Ngày 25/6, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức hội nghị tham gia góp ý các ý kiến, kiến nghị phản biện xã hội đối với dự thảo:“Tờ trình UBND thành phố Hà Nội và Nghị quyết của HĐND thành phố về “ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ ô tô và các hệ thống giao thông vận tải” (Thay thế Nghị quyết số 03/2013 – HĐND ngày 12/7/2013 và Nghị quyết số 01/2019/NQ – HĐND ngày 09/4/2019 của HĐND thành phố Hà Nội) nhằm phục vụ kỳ họp lần thứ 9 HĐND thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016 – 2021”.
Quang cảnh Hội nghị.
Từ nhiều năm nay, TP Hà Nội liên tục đưa ra các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, mục tiêu tới năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố văn minh, hiện đại, hết ùn tắc giao thông không dễ dàng. Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2013/NQ – HĐND ngày 12/7/2013 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn cũng như khuyến khích người dân tham gia dịch vụ loại hình vận tải này. Việc xây dựng Nghị quyết thay thế các Nghị quyết cũ của HĐND thành phố là cần thiết nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi thực hiện.
“Đây là một trong nhưng giải pháp nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Để thực hiện các cơ chế, chính sách bổ sung, điều chỉnh trong Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết cũ thì ngân sách thành phố cần cân đối bố trí bổ sung khoảng 71,95 tỷ đồng”, ông Thanh nói.
Theo ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, vấn đề vận tải hành khách bằng các phương tiện lớn ở Thủ đô còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách, về cơ sở hạ tầng, phương tiện trang thiết bị và quản lý điều hành.
Do đó dự thảo cần làm rõ sự thống nhất giữa quy hoạch giao thông vận tải hành khách với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác. Trong đề án đặt ra nguyên tắc và yêu cầu kết nối của hệ thống vận tải hành khách công cộng số lượng lớn phải đảm bảo kết nối liên thông; kết nối với đô thị dân cư; kết nối với phương tiện khác của người dân...
“Ý tưởng này là đúng đắn tuy nhiên thực tế bộ mặt đô thị ở Hà Nội hiện nay vô cùng phức tạp như: Hệ thống giao thông, bến bãi không đồng bộ; quy hoạch xây dựng không đồng bộ, không tuân thủ quy chuẩn và có xu hướng phát triển khó kiểm soát, kể cả các khu đô thị, chung cư; phương tiện giao thông cá nhân phát triển quá nhanh, ngoài tầm kiểm soát và ngày càng phức tạp… để đảm bảo sự kết nối như mục tiêu đề ra rất khó”, ông Thảo chia sẻ.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều điểm ùn tắc giao thông.
PGS.TS Trần Thị Kim Đăng, Giảng viên trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cũng cho rằng, đây là vấn đề rất khó và rất nhạy cảm. Tuy nhiên, nếu UBND thành phố muốn làm thì hoàn toàn có thể làm được. Việc mấu chốt là cần phải cụ thể, minh bạch để tránh các sai phạm hay tham nhũng trong quản lý đất đai, liên quan đến “chuyển đổi mục đích sử dụng” của “đất chưa chuyển đổi”, đặc biệt trong việc cho phép sử dụng một tỉ lệ phần trăm đất cho mục đích kinh doanh thương mại. Vấn đề này cần phải hết sức lưu ý vì các hệ lụy trong quản lý, sử dụng đất khi triển khai thực hiện Nghị quyết là rất lớn.
Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội cho rằng, việc tổ chức hội nghị phản biện, trao đi đổi lại các vấn đề nhằm thực hiện sao cho thật tốt.
“Những vấn đề về áp lực trong quản lý đô thị như ùn tắc giao thông cần phải được giải quyết trước, vì nó tác động đồng bộ, tác động nhiều chiều. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ cân nhắc thêm tên Nghị quyết cho ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu nhưng vẫn phải đầy đủ”, bà Nguyễn Lan Hương khẳng định.