Lợi dụng kẽ hở pháp luật: Đại gia 'xù' đấu giá

Lê Anh Đức 11/06/2016 07:26

Thời gian qua, liên tiếp có nhiều “đại gia” tham dự các cuộc bán đấu giá (cả đấu giá từ thiện và đấu giá tác phẩm nghệ thuật) trả giá thật hoành tráng lấy le, rồi sau đó “bùng” không thanh toán tiền mua tài sản đã trúng đấu giá. Dư luận xôn xao với 2 luồng ý kiến, một bên cho rằng như vậy không có gì sai cả, một bên cho rằng như vậy là thiếu văn hóa. Song, có lẽ chưa ai đặt vấn đề vì sao người ta có thể coi cuộc bán đấu giá là trò đùa?

Hiện, hành lang pháp lý dùng để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến bán đấu giá tài sản chưa hoàn chỉnh. Để điều chỉnh các cuộc bán đấu giá cũng như các bên tham gia đấu giá, tới thời điểm này mới chỉ có Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, và Thông tư số 23/2010/TT-BTP, ngày 6/12/2010 của Bộ Tư pháp, quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản.

Chưa có luật, nghị định điều chỉnh hành vi trên lại sơ hở. Khoản 1, Điều 39, Nghị định 17 quy định người thắng trong cuộc đấu giá có thể từ chối mua tài sản bán đấu giá mà không phải chịu trách nhiệm gì: Tại cuộc bán đấu giá, khi đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề...

Trong khi đó, cũng chính Nghị định 17 của Chính phủ lại quy định người mua phải có nghĩa vụ thanh toán tiền đầy đủ theo giá đã thắng sau khi đấu giá viên công bố người trúng đấu giá.

Cụ thể, tại Điều 36, Nghị định 17 quy định về quyền và nghĩa vụ của người mua được tài sản bán đấu giá, nêu rõ: Người mua được tài sản bán đấu giá có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản cho tổ chức bán đấu giá tài sản; nhận tài sản đã mua, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được xác định trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá...

Với quy định tại Điều 36 và Điều 39 của Nghị định 17, các công ty bán đấu giá chuyên nghiệp có thể có quyền hoặc không có quyền khởi kiện người mua đã không thực hiện đúng việc thanh toán tiền cho tài sản đã trúng đấu giá. Ngay cả khi các công ty đấu giá chuyên nghiệp có khởi kiện thì Tòa cũng có thể tuyên buộc các “đại gia” phải thanh toán tiền (căn cứ Điều 36), hoặc cũng có thể tuyên bác đơn của công ty bán đấu giá chuyên nghiệp (căn cứ Điều 39). Mâu thuẫn trong văn bản quy phạm pháp luật chính là kẽ hở để người ta “diễn xiếc” tại các cuộc đấu giá.

Trở lại các vụ lình xình “xù” đấu giá đình đám thời gian qua: Tân Hoàng Minh từ chối thanh toán 6 tỷ đồng cho đôi chóe tứ linh trong cuộc bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam; hay như việc đấu giá các vật phẩm quý khác như chiếc trống đồng kỷ vật 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với mức giá 3 tỷ đồng, viên đá rubi khổng lồ với giá 11 tỷ đồng... được tổ chức bán đấu giá tại “Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung” cuối năm 2010.

Điều đáng xấu hổ là mặc dù sự kiện này được đăng ký kỷ lục Việt Nam với việc hơn 90 hoa hậu thế giới và doanh nhân cùng có mặt để chung tay làm từ thiện, và được phát sóng trên các kênh quốc tế như NBC, StarWorld..., vậy mà các “đại gia” vẫn “xù” bình thường.

Cũng tại sự kiện trên, Công ty gốm sứ Bảo Long mua thắng đấu giá bộ tứ linh (long - ly - quy - phượng) ở mức 47,9 tỷ đồng, nhưng rốt cuộc thì vẫn không thành vì chủ của bộ tứ linh tự ý mang đồ về nhà và yêu cầu được nhận tiền trực tiếp. Trong trường hợp này, cả Công ty Gốm sứ Bảo Long (người thắng đấu giá) và Hội Chữ thập đỏ TP HCM (đơn vị tổ chức buổi đấu giá từ thiện) đều có thể khởi kiện chủ sở hữu của bộ tứ linh ra Tòa và hoàn toàn có khả năng thắng kiện.

Trở lại câu chuyện đang hot trong thời điểm này là Công ty Tân Hoàng Minh từ chối mua đôi chóe tứ linh với giá thắng là 6 tỷ đồng. Như đã phân tích ở trên, sẽ không ai, cơ quan nào có thể bắt ép “đại gia” này phải thanh toán số tiền 6 tỷ đồng như đã trả giá ở cuộc bán đấu giá.

Ông chủ Tân Hoàng Minh không thể bị phạt hành chính, cũng chẳng thể truy cứu trách nhiệm dân sự hay hình sự gì với hành vi “xù” đấu giá. Việc “bùng làng” của Tân Hoàng Minh và các “đại gia” khác trước đó hãy cứ để dư luận phán xét về văn hóa ứng xử. Muốn tránh được tật xấu này của các “đại gia”, chỉ có thể quy định chặt chẽ bằng luật và có chế tài nghiêm khắc, chứ không thể chỉ dựa vào lòng hảo tâm hay tính tự giác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi dụng kẽ hở pháp luật: Đại gia 'xù' đấu giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO