Làm nông nghiệp công nghệ cao: Trọng tâm phải là thị trường

Duy Khang (thực hiện) 09/07/2017 08:15

Chính phủ đang đưa ra gói tín dụng 100 ngàn tỷ hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Đây là một chủ trương rất đúng đắn để tạo động lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam cất cánh. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Thành- Viện trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng nhà đầu tư có tham gia vào chuỗi giá trị không? Còn nếu chỉ đơn thuần xây dựng một nhà máy ngàn tỷ mà không biết bán hàng ở đâu, đầu ra như thế

Ông Lê Thành.

PV: Thưa ông, được biết không chỉ DN mà cả nông dân cũng rất muốn tiếp cận gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao. Vậy theo ông, khi nhà nông tiếp cận gói tín dụng này sẽ gặp phải những khó khăn gì?

Ông Lê Thành: Tôi cho rằng, nông dân muốn tiếp cận tín dụng công nghệ cao không phải là câu chuyện đơn giản, thậm chí sẽ rất khó vì làm công nghệ cao sẽ hoàn toàn khác xa với khái niệm làm vườn thông thường. Kể cả trồng trọt hay chăn nuôi đều phải đầu tư các giải pháp công nghệ tối ưu như nhà màng, hệ thống tưới tiêu hiện đại, các dây chuyền sản xuất sạch… với chi phí rất tốn kém.

Trong khi phần lớn nông dân hiện nay đều làm nông nghiệp đúng theo nghĩa “người làm vườn”, làm theo kinh nghiệm cha ông, có gì sản xuất đấy, rất manh mún, nhỏ lẻ, đơn độc. Do đó, thực lòng mà nói, nông dân muốn tiếp cận tín dụng công nghệ cao là vô cùng khó. Vậy chỉ còn một cách khả thi hơn đó là tổ chức nông dân phải theo chuỗi giá trị. Và doanh nghiệp (DN) sẽ là “đầu tàu” của chuỗi giá trị đó, phải đi làm thị trường giúp nông dân.

Ví dụ, một nhà máy sản xuất lương thực ở Tây Ninh hiện nay được xây dựng với quy mô 10 ngàn ha. Ở đó nhóm các hộ nông dân lại với nhau, hỗ trợ bà con về giống, phân bón, gọi chung là hỗ trợ tín dụng vật tư nông nghiệp cho nông dân và họ gánh lãi suất cho nông dân. Người nông dân chỉ việc sản xuất ra sản phẩm. Trong chuỗi đó, đáng lẽ nông dân phải vay 1 tỷ để sản xuất, đầu tư thì nay họ chỉ phải vay 100 triệu đồng, DN đã “gánh” hết cho họ rồi.

Tuy nhiên, khi nông dân tham gia vào chuỗi đó phải có cam kết, có hợp đồng kinh tế đàng hoàng để đảm bảo chuỗi giá trị đó không bị phá vỡ.

Như chúng ta vẫn biết, nông dân ngoài khó khăn về tiền vốn, còn khó khăn về thông tin thị trường. Do đó, ở chuỗi giá trị này, DN chính là đơn vị nắm bắt thị trường, định hướng sản xuất cho nông dân.

Thứ nữa là năng lực, ở đây phải là năng lực quản trị chứ không phải năng lực làm vườn. Nông dân ở Nhật Bản người ta giỏi về quản trị, sổ sách kế toán, còn nông dân của mình đa số là chỉ là người trồng cây chứ không phải nhà quản trị nông nghiệp. Nói gọn lại, tôi muốn nhấn mạnh, để nông dân có thể tiếp cận được gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, cần phải có sự hỗ trợ của DN và phải tạo thành chuỗi giá trị.

Chúng ta đang nhắc đến nhiều khái niệm “nông nghiệp công nghệ cao”, song có ý kiến cho rằng, nếu làm nông nghiệp công nghệ cao mà thiếu thị trường thì cũng không ổn, thưa ông?

-Đúng là như vậy! Nói về khái niệm “nông nghiệp công nghệ cao”, theo tôi nếu chỉ dừng lại ở đó thì mới đơn thuần chỉ là phương thức sản xuất thôi, nhưng nông nghiệp công nghệ cao tham gia vào chuỗi giá trị lấy thị trường làm trọng tâm thì mới đúng là mô hình kinh tế nông nghiệp. Khi đó, kinh tế nông nghiệp mới thực sự phát triển mạnh và bền vững.

Như vậy chúng ta phải đặt vấn đề: Làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng anh có tham gia vào chuỗi giá trị không, có quan tâm đến đầu ra, thị trường cho sản phẩm nông sản hay không? Còn nếu chỉ đơn thuần xây dựng một nhà máy ngàn tỷ mà không biết bán hàng ở đâu thì khi đó, lại trở thành gánh nặng cho chính sách.

Có ý kiến cho rằng, muốn làm nông nghiệp công nghệ cao, trước hết phải đào tạo, nâng cao năng lực cho chính người nông dân vì lâu nay, nông dân chủ yếu chỉ sản xuất theo kinh nghiệm mà không có trình độ, năng lực. Ý kiến của ông?

- Nói nông dân không có trình độ, năng lực thì tội nông dân quá. Không phải nông dân nào cũng thiếu trình độ năng lực đâu. Chúng ta phải chia theo nhóm. Nông dân nào có trên 10ha là họ đã có năng lực quản trị đấy. Tôi còn biết có nhiều nông dân có cả ngàn tỷ để trồng cao su, như vậy họ giỏi hơn DN chứ. Nếu ai đó nói nông dân trình độ kém là phiến diện.

Song tôi muốn nhắc lại, chúng ta vẫn cần đưa ra các chính sách để đào tạo bà con nông dân về trình độ quản trị, năng lực sản xuất, về công nghệ, sổ sách... Nhưng một vấn đề quan trọng chúng ta phải lưu ý đó là phải đào tạo nông dân về trách nhiệm cam kết.

Lâu nay, nền kinh tế nông nghiệp vẫn bỏ ngỏ để bà con nông dân tự bơi, mà khi họ tự bơi, tự do trồng trọt, chăn nuôi theo “hứng” thì chắc chắn sẽ dễ dàng hủy hợp đồng, quay sang làm việc với thương lái, trung gian. Bởi vậy, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, tính cam kết càng mạnh thì giá trị hàng hóa sẽ càng cao.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều về câu chuyện giải cứu nông sản. Liệu đây có phải là do lỗi ở chính sách quy hoạch yếu, thưa ông?

-Tôi nghĩ, cũng không hẳn lỗi hoàn toàn ở chính sách. Sở dĩ nông sản hay rơi vào tình thế phải giải cứu là do khi sản xuất không tính toán kỹ thị trường. Vấn đề cốt lõi ở đây vẫn chỉ là chúng ta để bà con nông dân luôn ở tình trạng mù mờ thông tin, không nắm rõ được tín hiệu thị trường cần gì và không cần gì, cứ để họ tự sản xuất mà không định hướng giúp họ.

Trong khi đó, nhà đầu tư vào nông nghiệp lại hạn chế, nông dân làm sao mà đầu tư vào cả một hệ thống logistic được… tất cả những điểm yếu đó tạo nên câu chuyện tồn ứ nông sản mà chúng ta đang chứng kiến thời gian qua. Và nhà nước phải vào cuộc giải cứu.

Nhà nước vào giải cứu là đúng, nhưng song song với đó là phải định hướng để khuyến khích DN đầu tư vào toàn chuỗi, lúc đó câu chuyện giải cứu sẽ không còn. Có nghĩa, thay vì chống bệnh thì chúng ta phải phòng bệnh đi.

Vậy theo ông, khi đầu tư theo chuỗi, liệu câu chuyện giải cứu có còn tái phát?

-Tùy quan điểm của mỗi nhà đầu tư lập chuỗi ra để làm gì? Nếu nhà đầu tư lập chuỗi bán hàng thật, có hợp đồng thật thì ra sản phẩm bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu, làm sao phải giải cứu. Chuỗi giá trị là một mô hình kinh tế nhưng ông chủ của chuỗi đó là ai? Ông có xem thị trường là trọng tâm hay không, nếu ông xem thị trường là trọng tâm, có hợp đồng sẵn sẽ chẳng bao giờ phải lo đến việc giải cứu. Ngược lại, ông dựng ra chuỗi, nhưng thiếu thị trường thì sẽ sập ngay.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm nông nghiệp công nghệ cao: Trọng tâm phải là thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO