Liên tiếp tin vui cho hạt gạo

T.H 03/06/2023 08:30

5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 2 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng trưởng cao nhất cùng kỳ 10 năm. Xuất khẩu gạo duy trì sự tăng trưởng khá nhờ cả giá và lượng. Thị trường được dự báo sẽ còn nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới.

Xuất khẩu gạo đang đón nhận nhiều tin vui. Ảnh: TL.

Dồn dập các đơn hàng

5 tháng đầu năm, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam đạt 1,29 triệu tấn, tương đương 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, Indonesia tăng mua gấp 26 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, năm nay, xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều tăng trưởng và với tất cả các loại gạo. Thực tế đã cho thấy, lượng lương thực trên thế giới đang sụt giảm. Khi biến đổi khí hậu cực đoan thì việc cải thiện lương thực thế giới rất khó; trong khi Việt Nam không bị tác động mạnh bởi biến đổi khi hậu như nhiều quốc gia khác.

Cũng theo ông Bình, gạo sản xuất ra đến đâu đều được tiêu thụ đến đó. Lượng hàng sản xuất ra khá nhiều nhưng đều tiêu thụ tốt bởi lượng lương thực thế giới sụt giảm, thậm chí không đủ gạo để bán. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng cho biết, họ nhận đơn hàng dồn dập trong nhiều tháng qua nhưng nguồn cung gạo trong nước không đáp ứng đủ.

Cùng với đó, gạo thơm, gạo chất lượng cao cũng ngày càng được gia tăng. Theo Cục Trồng trọt, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cấp 157 giấy chứng nhận với trên 14.000 tấn gạo để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu gạo vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn nông nghiệp Nhiệt đới, để đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo năm 2023, các DN xuất khẩu gạo đã chủ động hợp tác để có được vùng nguyên liệu đủ lớn (tương xứng với sản lượng xuất khẩu) trên cơ sở “quyền lợi phải được phân phối hài hòa, công bằng, minh bạch và rủi ro cùng nhau chia sẻ”. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng tạo thuận lợi và khuyến khích các DN đi tìm đối tác bạn hàng; mở rộng các thị trường tại Mỹ; EU, Trung Đông, Tây và Bắc Á.

Gia tăng xuất khẩu gạo có phẩm cấp cao

Theo Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng sẽ gia tăng xuất khẩu các loại gạo có phẩm cấp cao. Cụ thể, trong giai đoạn 2023-2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%... Tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.

Các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%. Chiến lược cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán.

Theo ông Phạm Thái Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc định hướng nâng cao giá trị, giảm sản lượng xuất khẩu là đúng đắn. Khi đó, đến năm 2030 dù xuất khẩu chỉ 4 triệu tấn gạo nhưng giá trị vẫn đạt từ 3,5-4 tỷ USD mà không cần đến phải xuất khẩu từ 6,5-7 triệu tấn gạo như hiện nay. Bên cạnh đó, khi sản xuất để có được 6,5-7 triệu tấn gạo cũng sẽ tạo ra phát thải khí nhà kính lớn hơn nhiều so với việc chỉ sản xuất 4 triệu tấn gạo. Đây là giá trị về môi trường mà khó có thể tính toán được.

Ngành lúa gạo Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi từ giá gạo duy trì ở mức cao vì nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, các đối tác nhập khẩu gạo của Việt Nam ngày càng khó tính, khắt khe hơn trong các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, chế biến sâu là con đường giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam lên rất nhiều lần. Tuy nhiên, muốn sản phẩm chế biến có mặt ở châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…, đòi hỏi phải có sự đầu tư về mặt công nghệ, khoa học kỹ thuật. Gia tăng giá trị xuất khẩu sẽ phải tăng sản phẩm chế biến nhiều hơn. Việc này vừa giảm sản lượng gạo xuất khẩu mà vẫn có được giá trị cao.

Đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cho rằng, những đơn vị sản xuất theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm… luôn có lợi thế trên thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu hướng đến thị trường cao cấp khi Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây. Chiến lược đã đặt mục tiêu là nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên tiếp tin vui cho hạt gạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO