Lắng nghe Mặt trận, hành động vì dân

Dạ Yến 02/03/2017 08:35

Tiếng nói của Mặt trận là tiếng lòng của dân. Lắng nghe Mặt trận hành động vì dân là một cách để chính quyền các cấp, các bộ, ngành góp phần xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, một Nhà nước của dân từ đó tiến tới xây dựng một xã hội văn minh hơn, công bằng hơn.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác giám sát hoạt động
của Công ty nhiệt điện Duyên Hải từ kiến nghị của cử tri. (Ảnh: Quốc Trung).

1. 86 năm hình thành và phát triển, trong tiến trình đó, Mặt trận có sự đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng dân tộc vào trong các mục tiêu chung của dân tộc, trong những phong trào thi đua yêu nước. Do đó, Mặt trận gắn bó với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội một cách rất mật thiết. Nhưng bên cạnh sự gắn bó, đồng hành, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chung của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thì Mặt trận vẫn có vị trí riêng, đặc biệt và duy nhất trong tất cả những tiến trình đó.

Ở vào thời điểm này, xu thế dân chủ đang là xu thế của các tầng lớp, giai cấp. Mỗi một giai cấp, mỗi một tầng lớp, mỗi một tôn giáo lại đan xen những nguyện vọng khác nhau. Vì thế, Mặt trận với sứ mệnh gìn giữ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết luôn nhận biết, tôn trọng tính đa dạng và sự khác biệt ở trong các giai tầng xã hội để làm sao có được tiếng nói chung của lòng người.

Tiếng nói trong Mặt trận là tiếng lòng của nhân dân. Bởi vậy, lắng nghe Mặt trận tức là lắng nghe tiếng nói của nhân dân để từ đó có sự chuyển động trong hành động của các bộ, ngành, chính quyền các cấp đang là một dấu ấn tốt đẹp ngay từ những ngày đầu năm 2017.

Điều này có thể thấy rõ trong các hội nghị tổng kết quy chế phối hợp công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 giữa Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với Văn phòng Chính phủ, giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.

Tại các hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội đều đánh giá cao vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong sự phát triển của đất nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Mặt trận là một kênh quan trọng để Chính phủ hiểu được nguyện vọng, tình cảm, kiến nghị, đề xuất từ nhân dân”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Không ai gần dân hơn các thành viên của MTTQ Việt Nam vì chỉ khi thực sự dựa vào dân, dân tin thì mới thấu hiểu được những gì dân nói. Chính vì vậy Mặt trận luôn là nơi nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”. Còn Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho rằng, “vai trò của Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật rất quan trọng vì đây là tiếng nói của dân, tâm tư tình cảm nguyện vọng của dân”.

Với sự ghi nhận đặc biệt này nên có lẽ chưa khi nào Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội lại đồng tình cao với nhiều ý kiến, kiến nghị của Chủ tịch Mặt trận như vậy.

2. Đơn cử như kiến nghị của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với Chính phủ về việc các bộ, ngành và UBND các cấp sau khi thanh tra chương trình công tác của mình cần phải công khai hóa kết quả thanh tra, kết luận thanh tra. Trên cơ sở đó, Mặt trận cùng cơ quan tổ chức thành viên và báo chí thực hiện giám sát kết quả thanh tra được công bố.

Đồng tình cao với kiến nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc công khai kết luận các cuộc thanh tra của cơ quan chức năng để báo chí, đặc biệt là MTTQ giám sát thực hiện chính là một bước để xem các cơ quan có nói đi đôi với làm hay không.

Sự đồng tình của Thủ tướng với kiến nghị của Mặt trận còn lan tỏa tới Ủy ban thường vụ Quốc hội như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, “làm như vậy, Mặt trận và các cơ quan chức năng có chức năng giám sát các hoạt động của nhà nước như Quốc hội mới có cơ sở để có thể theo dõi tới cùng các kết luật của các đoàn giám sát”.

Vẫn với tinh thần này, việc Mặt trận kiến nghị Chủ tịch nước và Ủy ban thường vụ Quốc hội cần quan tâm nhiều hơn nữa đến báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của Mặt trận trong mỗi kỳ họp Quốc hội đã nhận được sự đồng lòng của hai nhà lãnh đạo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, trước kỳ họp Quốc hội sắp tới hai cơ quan quan tâm nhiều hơn đến báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri sẽ trình bày trong phiên khai mạc Quốc hội và có thể coi đây là cơ sở để chọn vấn đề chất vấn.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị trong thời gian tới, trước khi Mặt trận trình báo cáo cử tri tới Quốc hội nên có thảo luận giữa Văn phòng Chủ tịch nước và Mặt trận để từ đó đưa ra được các chương trình hành động giải quyết bức xúc mà nhân dân nêu lên.

Sự đồng tình của những người đứng đầu cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp trong mỗi kiến nghị của người đứng đầu Mặt trận đã và đang lan tỏa từ trung ương xuống các địa phương. Và ngay mới đây, việc ban hành công văn 386 của UBND TP Hà Nội là một ví dụ điển hình.

UBND TP Hà Nội ban hành công văn để triển khai chấn chỉnh một việc cụ thể từ kết luận của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc cần phải xử lý quyết liệt nạn “cát tặc” là một minh chứng cụ thể cho việc chính quyền các cấp ngày càng lắng nghe ý kiến phản ánh của Mặt trận cũng là lắng nghe ý kiến của nhân dân, từ đó có những hành động cụ thể để hiện thực hoá những mong mỏi ấy.

Giám sát việc khai thác, quản lý khai thác trái phép cát, sỏi trên các lòng sông cũng như siết chặt lại các hoạt động này là một việc vô cùng khó, trong phạm vi của một công văn chưa thể nói lên được điều gì bởi khối lượng cũng như tính chất khó khăn của công việc mà Hà Nội sẽ phải làm.

Nhưng điều này đã cho thấy quyết tâm chính trị của Hà Nội trong việc lắng nghe Mặt trận để giải quyết những bức xúc của nhân dân.

3. Lắng nghe Mặt trận, giải quyết những bức xúc của nhân dân cũng đang là quyết tâm hành động của nhiều bộ ngành.

Người đứng đầu hai bộ là Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa tiến hành ký kết “Chương trình phối hợp công tác về hoạt động bảo vệ môi trường", trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Việc hai bộ ký kết dưới sự chứng kiến của người đứng đầu Mặt trận cũng là việc chưa từng có trong tiền lệ. Bởi trước đó nhiều tháng, với sự nỗ lực không mệt mỏi, Mặt trận đã có nhiều cuộc giám sát về bảo vệ môi trường. Và để giải đáp các ý kiến cử tri của xã Dân Thành, Đông Hải và Trường Long Hòa của huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đặt ra, Tổ Đại biểu quốc hội khóa XIV tỉnh Trà Vinh do Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã tiến hành giám sát Công ty nhiệt điện Duyên Hải (Tổng Công ty phát điện 1).

Cử tri kiến nghị rằng, nhà máy đi vào hoạt động, nhưng chủ đầu tư chưa đánh giá tác động môi trường đúng quy định; thay đổi xả thải từ công nghệ ướt sang công nghệ khô; hệ thống xử lý chất thải công nghiệp hiện tại không đúng theo báo cáo tác động môi trường ban đầu; các tổ máy tăng công suất từ 600 MW theo thiết kế ban đầu lên 625,5 MW/tổ máy…Tất cả những vấn đề người dân thắc mắc từ một nhà máy nhiệt điện và làm sao để nhà máy hoạt động hài hòa với môi trường đã đặt ra yêu cầu liên quan đến trách nhiệm giải quyết từ một số bộ ngành trong đó có Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Công thương.

Chính vì thế, việc cam kết của hai bộ về hoạt động bảo vệ môi trường là một bước để hiện thực hóa những mong mỏi của người dân từ kiến nghị của người đứng đầu Mặt trận.

Theo đó, hai Bộ thống nhất ký kết Chương trình phối hợp công tác quản lý và hoạt động bảo vệ môi trường hướng đến 3 mục tiêu chính bao gồm: Tăng cường phối hợp quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; Chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; Kiểm soát chặt chẽ các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong: công tác lập và phê duyệt quy hoạch; quá trình thẩm định, phê duyệt, kiểm soát hoạt động của các dự án sản xuất công nghiệp.

Đồng thời hai bên sẽ phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực, tiềm năng hiện có trong việc quản lý, giám sát việc thực thi quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại.

Với những nỗ lực mà UBND TP Hà Nội hay Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương đang thực hiện, tin chắc rằng, những quyết tâm chính trị này sẽ lan toả tới các địa phương khác, bộ, ngành khác để từ đó lắng nghe Mặt trận, cùng Mặt trận góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm, một Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe Mặt trận, hành động vì dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO