụ nuôi kéo dài khoảng 6 tháng, mỗi con cá đạt trọng lượng khoảng 400 – 500 gram.

Ông Bon cho biết thêm: Thời điểm thả cá thát lát nuôi cũng khá quan trọng. Theo kinh nghiệm thì những tháng đầu năm, giá cá thát lát thường xuống thấp do thời điểm này thị trường nguồn cung dồi dào. Đến khoảng tháng 7 và tháng 8, giá cá sẽ tăng trở lại do nguồn cung ít.

Để tránh tình trạng thua lỗ và hạn chế rủi ro, ông chia thành nhiều đợt thả cá trong năm. Việc này, vừa đảm bảo có nguồn cá xuất bán liên tục vừa có đồng vốn xoay vòng. Đặc biệt, cần theo dõi, nghiên cứu quy luật của thị trường lên xuống trong năm để đưa sản lượng cung ứng ra thị trường phù hợp.

Mặc dù vậy, giá cá thát lát thương phẩm trên thị trường vẫn thể không ổn định được và ông luôn tìm cách để thật sự yên tâm gắn bó với con cá này. Từ suy nghĩ trên, ông quyết định mở thêm cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm từ con cá thát lát. Hàng tháng, cơ sở của ông Bon sản xuất hàng trăm kí cá thành phẩm như: cá thát lát rút xương, chả cá thát lát, cá thát lát muối sả ớt...

Các sản phẩm trên được người dùng rất ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm trên chủ yếu là các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Cần Thơ, tỉnh Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… Cũng chính vì vậy mà ông thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ các sản phẩm cá thát lát chế biến.

Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp ông vượt qua nhiều cơn khủng hoảng khi giá cá thát lát thương phẩm xuống thấp. Ông Bon kể lại: Có thời điểm giá cá chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg, nhiều người nuôi thua lỗ nặng, phải bỏ bè nhưng với ông, nhờ cơ sở sản xuất cá thát lát mà ông vẫn có thể thu lợi do không phải bán cá giá rẻ cho thương lái.

Ngoài ra, ông Bon còn gắn kết với mô hình nuôi cá thát lát trên sông với mô hình du lịch sinh thái tại Cồn Sơn, TP Cần Thơ. Mỗi tháng, ông thu về khoảng 15 triệu đồng từ khách tham quan tại các bè cá. Ông cho biết: Việc khách du lịch đến bè cũng là dịp để quảng bá sản phẩm từ con cá thát lát. Khách du lịch có thể thấy được quy trình sản xuất an toàn, từ đó mà tin tưởng hơn vào sản phẩm của ông cung cấp ra thị trường.

Hiện nay, cơ sở sản xuất cá thát lát của ông Bon còn góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 5- 6 triệu đồng/tháng. Những lúc đơn đặt hàng nhiều, người lao động tại đây có thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Mô hình nuôi cá thát lát trên Sông Hậu.

Ông Trần Văn Bảy Mươi Lăm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Bình Thủy, cho biết: Mô hình nuôi cá thát lát bè trên sông của ông Bon hiện đang được khuyến khích nhân rộng tại nhiều hộ khác. Ông Bon cũng tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các hộ xung quanh, phối hợp tích cực với các nhà vườn làm du lịch cộng đồng tại Cồn Sơn. Từ đó, góp phần tạo nên sự đa dạng trong việc cung cấp các sản phẩm du lịch phục vụ khách tham quan… Với mô hình làm kinh tế hiệu quả trên, năm 20l6, ông Bon được tặng danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm giàu từ mô hình nuôi cá thát lát trên Sông Hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO