4 giải pháp tăng cường hiệu quả giám sát phản biện

Vũ Mạnh Ảnh: Hoàng Long 29/06/2016 11:37

Ngày 29/6, tại Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh thành phố năm 2016, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha đã trao đổi, định hướng với lãnh đạo các tỉnh thành công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.

4 giải pháp tăng cường hiệu quả giám sát phản biện

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu tại Hội nghị.

Định hướng nhiệm vụ, nội dung giám sát trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các bộ, ngành và các tổ chức thành viên triển khai các chương trình phối hợp giám sát đã ký kết. Hướng dẫn việc thực hiện các chương trình phối hợp giám sát trong hệ thống MTTQ Việt Nam và tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động giám sát; xây dựng tài liệu hướng dẫn về công tác giám sát của MTTQVN; tổ chức tập huấn sâu rộng về kỹ năng giám sát cho cán bộ Mặt trận các cấp; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giám sát của MTTQVN các địa phương.

Đối với các chương trình phối hợp giám sát đã được tiến hành làm điểm trong năm 2015, sẽ hướng dẫn Ủy ban MTTQVN các tỉnh, thành phố triển khai tổ chức các hoạt động giám sát tại các địa phương năm 2016 và những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cũng cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ động xây dựng các báo cáo kết quả giám sát và gửi báo cáo kết quả cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ.

Đối với Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn những nội dung giám sát do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp triển khai hoặc chọn một nội dung khác (bảo vệ môi trường, chính sách giải quyết việc làm, giảm nghèo, giáo dục, y tế...) đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương để xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của Ủy ban MTTQVN, các tổ chức thành viên ở địa phương và có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước liên quan, trong đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ hướng dẫn, chuyển giao quy trình để các địa phương triển khai một số chương trình phối hợp giám sát.

Về định hướng nhiệm vụ, nội dung phản biện xã hội, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức và Ủy ban MTTQVN các địa phương tuyên truyền về hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tới các tầng lớp nhân dân; vận động nhân dân tham gia thực hiện; đổi mới, nâng cao hiệu quả các phương thức tập hợp ý kiến nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước.

Cùng với đó tăng cường trao đổi, phối hợp phản ánh thông tin với các cơ quan Nhà nước, các ngành chức năng và các tổ chức thành viên để từng bước chủ động hơn trong việc xây dựng các kế hoạch phản biện xã hội hằng năm.

Trước mắt, trong năm 2016, tập trung phản biện vào các dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân như: Dự án Luật biểu tình, Dự án Luật về hội, Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương Ủy ban MTTQ các cấp cần lựa chọn được nội dung, vấn đề phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phù hợp, đúng những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm để xây dựng kế hoạch thực hiện góp ý kiến và phản biện xã hội.

Cần xác định rõ nội dung phản biện để lựa chọn các phương pháp phản biện cho phù hợp.

Thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, lắng nghe các vấn đề mà các tầng lớp nhân dân quan tâm, phản ánh thông qua Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên ở từng cấp. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh tập trung phản biện các cơ chế, chính sách, pháp luật; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã tập trung phản biện xã hội vào các chương trình, đề án có liên quan trực tiếp đến nhân dân ở địa phương mình.

4 giải pháp tăng cường hiệu quả giám sát phản biện - 1

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha để công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ đạt hiệu quả, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển và thực tiễn đời sống xã hội, tính hiệu quả trong việc xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật để phát triển đất nước bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự kiến những giải pháp chủ yếu.

Theo đó Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tập huấn và hướng dẫn về công tác giám sát và phản biện xã hội cho cán bộ Ủy ban MTTQVN các cấp, biên soạn và phát hành tài liệu hướng dẫn về công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN trong năm 2016.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy sớm việc ban hành Nghị quyết liên tịch hướng dẫn chi tiết Luật MTTQVN về công tác giám sát và phản biện xã hội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả hơn.

Trong quá trình tổ chức các hoạt động giám sát và phản biện xã hội cần phát huy vai trò, huy động trí tuệ của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên, các vị nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, những người đã tham gia lãnh đạo, quản lý liên quan đến nội dung cần giám sát và phản biện xã hội.

Quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về trình độ chuyên môn, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, kỹ năng lắng nghe, tổng hợp… để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ góp ý kiến cũng như nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội trong tình hình mới.

Đặc biệt sau khi kết thúc hoạt động giám sát và phản biện xã hội ở mỗi cấp, cần sớm có văn bản báo cáo về kết quả giám sát gửi văn bản kiến nghị cho cơ quan, tổ chức được giám sát và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, có văn bản thông tin kết quả phản biện đến cơ quan, tổ chức yêu cầu phản biện.

Theo dõi chặt chẽ việc giải quyết đối với những kiến nghị đã gửi tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật đối với những kiến nghị này.

Cũng như cần tiếp tục theo dõi kết quả tiếp thu và giải trình các nội dung không tiếp thu của cơ quan, tổ chức yêu cầu phản biện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    4 giải pháp tăng cường hiệu quả giám sát phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO