Mạnh tay với đối tượng bạo hành trẻ em

Hoàng Chiến 02/08/2022 08:30

Những vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đã dấy lên trong dư luận xã hội những bất bình. Các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe, ngăn chặn các vụ việc tái diễn.

Mạnh tay với hành vi bạo hành trẻ em. Ảnh minh họa.

Ám ảnh những vụ việc bạo hành trẻ em

Thời gian qua dư luận xã hội rất bất bình với tình trạng gia tăng của nạn bạo hành trẻ em, trong đó, nhiều vụ bạo hành đã được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Mới đây Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) tiếp nhận tin báo từ Bệnh viện Nhi trung ương về một cháu bé tên Tr. nhập viện trong tình trạng tím tái, li bì và sốt cao, nghi bị ngược đãi, hành hạ.

Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định vào ngày 21/7/2022, mẹ cháu Tr. (quê Hà Tĩnh) thuê Đoàn Diệu Linh (sinh năm 1996; trú tại 82A/3C phường Chùa Thông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trông cháu Tr. với giá 3 triệu đồng/tháng (tại địa chỉ số 34A, ngõ 198 Xã Đàn, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) để đi làm công nhân tại tỉnh Bắc Giang. Trong quá trình trông cháu Tr., do cháu bị sốt và quấy khóc nên Linh và Hoàng Thế Vũ (sinh năm 1994; trú tại La Xuyên, Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội - là chồng của Linh) đã dùng dây sạc điện thoại buộc chân, dùng que gỗ, búa nhựa đánh vào đầu, người, dùng chăn quấn vào người và dùng băng dính bịt miệng cháu Tr..

Đến ngày 26/7/2022, thấy cháu Tr., mệt mỏi, khó thở, Vũ và Linh đã đưa cháu đến Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng mở rộng điều tra, tiếp tục làm rõ.

Liên quan đến bạo hành trẻ em, ngày 21/7, Tòa gia đình và người chưa thành niên (Tòa án nhân dân TPHCM) đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ án bé gái 8 tuổi V.A bị mẹ kế là Nguyễn Võ Quỳnh Trang và cha ruột là Nguyễn Kim Trung Thái bạo hành dẫn đến tử vong. Vụ án đã gây rúng động và phẫn nộ trong quần chúng suốt thời gian dài. Trong ngày xét xử, khi cổng tòa còn chưa mở, hàng trăm người dân đã tập trung rất đông để theo dõi, mang băng rôn, khẩu hiệu đòi lại công bằng cho cháu bé.

Mới đây nhất, ngày 29/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã bắt tạm giam Trần Thanh Tú (sinh năm 1999, ngụ xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú) để điều tra hành vi hành hạ con riêng của vợ.

Theo điều tra ban đầu, năm 2020, Trần Thanh Tú kết hôn với Lầu Y Lầu (sinh năm 1997) và sinh sống tại ấp Đồng Tân, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú. Tháng 2 vừa qua, Lầu đón con riêng là bé Y. đến ở chung. Quá trình sống chung, thấy bé Y. thường nghịch đồ dùng cá nhân của Tú và biếng ăn nên từ đầu tháng 7 đến nay, Tú và Lầu đã nhiều lần đánh bé gái gây thương tích.

Ngày 27/7, hàng xóm phát hiện trên người bé D. có vết bầm tím, trầy xước nên trình báo công an. Thời điểm lực lượng chức năng đến nhà kiểm tra, cơ thể bé gái bị bầm tím từ đầu đến chân, vết thương vùng mông rách da gây chảy máu.

Phải xử lý nghiêm

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Hà Đình Bốn - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, thực tế vừa qua rất nhiều vụ việc liên quan đến bạo hành, xâm phạm trẻ em liên tiếp xảy ra được báo chí và nhiều phương tiện truyền thông cung cấp thông tin. Những hành vi liên quan đến xâm hại, bạo hành trẻ em đều đáng bị xã hội lên án, vi phạm trắng trợn đến quyền của trẻ em và các quy định của pháp luật. Đau lòng và phẫn nộ hơn, nhiều vụ việc chính các em đã phải từ biệt cõi đời vì những hành vi bạo hành của người lớn.

“Do đó, các hành vi này cần được lên án và tiếp tục có những biện pháp xử lý hết sức nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa. Trong đó, cần tăng cường áp dụng các biện pháp hình sự để trừng trị. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức cần tiếp tục các biện pháp truyền thông sâu rộng để tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ quyền trẻ em” - ông Bốn khẳng định.

Ngoài ra, ông Bốn cũng nhấn mạnh, các biện pháp phát hiện sớm những hành vi bạo hành trẻ em là rất quan trọng. Do đó, các cơ quan bảo vệ trẻ em và các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này cũng cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc xây dựng các biện pháp cụ thể, chi tiết để tăng cường chức năng, vai trò bảo vệ cho nhóm đối tượng yếu thế này. Khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn, địa phương nào mà cán bộ phụ trách không làm hết trách nhiệm thì cũng cần nghiên cứu, xem xét xử lý cán bộ đó.

“Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử nghiêm minh, đưa ra ánh sáng rất nhiều vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, số lượng vụ bạo hành trẻ em được ghi nhận vẫn có chiều hướng gia tăng về cả số lượng và mức độ nguy hiểm. Bởi vậy, cần hơn nữa các biện pháp mạnh tay, quyết liệt để xử lý triệt để những hành vi tội ác không thể dung thứ này, bất kể là trường hợp nào, đối tượng nào. Để nhân dân tin tưởng, tránh sự hoang mang, lo lắng trước sự quản lý và bảo vệ của Nhà nước với trẻ em” - ông Bốn nhấn mạnh.

Ngoài ra, chuyên gia cũng đề xuất cần tăng cường bổ sung nội dung quy định về tuyên truyền, phổ biến kỹ năng tự bảo vệ khi bị bạo lực gia đình cho trẻ em, cha mẹ. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều bậc phụ huynh và các gia đình có trẻ em, không thể thờ ơ, phó mặc trẻ cho những người chăm sóc để xảy ra những vụ việc hết sức đau lòng.

Ông Bốn cho biết thêm, thời gian vừa qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã phối hợp với nhiều đơn vị, lên tiếng về các vụ việc liên quan đến bạo hành, xâm phạm trẻ em. Hiện tại, Hội vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, xem xét để tiếp tục cử các luật sư theo dõi, hỗ trợ pháp lý miễn phí để đòi lại công bằng cho trẻ em trong các vụ việc liên quan đến bạo hành, xâm hại.

CHUYÊN GIA TỘI PHẠM HỌC, TS ĐÀO TRUNG HIẾU:

Nguyên nhân cũng đến từ sự vô cảm

Trong các vụ án liên quan đến bạo hành trẻ em, phần nhiều các cháu đều là nạn nhân trực tiếp của những vụ hôn nhân đổ vỡ. Với đặc điểm về lứa tuổi, thể chất, các cháu không hiểu các vấn đề đang xảy ra với mình từ chính những người thân của mình, các cháu không có khả năng để tìm kiếm sự trợ giúp, nên âm thầm chịu đựng.

Phân tích về đặc điểm tâm lý của thủ phạm, những đối tượng này đều chứa trong mình nhân cách của sự thoái hóa, ích kỉ, các đặc điểm lệch lạc trong lối sống như thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc. Bên cạnh đó còn thể hiện sự coi thường các chuẩn mực về cả đạo đức và pháp luật.

Tuy nhiên, để liên tiếp xảy ra những vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em trong thời gian gần đây cũng đã gióng lên những hồi chuông về chứng vô cảm trong xã hội. Đặc biệt là những người thân thích, hàng xóm, giáo viên,… của nạn nhân. Sự thờ ơ, vô cảm, chỉ chăm lo cho mối quan tâm hay lợi ích cá nhân của mình mà không để ý đến xung quanh đã khiến cho nhiều trường hợp các em phải từ biệt cõi đời này trong sự đau xót, tức tưởi.

Việc phát hiện những vụ bạo hành trẻ em rõ ràng không khó. Khi bị bạo hành thì trẻ em thường la hét, quấy khóc hay những biểu hiện tâm lý bất thường. Một số hành vi bạo hành nặng có thể để lại trên người trẻ những vết bầm tím, chảy máu,... Nếu yêu mến trẻ, sẽ hỏi han, để ý nhưng thực tế chỉ đến khi những vụ việc phát giác, mới ngã ngửa khi biết sự thật.

Hiện nay, các chế tài và quy định xử phạt về hành vi này cũng đã rất nghiêm khắc, tuy nhiên hành vi phạm tội vẫn gia tăng, do ý thức tuân thủ pháp luật kém. Do vậy, cần hơn nữa tăng cường truyền thông cho cộng đồng, thông qua các đoàn thể, tổ chức cơ sở, phù hợp với từng thành viên. Đặc biệt là kĩ năng bảo vệ trẻ, không những ở gia đình có trẻ bị xâm hại mà cả hàng xóm. Ngoài ra, cơ quan chức năng tại cơ sở cũng cần quan tâm thêm đến công tác này để có biện pháp phát hiện, xử lý sớm nếu có trường hợp xảy ra.

LUẬT SƯ NGUYỄN TRỌNG NGHĨA – ĐOÀN LUẬT SƯ TP HÀ NỘI:

Cần thiết tăng mức xử phạt

Pháp luật hiện nay đã có những quy định rất rõ ràng về hành vi bạo hành trẻ em. Theo Điều 22, Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em như sau: - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

+ Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

+ Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

Bên cạnh đó, hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như: Tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Tuy nhiên, thực tế trong hầu hết các vụ án bạo hành trẻ em, chỉ đến khi trẻ được đưa đi nhập viện trong với tình trạng bị bạo hành nặng hoặc nguy kịch thì cơ quan chức năng mới biết và phát hiện. Như vậy, nhìn chung vẫn mới chỉ xử lý được phần ngọn của vấn đề. Gốc rễ nằm ở chỗ, phải bảo vệ các em ngay từ khi vừa bị bạo hành. Điều này có ý nghĩa quan trọng hơn cả.

Đặc biệt, để hướng tới 1 xã hội nói không với bạo lực trẻ em thì cần thiết phải tăng mức xử phạt để răn đe đối với người phạm tội. Đồng thời kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, thành lập các hội nhóm bảo vệ trẻ em tại các thôn xóm, làng xã, trường học,... Song song với đó, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng cũng như người dân cũng cần được đẩy mạnh để phát hiện kịp thời sự bất thường của trẻ. Từ đó có những biện pháp ngăn chặn và bảo vệ trẻ em kịp thời, đồng thời đưa những đối tượng thực hiện hành vi bạo hành ra ngoài ánh sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mạnh tay với đối tượng bạo hành trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO