Chủ động hơn nữa trong giám sát, phản biện

Hạnh Nhân 24/07/2018 07:45

“Chúng tôi coi trọng việc nghiên cứu lựa chọn chương trình giám sát, phản biện xã hội, trong đó tập trung vào những vấn đề cử tri, nhân dân,  có nhiều bức xúc rồi phối hợp giải quyết để giám sát, phản biện xã hội”, ông Lê Đức Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Lê Đức Kỳ, trong 6 tháng đầu năm 2018, công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ tỉnh Bắc Ninh để góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã được MTTQ và các tổ chức thành viên tập trung vào các nội dung như thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; phối hợp với Liên đoàn lao động, Hội CCB tỉnh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên và các Ban của HĐND, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức giám sát theo kế hoạch.

Bên cạnh đó Mặt trận Bắc Ninh đã tổ chức phản biện xã hội về Chính sách hỗ trợ cho người tự nguyện vào chữa trị, cai nghiện ma túy tại Trung tâm chữa bệnh - Giáo dục - lao động và xã hội; Chính sách Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn; Chính sách phát triển các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập…

Đáng chú ý, Mặt trận đã chủ động và tích cực tham gia thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn: Chỉ đạo và kiểm tra MTTQ cơ sở, Ban công tác Mặt trận trong việc tham gia bầu cử Trưởng thôn, Trưởng khu phố, nhất là Ban công tác Mặt trận trong việc hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu nhân sự để cử tri bầu đúng quy trình, đúng luật định.

MTTQ các cấp đã phối hợp với các Ban Thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng tăng cường các hoạt động giám sát. Kết quả, Ban TTND đã giám sát phát hiện 25 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, kiến nghị 25 vụ việc với UBND cấp xã, giải quyết được 23 vụ việc đạt 92%. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 320 công trình xây dựng trên địa bàn cấp xã, qua giám sát phát hiện 13 công trình có dấu hiệu vi phạm, các Ban Giám sát đã tiến hành làm thủ tục kiến nghị cơ quan nhà nước xem xét giải quyết 11 công trình, đạt 84,6%.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Lê Đức Kỳ cho rằng: quá trình thực hiện có những hạn chế, khó khăn, đó là hoạt động giám sát, phản biện xã hội là vấn đề mới nên việc triển khai thực hiện của một số đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh còn chậm mặc dù đã có chương trình được phê duyệt.

Để hoạt động giám sát, phản biện thành công, cần có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy các cấp về định hướng triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và phê duyệt chương trình giám sát, chương trình phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Cùng với đó MTTQ, Phó Chủ tịch Lê Đức Kỳ đề nghị, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải chủ động, sáng tạo và nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Coi trọng việc nghiên cứu lựa chọn chương trình giám sát, phản biện xã hội, cần tập trung vào những vấn đề người dân có nhiều bức xúc để phối hợp giải quyết. Đặc biệt nâng cao vai trò độc lập tương đối của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội nhằm hạn chế sự tác động khách quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

“Phải “truy bám”, các cơ quan nhà nước được giám sát, phản biện xã hội tiếp thu, giải quyết những kiến nghị của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện xã hội. Từ kết quả đó, tiếp tục thông báo cho các cơ quan đơn vị được giám sát, phản biện xã hội biết và phối hợp thực hiện. Khẳng định vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội”, ông Lê Đức Kỳ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động hơn nữa trong giám sát, phản biện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO