Lọt ‘sạn’ trong SGK: Cần làm rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý

Nguyễn Hoài 03/03/2022 14:18

Đến thời điểm này, Bộ GDĐT đã triển khai thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” sang năm học thứ hai, ở các lớp 1, 2 và lớp 6. Năm học 2022 - 2023, chương trình sẽ tiếp tục thực hiện ở lớp 3, 7 và 10.

Tuy nhiên, công tác biên soạn, thẩm định, góp ý SGK vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Bởi thực tế đến thời điểm này, SGK mới đã có rất nhiều “hạt sạn” được dư luận chỉ ra. Gần đây nhất là việc sách Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam bỏ chữ cái P ra khỏi danh mục.

SGK liên tiếp có "sạn"

“Sạn” trong SGK được nhắc tới rất nhiều trong suốt 2 năm học qua từ khi Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được triển khai.

Các đơn vị phát hành của cả 5 bộ SGK lớp 1 năm học 2020-2021 cũng đều đã thừa nhận có “sạn” trong những sản phẩm của mình và đã đưa ra phương án chỉnh sửa, khắc phục. Điều này cũng đồng nghĩa các NXB đã thừa nhận những sai sót, hạn chế trong các bộ sách của mình.

Dù qua nhiều vòng thẩm định, sau cùng mới được Bộ GDĐT phê duyệt nhưng chỉ đến khi SGK đi vào giảng dạy, những “hạt sạn” không đáng có mới được dư luận, phụ huynh phát hiện ra.

Gần đây nhất là việc sách Tiếng Việt lớp 1, bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống do PGS. TS Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên kiêm Chủ biên của NXB Giáo dục Việt Nam bỏ chữ cái P ra khỏi danh mục dạy học.

Trước đó, Đại Đoàn Kết Online cũng đã thông tin một số ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này. Theo các chuyên gia, sách Tiếng Việt chưa dạy chữ P là việc làm khó hiểu, là chủ trương không đúng và lạc hậu so với tình hình.

Tuy nhiên, Tổng chủ biên sách Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức và cuộc sống đã đưa ra lý giải về vấn đề này. GS. TS Mai Ngọc Chừ, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 cũng nêu quan điểm đồng tình với nhóm tác giả.

Theo ông Chừ, hội đồng thẩm định đã thông qua có nghĩa là chấp nhận, hội đồng đã trình lên Bộ trưởng Bộ GDĐT. Bộ trưởng đã ký có nghĩa là Bộ trưởng chấp nhận.

Liên quan tới vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông thẳng thắn cho rằng, NXB Giáo dục Việt Nam cũng như đội ngũ biên soạn sách cần sớm điều chỉnh. Từ thực tiễn rõ ràng đòi hỏi NXB Giáo dục Việt Nam phải có tinh thần tiếp thu.

“Nhưng đó là lý thuyết. Trên thực tế, nhiều ý kiến đóng góp cho nhà xuất bản này từ hai năm nay cũng khá nhiều, nhưng dường như họ chẳng mấy quan tâm. Việc họ, họ vẫn cứ làm. Ở ta, lâu nay vẫn tồn tại một thực tế như vậy. Báo chí nói là quyền của báo chí. Cuối cùng chỉ có Nhân dân và học trò chịu thiệt”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt trăn trở.

Trăn trở của PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt không phải là không có cơ sở bởi với những “hạt sạn” trước đó, ban đầu khi dư luận lên tiếng, nhóm viết sách và các thành viên của hội đồng thẩm định vẫn luôn khẳng định sản phẩm của họ là đúng.

Loại sạn bằng cách nào?

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn vào tháng 11/2021, vấn đề về “sạn” trong SGK tiếp tục làm nóng nghị trường Quốc hội. Nhiều cử tri bày tỏ quan tâm, lo lắng về 5 bộ SGK lớp 1.

Có thể thấy, thời gian qua, vấn đề đổi mới chương trình, SGK luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Những vấn đề chưa tốt cũng được dư luận đưa ra để hoàn thiện, từ khâu biên soạn nội dung đến phân phối sách, giá cả; việc đưa chương trình SGK mới vào giảng dạy…

Qua hoạt động giám sát thực hiện chương trình, SGK mới, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, về khâu biên soạn, chúng ta đã rút kinh nghiệm SGK lớp 1 để nội dung đưa vào SGK vừa đảm bảo mục tiêu của chương trình nhưng cũng giảm thiểu thấp nhất “sạn” trong sách. Tính chuẩn mực trong SGK là một trong những yếu tố phải đặt lên trên hết.

Nhìn nhận vấn đề này, GS. TSKH Đỗ Đức Thái, Chủ biên Chương trình GDPT mới môn Toán cho biết, theo quy định của Bộ GDĐT, quá trình biên soạn SGK trước đây đều tiến hành thực nghiệm ở nhà trường phổ thông ít nhất 10% số lượng tiết học cả năm đó. Người làm sách đã thực nghiệm ở các trường phổ thông trên các vùng miền khác nhau ở đất nước. Việc đó cho phép người biên soạn đánh giá xem bản thảo dự định khả thi trong cuộc sống như nào và cần điều chỉnh ra sao cho tốt hơn.

“Sau khi hội đồng thẩm định phê duyệt, bản thảo được đưa cho các giáo viên, cơ quan giáo dục toàn quốc để góp ý. Qua đó, chúng tôi nhận được sự góp ý của 63 tỉnh thành và rất nhiều thầy cô. Chúng tôi xem xét giải trình từng ý kiến.

Như môn Toán, bản giải trình kéo dài cả trăm trang. Những bản giải trình này cố gắng làm cho bộ SGK không mắc phải sạn trong quá trình biên soạn. Đối với môn Toán tôi hy vọng không còn sạn nữa”, GS. TSKH Đỗ Đức Thái chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nêu quan điểm, với chương trình mới, dù SGK không còn là pháp lệnh như trước đây nhưng SGK cần không để xảy ra sai sót.

Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, giáo viên, học sinh vẫn coi SGK là chuẩn mực nên sẽ học tập theo đó, nếu SGK sai thì các em sẽ học sai… Nhất là học sinh lớp 1, các em như tờ giấy trắng với tư duy còn non nớt không thể trở thành thực nghiệm của những bộ SGK có “sạn”.

Vì vậy, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cơ quan quản lý cần làm rõ trách nhiệm và có chế tài việc để lọt “sạn” vào SGK; thậm chí, phải bồi thường cho người tiêu dùng.

“Có thể thời gian đầu triển khai chương trình mới còn vội vã nhưng đến thời điểm này sau 2 năm rồi, ngành giáo dục phải có kế hoạch, thực nghiệm, xem xét kỹ lưỡng về vấn đề SGK. Nếu bộ sách nào sai ở mức độ nhẹ thì phải tiếp thu, sửa chữa, còn ở mức độ không thể chấp nhận được thì phải hủy bỏ”, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lọt ‘sạn’ trong SGK: Cần làm rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO