Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Khanh, triển khai hiệu quả nhiệm vụ phản biện là dịp để Mặt trận khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội.
Quang cảnh hội nghị phản biện.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh cho biết: Riêng với phản biện, trong 5 năm qua, UB MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức góp ý, phản biện hơn 1.100 văn bản, trong đó Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động đề xuất, tổ chức gần 10 hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Trong năm 2019, nhiều cuộc phản biện được UBND tỉnh đánh giá cao, nghiên cứu, làm căn cứ để có quyết định đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của địa phương, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Như ngày 19/11 vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì phản biện Dự thảo Đề án nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án nhằm thu hút, huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững để thúc đẩy, tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội tiếp cận thuận lợi việc làm và hưởng thụ các thành quả phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần. Việc phát triển nông thôn gắn liền với thúc đẩy các đô thị phát triển, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, tạo môi trường sống tốt hơn cho người dân và thế hệ tương lai. Đồng thời, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều địa phương trong cả nước. Gắn kết giữa phát triển kinh tế với thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Góp ý vào Dự thảo Đề án trên, phía MTTQ tỉnh bày tỏ: Về nhiệm vụ cụ thể, giải pháp còn mang tính chung chung, chưa sát với thực tế. Để có sức thuyết phục cao, trong Đề án, cơ quan soạn thảo cần nêu rõ lộ trình, mục tiêu cụ thể để thực hiện, cân đối lại một số chỉ tiêu về việc làm chất lượng và bền vững cho người lao động phù hợp với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và quy hoạch phát triển của tỉnh. Một số ý kiến phản biện đã chỉ ra nhiều nội dung mục tiêu trùng lặp, các số liệu phân tích, đánh giá thực trạng thiếu thống nhất, thông tin chưa chọn lọc. Đồng thời, bổ sung thêm nhóm giải pháp về phát triển khoa học công nghệ, đưa tỷ lệ nâng cao hiệu quả sử dụng bảo hiểm xã hội, độ che phủ rừng, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động có việc làm, người dân trong độ tuổi lao động thất nghiệp, sự đóng góp của kinh tế tư nhân... vào các nhóm mục tiêu thực hiện Đề án.
Trước đó, tháng 9/2019 Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc phản biện về Dự thảo Đề án “Tăng cường quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025”. Các ý kiến phản biện đề nghị làm rõ hơn về sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn ban hành Đề án. Bên cạnh đó, xem xét các mục tiêu đề ra để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện Đề án, nên giới hạn các loại đường, điều chỉnh các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp cho việc cắm mốc, giải tỏa, bồi thường, giải phóng mặt bằng trong hành lang an toàn giao thông, xây dựng đường gom, đường giao cắt. Mặt khác, Đề án cần công khai, minh bạch từng tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Quy định rõ từng loại đường và nhiệm vụ thực hiện cụ thể, gắn với quy định cụ thể đối với người tham gia giao thông...
Cũng tháng 9/2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức phản biện với Dự thảo Nghị quyết và Đề án của Tỉnh ủy “Về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025”. Phản biện Đề án, các đại biểu cho rằng: Cần phân tích sâu hơn, cụ thể cơ cấu đội ngũ trí thức, nhân tài ở các cấp, các ngành, các địa phương hiện nay. Đồng thời chỉ ra đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh hiện nay còn yếu, còn thiếu đặc biệt là ở những lĩnh vực quan trọng, từ đó đặt ra mục tiêu, nhu cầu sử dụng đội ngũ chuyên gia, những người có trình độ cao ở các ngành, các lĩnh vực để tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về nhiệm vụ xây dựng, phát triển KT - XH…
Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh, thời gian qua công tác phản biện xã hội của MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đi vào nền nếp, có chiều sâu. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của UB MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, trở thành kênh thông tin quan trọng, giúp cấp ủy, chính quyền đưa ra các quyết định đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn của địa phương. “Mặt khác, triển khai hiệu quả nhiệm vụ này còn là dịp để MTTQ khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội”- ông Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh.