Luật chậm vì chờ các Bộ 'soi' quyền lợi

V.Thắng 07/10/2016 00:25

Ngày 6/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN). Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn khi bản thân Dự thảo luật không nhận được sự đồng tình từ các bộ ngành. Phân trần việc này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, ý kiến các bộ ngành chưa đồng thuận vì hầu hết các cuộc cải cách đều có ý kiến trái chiều.

Luật chậm vì chờ các Bộ 'soi' quyền lợi

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến.

Đụng 95 luật

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một số chính sách hỗ trợ đã được quy định tại Nghị định 56 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể nên hiệu lực thực thi chưa cao, dẫn đến việc hỗ trợ doanh nghiệp chưa hiệu quả. Đưa ra dẫn chứng ở nhiều quốc gia, DNNVV đều chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97-99%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, của nền kinh tế. Các nước đã phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Liên minh châu Âu và các nước đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ đều coi trọng vai trò của khu vực DNNVV.

Việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV của Việt Nam là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới”-Bộ trưởng Dũng nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, những hạn chế nêu trong Tờ trình của Chính phủ chưa đủ là nguyên nhân để ban hành luật mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 56.

Việc ban hành luật thậm chí còn làm trầm trọng hơn các vấn đề do Dự thảo luật có nhiều quy định mang tính khuyến khích chung, khó thực hiện. Do đó Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị, ngoài những hỗ trợ cơ bản cho tất cả các DNNVV, với Chương trình hỗ trợ trọng tâm thì cần rà soát kỹ đối tượng áp dụng, không hỗ trợ chung chung mà cần tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn khi bản thân Dự thảo Luật không nhận được sự đồng tình từ các bộ ngành. “Đánh giá tác động của Dự thảo Luật thì rất khả quan nhưng thực tiễn thì khác xa. Chính phủ cho rằng Luật sẽ có tác động tích cực tới mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp thực sự hoạt động vào năm 2020.

Gần 30 năm đổi mới mà số doanh nghiệp cũng chỉ là 480 ngàn, trong đó có 45% thực sự hoạt động mà đề ra đến 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp thì cần tính toán thận trọng hơn. Ngoài ra theo tính toán của Bộ Tài chính thì áp dụng chính sách tại luật, ngân sách sẽ bỏ ra xấp xỉ 20 ngàn tỷ đồng chứ không phải 13 ngàn tỷ đồng như tính toán của Chính phủ”-ông Hiển lo ngại.

Ông Hiển cũng nói, tôi tính qua thấy đụng đến 95 luật.

Các bộ chỉ giỏi “soi” rồi đẩy lên Chính phủ

Khi giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ ngành liên quan tham dự các cuộc họp góp ý thì hầu hết người đại diện các bộ chỉ mang tính “soi” xem có ảnh hưởng gì tới bộ mình, liên quan đến mình hay không, chứ chưa nghĩ rằng đây là vấn đề lớn của đất nước.

Ban soạn thảo đã rất công phu soạn thảo bản dự thảo nhưng không ai cho ý kiến đóng góp cuối cùng đẩy lên Thủ tướng, Chính phủ. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải họp rất nhiều cuộc để ra được bản Dự thảo cuối cùng trình lên Thường vụ Quốc hội”-Bộ trưởng Dũng phân trần.

Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng, ý kiến các bộ ngành chưa đồng thuận vì cuộc cải cách nào cũng phải có ý kiến trái chiều, nếu đồng thuận thì không có cải cách. Tại sao nhiều năm có cơ chế chính sách nhưng không thực hiện được vì nhiều cơ quan bộ ngành chưa coi đó là một động lực để cho khu vực này phát triển. Sau khi Chính phủ bàn và Thủ tướng quyết định thì văn bản này là văn bản cuối cùng của Chính phủ.

Bộ trưởng Dũng cũng phân tích: Nếu tính toán hỗ trợ bằng nguồn lực làm giảm thu ngân sách chỉ đúng một phần nhưng phải nhìn rộng rãi hơn vì doanh nghiệp phát triển còn đóng góp về thuế, tăng trưởng kinh tế, việc làm, ổn định xã hội.

Nếu Luật sớm được thông qua là kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ chiếm hơn 97% các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam nên có ý nghĩa trong thu ngân sách. Cam kết quốc tế và các thông lệ không được trái với các điều lệ hiệp định thương mại quốc tế chúng ta tham gia. Hiện nay đã được xử lý và không có gì trái. Cho nên cần Luật để có chính sách hỗ trợ cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, tất cả vấn đề mà Ủy ban Thường vụ băn khoăn thì Chính phủ cũng đặt ra như vậy. Nói về việc Luật này vênh với các luật khác, ông Đông cho rằng, Luật trước chưa tính hết đến các tình huống phát sinh trong phát triển của kinh tế, bây giờ phải thay đổi. Như quỹ hỗ trợ đầu tư rủi ro là quỹ của xã hội, Bộ luật Hình sự nói phải bảo toàn.

Trước vấn đề này, thời gian đó ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (nay là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - PV) phải báo cáo Bộ Chính trị để gỡ khó cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Luật chậm vì chờ các Bộ 'soi' quyền lợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO