Làng nghề đóng tàu Trung Kiên tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã “xuất xưởng” hàng vạn chiếc thuyền lớn nhỏ, phục vụ nghề biển. Thậm chí, nơi đây đã từng đóng những chiếc tàu không số huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay, làng nghề Trung Kiên đang chật vật trước sự thay đổi của thời cuộc.
Đóng tàu không số
Không những là một trong 7 làng nghề sản xuất kinh doanh giỏi của cả nước, làng đóng tàu Trung Kiên còn được biết đến là làng nghề đóng thuyền lâu đời nhất cả nước. Thậm chí, làng nghề vinh dự là nơi đóng thuyền cho vua hơn 700 năm trước. Các cụ cao niên tại làng Trung Kiên cho biết: Tên làng Trung Kiên mới có từ năm 1954. Trước kia, làng được gọi là Hoàng Lao. Tổ sư của làng nghề là ông Nguyễn Quốc Công, người gốc xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc.
Thời bấy giờ, án ngữ bên tả ngạn sông Lò là đội thủy quân của triều đình nhà Lê do Đô đốc hải quân Nguyễn Sư Hồi, con trai của Tam quốc công thần Nguyễn Xí chỉ huy. Sự xuất hiện của Tiền triều Minh nghị tướng quân với nhiều ý tưởng sáng tạo đã giúp đội thủy quân nhà Lê sở hữu nhiều chiến thuyền lớn, lợi hại trong chiến đấu và trở nên hùng mạnh hơn.
Khi Tiền triều Minh nghị tướng quân qua đời, người dân làng Hoàng Lao đã dựng đền thờ ông ngay đầu làng, tôn ông là Thành hoàng làng. Làng nghề Hoàng Lao cũng được đổi tên thành làng nghề Trung Kiên như một sự nhắc nhở thế hệ mai sau về giá trị của lòng trung thành, một lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân của Nguyễn Quốc Công.
Làng nghề đóng tàu Trung Kiên được vinh dự đóng những con tàu không số huyền thoại. Theo đó, từ những năm 1958-1964, làng nghề Trung Kiên là một trong những nơi được giao nhiệm vụ đóng những con tàu vận chuyển quân lương phục vụ tiền tuyến.
Ông Nguyễn Gia In, Chủ nhiệm HTX làng nghề đóng tàu Trung Kiên cho biết: Thời điểm đó, những thợ thuyền của làng nhận được nhiệm vụ đóng tàu từ Trung ương và cũng chỉ biết say mê làm việc, tạo ra những con tàu nó rất khác so với tàu mà người dân ở đây thường đóng. Khi đóng những con tàu này, ngoài sự bí mật, còn có sự chỉ đạo giám sát của cán bộ. Trong thâm tâm của người thợ lúc đó không nghĩ rằng, đây chính là những con tàu không số huyền thoại trên biển.
Cũng theo ông In, số lượng tàu không số được đóng tại làng Trung Kiên là 6 chiếc. “Để đóng những chiếc thuyền này, những người thợ đều được tuyển chọn có tay nghề cao, đặc biệt phải giữ bí mật. Những con tàu không số mỗi khi hạ thuỷ đều có 2 lớp vỏ với 4 khoang, phía trên để dụng cụ đánh bắt cá và khoảng trống ngầm phía dưới để chở lương thực và vũ khí”, ông In nhớ lại.
Theo nhiều tài liệu trong Ban liên lạc Cựu chiến binh Đoàn tàu không số Nghệ Tĩnh năm xưa, những con tàu do HTX Trung Kiên đóng đều được ngụy trang kỹ càng dưới hình thức tàu đánh cá của ngư dân và giao cho đoàn đánh cá sông Gianh do Tiểu đoàn 603 ngụy trang.
Chật vật tìm hướng đi
Quá khứ hào hùng là vậy, nhưng nay làng nghề đóng tàu Trung Kiên lại chật vật tìm hướng đi cho mình. Theo đó, sau nhiều năm hoạt động theo hộ gia đình, năm 2003, HTX làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên ra đời gồm 39 thành viên với hơn 300 lao động. Đến ngày 25/11/2014, làng nghề Trung Kiên được Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh là: ‘’Làng nghề tiêu biểu Việt Nam’’ và được tặng danh hiệu ‘’Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam”. Đây cũng là những năm phát triển thịnh vượng của làng nghề, bởi trong giai đoạn từ năm 2014-2017 mỗi năm những người thợ giàu kinh nghiệm đóng từ 90-100 chiếc tàu có công suất từ 24-1.200 CV.
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay làng nghề đóng tàu Trung Kiên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để giữ nghề truyền thống 700 năm nay của ông cha. Khoảng 5 năm trở về trước, về làng đóng tàu Trung Kiên không khí lao động sôi nổi, tiếng đục, tiếng búa, tiếng cưa vang cả một vùng cửa biển. Nhất là những ngày đầu xuân, sau khi lễ khai mộc hoàn thành, cảnh tượng tấp nập xẻ đục của hàng trăm thợ thuyền vang dậy cả một vùng. Nay, khi đi dọc một vòng ven biển của làng nghề, người ta dễ bắt gặp những chiếc tàu phai màu sơn, hoen gỉ và cũ kỹ nằm nép mình một góc từ lâu; nhiều cơ sở đóng tàu đã đóng cửa, mặt bằng bỏ trống, máy móc, dụng cụ đóng tàu… lâu ngày không sử dụng đã hư hỏng phần nhiều.
Đơn cử như cơ sở đóng tàu của ông Nguyễn Trọng Nhỏ (72 tuổi) xóm Đình, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc là một trong số ít các cơ sở hiện vẫn đang có đơn đặt hàng để đóng tàu mới vào thời điểm hiện nay với 4 công nhân làm việc. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là con tàu thứ 5 trong suốt 3 năm qua do gia đình ông Nhỏ thực hiện và đều là loại tàu thuyền công suất nhỏ (24 CV).
Hay như cơ sở đóng tàu của ông Nguyễn Văn Lệ, xóm Đình, xã Nghi Thiết – một trong những xưởng đóng tàu lớn của làng nghề Trung Kiên, đỉnh điểm có năm đóng từ 25-27 chiếc tàu. Nhưng 3 năm trở lại đây, cả xưởng chỉ đóng được 9 chiếc tàu. Theo ông Lệ cho biết, trước đây thời điểm sôi động, mỗi năm cơ sở “xuất xưởng” gần 30 chiếc tàu với công suất từ 400CV trở lên.
Khoảng 3 năm trở lại đây, các đơn đặt hàng đóng tàu gỗ rất ít vì theo Nghị định 67 chỉ ưu tiên dùng tàu vỏ sắt để vươn khơi. Ông Lệ cho biết: “Đơn đặt hàng đóng tàu mới ít dần, công nhân không có việc làm, một số ít bám trụ lại chỉ để chờ cải hoán, sửa chữa, sơn sửa định kỳ các tàu cá; một số khác cũng bỏ làng nghề ra đi để tìm kiếm việc làm khác”.
Một nguyên nhân khiến làng nghề đóng tàu vất vả tìm “tàu” để đóng, khi giá vật liệu và giá nhân công ngày càng lên cao. Do vậy, nhiều cơ sở đóng tàu đã phải đóng cửa do không có việc làm, mặt bằng bỏ trống, thợ bỏ nghề đi tìm công việc khác. Vừa là một chủ xưởng đóng tàu, lại là Chủ nhiệm HTX Làng nghề đóng tàu Trung Kiên, ông Nguyễn Gia In cho biết thêm: Toàn xã Nghi Thiết có 33 xưởng đóng tàu thì chỉ có 3-4 xưởng còn duy trì được việc làm cho người lao động.
Ông Lê Đăng Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết xác nhận: Nhiều cơ sở trong làng nghề có mặt bằng chật hẹp, không đủ trang thiết bị để tiếp nhận được những con tàu có trọng tải lớn, luồng lạch ngày càng bồi lắng khiến việc hạ thủy, tàu lớn ra vào sửa chữa rất vất vả. Nhà nước cần có sự quan tâm nhiều hơn để duy trì, phát triển làng nghề truyền thống này.
“Hiện dù làng nghề đang gặp khó khăn vì nhiều nguyên nhân nhưng chúng tôi có đội ngũ thợ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm đóng tàu công suất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi phải có trách nhiệm duy trì và phát triển nghề truyền thống và truyền lại cho các thế hệ mai sau”, ông Nguyễn Gia In khẳng định.