Lấp lánh tài năng múa trẻ

Phạm Quý - Trần Vân 22/07/2017 09:00

Sau 9 năm gián đoạn, cuộc thi “Tài năng biểu diễn Múa - 2017” vừa chính thức trở lại. Kết quả của cuộc thi phần nào đã tạo nên một niềm tin về thế hệ tiếp theo của ngành múa với sự “lấp lánh” của các tài năng được đánh giá ngang tầm khu vực.

Một tiết mục trong cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa - 2017”.

Nỗ lực với nghề

Múa là một môn nghệ thuật dùng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt, để phản ánh các hiện tượng của cuộc sống, tư tưởng, tình cảm của con người thông qua các nghệ sĩ múa.

Bởi vậy, nghệ sĩ múa phải được hun đúc từ nhiều năm học tập và rèn luyện cực khổ, nghiêm khắc, kỷ luật từ bé. Những luật động, tạo hình, thẩm mỹ, âm nhạc phải được hình thành hàng ngày thành thói quen trong tâm thức người nghệ sĩ.

Để trở thành một nghệ sĩ múa thực thụ đứng trên sân khấu có thể thể hiện được những kỹ thuật, kỹ xảo điêu luyện, thể hiện kỹ năng biểu đạt cảm xúc bằng cả tâm trí, cơ thể và diễn xuất là điều vô cùng khó khăn.

Thí sinh Trần Mai Anh - sinh viên năm 4 của trường ĐH VHNT Quân Đội (đạt giải bạc cuộc thi) chia sẻ: “Đây là chương trình rất lớn mà em ngay từ đầu cá nhân em cũng phải cố gắng lắm mới dám đến với cuộc thi để thể hiện đam mê và thử sức mình”.

Mai Anh cho biết thêm, để chuẩn bị cho cuộc thi này em đã phải tập luyện không biết mệt mỏi cả tháng trời, nhiều lúc quên cả ăn uống là chuyện bình thường, nhưng em vẫn nghĩ mình cần phải cố gắng hơn nữa, vì đam mê và vì nhiệt huyết dặn mình không được bỏ cuộc.

Thời gian đầu với lịch tập khắc nghiệt của mình em cũng gặp đôi chút những vất vả, như sáng nào cũng từ sáng sớm tới 11h trưa, sau đó chỉ được nghỉ ăn trưa một lúc rồi lại tiếp tục tới tận tối. Đó giống như việc phải hi sinh rất nhiều thời gian và sức lực cho nó.

Đôi lúc em cảm thấy mình còn không có thời gian riêng cho bản thân nữa. Hơn nữa, khoảng thời gian ăn trưa dù đã ngắn ngủi, nhưng vì sự đam mê nên lúc nào em cũng cố gắng ôn lại bài để cố gắng trau chuốt thêm cho bài biểu diễn của mình thật là tốt để phần biểu diễn của mình sẽ không để xảy ra vấn đề gì cả.

Nuôi dưỡng tài năng trẻ

Nghệ thuật múa cũng giống như nhiều ngành nghệ thuật truyền thống khác đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả. Tuy nhiên, NSND Vũ Việt Cường - Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi “Tài năng biểu diễn Múa – 2017” lại không cho rằng khán giả đã quay lưng với nghệ thuật truyền thống.

Theo ông Cường, có nhiều vấn đề khiến cho một khía cạnh nghệ thuật ít cuốn hút người xem. Đầu tiên, bản thân một tác phẩm phải có sức cuốn hút. Nghệ thuật bây giờ có rất nhiều người thích truyền thống, bên cạnh đó cũng có rất nhiều người thích đương đại hiện đại, hay có người lại thích cổ điển và có sự hòa trộn giữa dân tộc và đương đại.

Hiện nay hơi hướng dân tộc đương đại đang phát triển rất mạnh, trong cuộc thi lần này có 24 tiết mục và hầu như tiết mục nào cũng được khán giả hưởng ứng rất nhiệt tình. Điều này chứng tỏ, họ không quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống, họ không hết đam mê với nghệ thuật truyền thống.

Nếu muốn thu hút được khán giả chúng ta nên thay đổi dần dần, tập cho khán thưởng thức dần với nghệ thuật truyền thống, lúc đó mới có thể nâng cao trình độ được. Khán giả bây giờ có rất nhiều phương tiện để có thể thưởng thức các tiết mục như: Internet, băng đĩa… Nên họ rất chú ý đến sự chuẩn chất của mỗi một diễn viên. Cho nên, các diễn viên phải tập luyện với lòng đam mê và hoài bão lớn để đạt tới trình độ cao, có một chỗ đứng tốt.

Thêm nữa, nghệ thuật này cũng phải có sự kết hợp giữa các yếu tố như vừa có kỹ thuật cao, nhưng cũng phải có được ngoại hình xinh đẹp kết hợp lại, đồng thời phải tìm ra được cái mới, sự sáng tạo của mình thì sẽ tạo ra cái riêng của mình, chính điều này sẽ thu hút được lượng khán giả hâm mộ cho riêng mình. Nhưng yếu tố quan trọng nhất đó là sự đam mê, nhiệt huyết bùng cháy của thế hệ trẻ, chỉ có sự đam mê thì mới bỏ qua được khó khăn, thử thách để luyện tập và đạt được những thành công nhất định.

Múa là một môn nghệ thuật rất khắc nghiệt, không chỉ đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao đối với một nghệ sĩ múa mà hơn hết chính những người muốn theo nghiệp cũng phải đánh đổi và hi sinh nhiều cho nghề. Nhưng đáp lại những nỗ lực ấy lại chưa thực sự thỏa đáng, cho nên đấy là cái trăn trở và bất cập để những nghệ sĩ trẻ bám nghề.

Chúng ta chưa có nhiều sân chơi chuyên nghiệp để các nghệ sĩ trẻ được cọ xát, được học hỏi và trưởng thành, cũng như thiếu hụt những tác phẩm sáng tác dành riêng cho biểu diễn múa và còn nhiều thiếu xót trong chế độ đãi ngộ và phát triển nhân tài. Chúng ta cũng cần có những chương trình giảng dạy để phát triển đỉnh cao, đào tạo nghệ sĩ và có chiến lược âu dài cho các tài năng để có thể phụng sự nghề nghiệp và đất nước, xa hơn nữa là giới thiệu nghệ thuật múa Việt Nam với bạn bè thế giới.

Với 15 đoàn dự thi, 54 thí sinh tham dự, hơn 100 tác phẩm được thể hiện, BTC cuộc thi “Tài năng biểu diễn Múa - 2017” đã trao 7 giải vàng và 12 giải bạc, đánh giá qua ba yếu tố chủ đạo đó là kỹ thuật, kỹ xảo; diễn xuất; và truyền tải được giá trị thẩm mỹ, truyền tải cái đẹp của cơ thể, của chuyển động, của tâm trí và lột tả được hình tượng nhân vật mà tác phẩm muốn hướng tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lấp lánh tài năng múa trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO