Thông tin từ Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, từ ngày 1/12/2020 - 3/1/2021 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề “Làng và những sắc hoa”.
Các hoạt động được tổ chức nhằm tăng cường cảnh sắc thiên nhiên cây, hoa gắn với không gian văn hóa và hoạt động của các dân tộc theo các làng và các cụm liên kết, đồng bào mừng vui những ngày cuối năm, chuẩn bị cho một năm mới với những mong muốn về sự tốt đẹp, sự sung túc của bản làng, quê hương.
Đồng thời, giới thiệu các hoạt động dân ca, dân vũ, ẩm thực, sản vật phong phú của các dân tộc góp phần giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, tạo điểm đến, thu hút khách du lịch, từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, góp phần tạo không khí tưng bừng đón chào năm mới 2021.
Sự kiện có sự tham gia của hơn 100 đồng bào 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Gia Rai, RagLai, Ê Đê, Khmer) tại 12 địa phương trên cả nước (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng). Trong đó, hoạt động điểm nhấn tháng “Làng và những sắc hoa” là “Phiên chợ vùng cao chào Xuân 2021”.
Phiên chợ tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng cao cùng vui gặp gỡ nhìn lại một năm đã qua và niềm vui hân hoan đón chào năm mới 2021 tại “ngôi nhà chung”. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Hà Nhì, Lự,...
“Không gian xuống chợ trong những ngày cuối năm, những ngày đầu năm mới với kỳ vọng mới, niềm tin sắt son và niềm vui từ ánh mắt của mỗi một đồng bào, họ gặp nhau tại phiên chợ lúng liếng nói cười, trong những bộ trang phục đẹp nhất, sắc màu nhất. Các lớp không gian liên tục từ khi xuống chợ hòa cùng với niềm vui, tham gia các hoạt động hội, hòa cùng với sắc màu của nghề thủ công truyền thống và cùng nhau cất lên niềm vui, sự hân hoan khoe vẻ đẹp của cộng đồng trong ngày xuân mới”- Ban tổ chức giới thiệu điểm nổi bật của sự kiện.
Bên cạnh đó, hoạt động cũng được chờ đón là “Giới thiệu nghệ thuật trình diễn dân gian nghệ thuật múa Khèn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mông tỉnh Bắc Kạn”.
Khèn là biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ: Khèn của đồng bào dân tộc Mông vừa là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng chia sẻ tâm tư tình cảm giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời.
Nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Mông gắn liền với chiếc khèn. Khèn thổi đi đôi với múa, đã thổi khèn là không để cho đôi chân đứng yên. Không chỉ múa khèn một người mà có đến bốn người hoặc nhiều hơn, múa khèn với nhau chân đá rất đều và khỏe phù hợp với điệu khèn. Chỉ cần cất lên tiếng khèn là cả cộng đồng hướng tới, hòa mình vào từng giai điệu.
Diễn tấu khèn là cả một nghệ thuật hết sức độc đáo. Và từ năm 2015 nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…