Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, doanh nhân

Mai Loan 03/09/2019 07:00

Chiều nay 3/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ phối hợp phát động Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.

Khơi gợi ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân

Với mục đích khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

“Cuộc vận động lần này, cũng thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng đến với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Qua đó, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nâng cao được nhận thức của mình và nâng cao được ý thức chấp hành chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước.

Mặt khác, thông qua Cuộc vận động, các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có điều kiện để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa ý thức trách nhiệm của mình đối với dân tộc, đối với xã hội và thông qua những hoạt đông sản xuất kinh doanh hết sức năng động, sôi động đóng góp ý kiến của mình với Đảng, Nhà nước để qua đó Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trong giai đoạn phát triển tới” - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chia sẻ với báo giới ngay trước thềm lễ phát động.

Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thì cho rằng, trong các chủ trương chính sách Đảng rất coi trọng hệ thống chính sách và môi trường pháp lý cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Trong các Nghị quyết của Đảng đều nhấn mạnh vai trò nền tảng của kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác. Đảng đã có các nghị quyết riêng về thành phần kinh tế này. Khi nói về kinh tế tư nhân, Đảng đã khẳng định đó là động lực quan trọng của nền kinh tế, đó là sự thay đổi tư duy rất lớn trong quá trình chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Đảng ta chính thức có Nghị quyết riêng trong xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiến pháp Việt Nam cũng đã ghi yêu cầu khuyến khích tạo thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Dưới tác động của chính sách đó, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những thành phần quan trọng của công cuộc đổi mới 30 năm qua.

Doanh nghiệp nói về chính sách

Ông Phạm Xuân Cảnh - thành viên Hội đồng thành viên PVN cho rằng: “Chúng tôi đón nhận Nghị quyết 12 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) với tinh thần rất phấn khởi. Trong quá trình vận hành, tác nghiệp tôi luôn coi Nghị quyết 12 là căn cứ quan trọng để vận dụng vào công việc của cấp ủy, Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc trong thực thi công việc của mình. Nghị quyết 12 rất toàn diện, bao trùm và rõ ràng. Nếu nội hàm của Nghị quyết 12 được cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ thì chắc chắn giải quyết tốt các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước. Tôi mong Bộ Chính trị, Ban Bí thứ đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ có đánh giá việc triển khai Nghị quyết, trên cơ sở đó sớm nhận diện nút thắt để có giải pháp quyết liệt đưa nghị quyết vào cuộc sống”.

Còn ở góc độ của một doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FIIN Group cho rằng, Nghị quyết 10, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) cũng như các chính sách đã triển khai của Chính phủ đã bao quát được khá nhiều vấn đề. Theo chúng tôi quan sát thì hệ thống doanh nghiệp Việt Nam rất đông và phát triển mạnh, tuy nhiên quy mô còn nhỏ, manh mún. Rất ít các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước sự manh mún và quy mô nhỏ của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, để tận dụng lợi thế ông Thuân đề nghị: “Đảng và Nhà nước nên hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân, trong một số ngành cụ thể để có thể tận dụng được lợi thế trên sân nhà và trước khi xuất khẩu. Trong nhiều ngành hiện tại còn thiếu vắng khá nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam, cụ thể là du lịch, nông nghiệp”.

* Cuộc vận động hướng tới huy động trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân người Việt Nam trong và ngoài nước trong nhận diện, phản ánh các vấn đề ách tắc, vướng mắc và đề xuất, góp ý với Đảng và Nhà nước về các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII ( Nghị quyết 10, 11 và 12) và góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, tập trung vào một số chủ đề chính: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng; Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, doanh nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO