Loay hoay chất lượng thủy sản

Hồ Luân 16/06/2016 23:47

Mới đây, EU vừa có văn bản khẳng định các lô hàng thủy sản của 4 doanh nghiệp Việt Nam bị nhiễm chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép. Với văn bản này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo chất lượng thủy sản xuất khẩu. 

Loay hoay chất lượng thủy sản

Ảnh minh họa.

Từ trước đến nay, thủy sản vẫn là một trong những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam khi sản lượng xuất khẩu qua các nước không ngừng tăng nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực gia tăng sản lượng xuất khẩu vào các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới, thủy sản Việt có căn bệnh cố hữu khó thay đổi về chất.

Chất lượng mặt hàng thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm tại thị trường nhập khẩu. Chỉ tính năm 2015, có gần 260 lô hàng thủy sản bị các nước thu gom trả về vì kháng sinh, hóa chất, vi sinh vượt quá ngưỡng. Tình hình không khả quan hơn khi quý I-2016 có đến 31 lô hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước và bị báo động “đỏ”.

Rõ ràng sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản không mới, song vấn đề nằm ở chỗ cơ quan chức năng cảnh báo, hướng dẫn, thậm chí quy hoạch vùng nuôi sạch nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu.

Theo Cục Thú y, có đến hơn 73% số hộ nuôi cá tra và tôm được khảo sát có sử dụng kháng sinh. Đây là tỷ lệ khá cao cần phải điều chỉnh theo chiều hướng tích cực bằng giám sát và chế tài chứ không chỉ theo tinh thần tự ý thức. Một bất cập liên quan đến chất lượng thủy sản xuất khẩu là việc kiểm tra của cơ quan chức năng. Hiện nay Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kiểm tra quá trình sản xuất chế biến từ nguyên liệu đến nhà máy.

Nhưng nghịch lý ở chỗ, mặc dù phải trả phí kiểm tra cho lượng hàng hóa xuất khẩu, tuy nhiên trường hợp lô hàng bị trả về thì Nafiqad chỉ chịu trách nhiệm với mẫu họ kiểm tra, phần còn lại doanh nghiệp tự lo.

Sắp tới đây, “sân chơi” cho mặt hàng thủy sản sẽ thênh thang hơn vì thuế suất giảm (thậm chí là về 0%), thị trường tiêu thụ rộng lớn… Tuy nhiên, hàng loạt quy chuẩn, tiêu chuẩn khắt khe hơn ra đời bắt buộc nhà xuất khẩu thực hiện.

Đơn cử, thị trường EU đưa ra chuẩn chung của sản phẩm thủy sản nhập khẩu là phải đạt GlobalGap nhưng hiện nay sản phẩm thủy sản Việt chỉ mới đạt chuẩn VietGap. Như vậy, tiêu chuẩn và quy chuẩn của Việt Nam đang thấp hơn so với EU. Vấn đề đặt ra, Việt Nam cần xây dựng lộ trình cho một hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn mới sao cho phù hợp với thông lệ của EU nói riêng và quốc tế nói chung. Trường hợp cứ bấp bênh chất lượng như hiện nay chắc chắn thủy sản Việt sẽ thua các đối thủ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loay hoay chất lượng thủy sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO