Làm sao để 'vui lòng khách đến'…

Minh Quân – Phạm Sỹ (thực hiện) 30/04/2022 15:37

Ngành du lịch đã và đang tạo ra những tín hiệu khả quan và được dự báo sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới. Tuy nhiên làm thế nào để phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững trong bối cảnh tình hình mới như hiện nay đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam.

Khách du lịch đến bản làng vùng cao Tây Bắc.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự phục hồi của du lịch tại Việt Nam thời gian qua cũng như kỳ vọng khởi sắc dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5?

Ông Phạm Hải Quỳnh.

Ông Phạm Hải Quỳnh: Sau 2 năm bị dịch bệnh dồn nén, chủ trương chung của ngành du lịch Việt Nam là lấy du lịch nội địa làm bàn đạp để phát triển, đồng thời mở cửa hoàn toàn sau ngày 15/3 với khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Với du lịch nước ngoài, chúng ta đều biết là khách du lịch các nước thường có kế hoạch rất dài cho những chương trình lữ hành. Đơn cử như khách du lịch Châu Âu thường lên kế hoạch đi du lịch dài hơi. Thậm chí là kế hoạch hàng năm. Có nghĩa là khi chúng ta mở cửa, du khách quốc tế sẽ kiểm tra lịch trình, tìm hiểu những chính sách của nước họ với Việt Nam, những vấn đề về visa… sau đó họ mới bắt đầu lên kế hoạch. Do đó, để sẵn sàng cho việc đón khách du lịch quốc tế, Chính phủ Việt Nam cần có hướng dẫn chi tiết để du khách có thể nắm bắt một cách thuận tiện khi muốn đến với Việt Nam.

Còn với du lịch nội địa thì sau 15/3, về cơ bản đã mở cửa và bắt đầu có sự gia tăng vào đợt nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua. Thực tế cho thấy, nhu cầu của du khách thời điểm này khác với thời điểm trước khi xuất hiện dịch Covid -19. Tức là trước đây, hành khách thông qua đơn vị lữ hành thì giờ đây, họ sẽ chủ động tìm kiếm dịch vụ, điểm đến để trải nghiệm. Tôi cho rằng, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sẽ là thời điểm bùng nổ của du lịch Việt Nam.

Theo ông, ngành du lịch cần có những biện pháp nào để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa đảm bảo kích cầu?

Chúng ta đang trong giai đoạn bình thường mới, tôi cho rằng, với du khách thì ý thức cần đặt lên hàng đầu. Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Chính bởi vậy, du khách cần phải luôn có ý thức bảo vệ chính mình và cộng đồng. Các điểm đến vẫn cần có những phương án cụ thể để phòng tránh dịch một cách an toàn nhất cho du khách.

Theo ông cần có những chính sách ưu đãi gì để vừa phục hồi ngành du lịch đồng thời tạo đà bứt phá trong giai đoạn này?

Vấn đề kích cầu du lịch đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam nỗ lực thực hiện thời gian qua. Hiệp hội đã làm rất tốt khi lấy “tiếng nói” của truyền thông để quảng bá điểm đến. Tuy nhiên, sau đó vấn đề đã bị biến tấu… Vì vậy, kích cầu hiện nay chỉ mang tính hình thức. Nhiều địa phương đang lợi dụng vấn đề này làm mất đi giá trị thực sự của việc kích cầu.

Theo tôi kích cầu không sai. Nhưng kích cầu ở thời điểm này là sự kết nối giữa các đơn vị lữ hành và địa phương. Để làm tốt việc này, các đơn vị phải cùng ngồi lại với nhau, vạch ra bài toán, xem những dịch vụ nào còn hoạt động được, cần hỗ trợ; những dịch vụ nào cần nâng lên hay hạ xuống... Đặc biệt là các bên đều phải thống nhất với nhau về giá một cách phù hợp nhất với các sản phẩm dịch vụ. Trước đây các đơn vị lữ hành thường cạnh tranh, phá giá nhau. Nhưng thời điểm này các doanh nghiệp chân chính đã bắt tay nhau tìm ra những hướng đi chung. Các đơn vị đã hỗ trợ nhau, đưa ra những chương trình ưu đãi cho khách hàng, điều này sẽ giúp toàn ngành phục hồi nhanh hơn.

Với xu hướng du lịch đang đi theo nhóm nhỏ, tự túc thì du lịch cộng đồng là một mô hình đang có rất nhiều lợi thế để phát triển. Vậy để phát triển du lịch cộng đồng cần có lộ trình thế nào thưa ông?

Du lịch cộng đồng góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp, tạo sinh kế, cải thiện đời sống của bà con nông dân. Bên cạnh đó, ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ cũng được nâng lên, đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điểm khác biệt để thu hút du khách.

Tuy nhiên, ngành du lịch đến nay vẫn chưa có quy chuẩn cụ thể và hướng dẫn chi tiết trong việc triển khai phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều tỉnh, thành phố hiện đang phát triển ồ ạt hệ thống homestay và cho rằng đó là du lịch cộng đồng. Nhưng bản chất của du lịch cộng đồng là phải gắn kết du lịch với người dân để cùng khai thác, kinh doanh. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng dễ nảy sinh mâu thuẫn về quyền lợi giữa các cộng đồng hoặc giữa các hộ tham gia và không tham gia làm du lịch. Nếu không giải quyết được mâu thuẫn này, tính cố kết và những giá trị chung của cộng đồng sẽ bị phá vỡ, không mang lại lợi ích chung. Thực tế đã xảy việc này bởi chúng ta chưa có quy chuẩn chung về phát triển du lịch cộng đồng.

Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục những hạn chế trên?

Để du lịch cộng đồng thực sự phát triển, trước hết phải giải quyết được vấn đề sinh kế cho chính cộng đồng đó. Khi bà con có sinh kế thì họ mới có động lực để học hỏi, nâng cao trình độ, nhận thức của mình về du lịch, cách phục vụ. Đặc biệt, chỉ khi những mô hình du lịch nào mang lại nguồn lợi cho cộng đồng thực sự thì mới giải quyết được câu chuyện mâu thuẫn, cũng như động lực để bà con nâng cao tay nghề, chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, tùy theo từng địa phương, từng dân tộc và căn cứ theo giá trị văn hóa thì các điểm đến cần tạo nên những sản phẩm du lịch riêng, song hành những tiêu chí quy định về vấn đề lưu trú. Tất cả phải đáp ứng được nhu cầu chung và đảm bảo giá trị văn hóa nếu làm du lịch cộng đồng. Cùng với đó, mỗi điểm đến cần phải tạo ra những trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên xung quanh, khuôn viên môi trường phải sạch sẽ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng… Nói cách khác, phải giải quyết được vấn đề là làm thế nào để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm sao để 'vui lòng khách đến'…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO