Những nẻo đường Mặt trận

Dạ Yến 08/02/2016 08:55

Với người Mặt trận, năm 2015 là một năm dịch chuyển không ngừng với những chuyến đi miệt mài vươn tới nhiều vùng đất, nhiều chân trời mới. Nhưng dù ở đâu, làm việc gì thì trong mọi cuộc hành trình, đích đến cuối cùng vẫn là đoàn kết. Đoàn kết những khát vọng, đoàn kết những yêu thương. 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Hồng y, Thủ tướng Toà thánh Vatican
Pietro Parolin trong cuộc hội kiến tại Roma

1. Thời nào cũng vậy, Mặt trận luôn có lợi thế tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc vì những mục tiêu cao cả. Thời nào cũng vậy, khối đại đoàn kết thông qua Mặt trận luôn có sức mạnh to lớn, lâu bền. Nhưng ở mỗi thời kỳ lại đặt ra cho người làm Mặt trận bài toán vận dụng sức mạnh truyền thống ấy sao cho phù hợp. Cho nên trong mỗi cuộc hành trình, tinh thần đoàn kết vừa được coi là mục tiêu vừa được xem là sức mạnh để người Mặt trận lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Với tinh thần đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định, năm 2015, người Mặt trận đã phát huy trách nhiệm chính trị đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân hoàn thành những nhiệm vụ đề ra.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh hay như Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dù mới về nhận nhiệm vụ nhưng đều cho rằng, không thể nhớ hết những chuyến đi từ Bắc vào Nam, từ miền ngược lên tới miền xuôi rồi ra tới hải đảo…trong suốt một năm qua. Và điều mà các vị Phó Chủ tịch cảm thấy ấn tượng là được dấn thân vào một cuộc hành trình gian khó nhưng không kém phần tự hào trong trọng trách của người Mặt trận.

Năm 2015 là năm gắn với Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, Đại hội Đảng các cấp, gắn với kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Mặt trận. Do đó, Mặt trận có chủ trương tổ chức Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận cấp xã tiêu biểu. Còn nhớ, vào thời điểm đó, chúng tôi tìm gặp Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh để phỏng vấn bà xung quanh sự kiện này nhưng không thực hiện được vì những chuyến đi cứ đan xen. Cho nên, có những bài viết với Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh được thực hiện trong... xe ô tô trên những hành trình dài hàng trăm cây số.

Một trong những điều đọng lại với Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh là việc tổ chức thành công Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận cấp xã tiêu biểu. Bởi từ sự lan tỏa của Hội nghị này, Mặt trận các địa phương tổ chức rất nhiều hình thức biểu dương động viên, khuyến khích cán bộ Mặt trận tham gia thực hiện tốt hơn công tác Mặt trận của mình trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2015, là năm sau Đại hội Mặt trận các cấp và cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp nên sự thay đổi và biến động của cán bộ Mặt trận ở vị trí chủ chốt rất nhiều. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh, dù có biến động về số lượng nhưng chất lượng cán bộ Mặt trận được nâng lên. Điều này thể hiện ở chỗ Đảng và các cấp ủy đã quan tâm đến việc bố trí sắp xếp những vị có trình độ, có năng lực tâm huyết để tham gia vào Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp và phân công làm Chủ tịch Mặt trận từ đó tạo cho Mặt trận có một vị thế mới để thực hiện nhiệm vụ của mình.

“Không thể nhớ hết được những chuyến đi nhưng tôi luôn ghi nhớ những nơi mình đến và những người đã gặp”- đó là điều mà Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện bên lề năm cũ. Có lẽ với Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha, gánh nặng không chỉ đến từ hai vai khi ông vừa là người Mặt trận vừa là đại biểu dân cử, mà còn đến từ những chuyến đi giám sát, trong bối cảnh thiếu người, thiếu phương tiện, thiếu thời gian nhưng vẫn phải quyết tâm triển khai.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha kiểm tra công tác tạm giam, tạm giữ và
thi hành án tại trại giam Đắk Trung tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Anh.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha đã trực tiếp dẫn đầu những đoàn giám sát liên ngành về giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở bao gồm các cơ quan: Hội Luật gia Việt Nam, Đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ đi nhiều nơi như Tây Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa...

“Đến địa phương nơi có những vụ việc xảy ra mới thấy đây là những vấn đề cực kỳ phức tạp, có thể nói có nhiều việc một số địa phương làm không đúng dẫn đến bức xúc trong người dân. Tất nhiên có những việc làm đúng nhưng công tác tuyên truyền, công tác vận động không được tốt, sự vào cuộc của Mặt trận địa phương không quyết liệt, không chủ động nên người dân vẫn không hiểu hết. Do đó người dân không chấp hành. Cho nên qua giám sát mới thấy, còn rất nhiều việc phải làm”- Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha chia sẻ.

Sau giám sát, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha, đoàn đã có nhiều kiến nghị. Kiến nghị về sửa đổi chính sách, kiến nghị về quản lý, điều hành, đồng thời kiến nghị về ứng xử của người dân khi có khiếu nại, tố cáo... “Có đi như thế mới rút ra nhiều kinh nghiệm tốt để lấy đó làm bài học sang năm 2016 triển khai tốt hơn”- Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha khẳng định.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim trong cuộc hội kiến với Phó Chủ tịch,
Tổng Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhân dân Singapore Ang Hak Seng. Ảnh: Lê Na.

2. Matsuo Basho- nhà thơ lỗi lạc của Nhật Bản từng nói: “Mỗi ngày là một cuộc hành trình và cuộc hành trình bản thân nó chính là nhà”. Điều này gợi nhớ đến cuộc hành trình của Đoàn cán bộ cấp cao của UBTƯ MTTQ Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch- Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim đến thăm Singapore.

Những ngày ở Singapore chúng tôi được sống trong không khí đầm ấm mà người Singapore gọi bằng cái tên trìu mến: Great House - Ngôi nhà lớn. Đó chính là Hiệp hội Nhân dân Singapore- một tổ chức tương đồng với MTTQ Việt Nam. Sự tương đồng về mặt lý tưởng của hai tổ chức chính là sợi dây kết nối mối quan hệ từ mỗi thành viên của hai tổ chức trong nhiều năm qua.

Chuyến đi lần này đã vượt xa khỏi suy nghĩ ban đầu vì đích đến không phải một vùng đất mà là một cách nhìn. Hơn 50 năm trước, Singapore chỉ là một bãi đầm lầy sau khi tách khỏi Malaysia. 50 năm sau Singapore trở thành thương cảng thịnh vượng và là miền đất hứa của dòng người nhập cư rất lớn đến từ khắp châu Á. Trong đó chủ yếu là người Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ…

Làm thế nào để một đất nước không có nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng lại trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu của khu vực? Câu hỏi này đã được ông Ang Hak Seng- Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc điều hành Hiệp hội Nhân dân Singapore, giải đáp bằng một mệnh đề ngắn gọn: Đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực vươn lên.

Nếu như không có sự sáng tạo phi thường, chắc chắn Singapore không thể làm được những điều kỳ diệu như thế. Đó cũng là một ví dụ cho thấy sáng tạo là một sức mạnh được sản sinh mạnh mẽ đặc biệt từ trong gian khó và điều này cũng được đúc kết qua kinh nghiệm của Việt Nam như trong việc thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận được hình thành bởi sự sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện sứ mệnh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.Đây là sứ mệnh rất đặc biệt của Mặt trận vì vậy sau khi đất nước giành thắng lợi, Mặt trận vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình để huy động lòng yêu nước, huy động sáng kiến của bất kể ai là con dân nước Việt có chung mục đích vì con đường phát triển đất nước.

Trong dịp kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân từng nói: “Lòng yêu nước là nền tảng chung, đồng thuận phát triển là yếu tố gắn bó nhưng phát huy sáng kiến của hàng triệu người và sáng kiến đó được phối hợp với nhau, tích hợp với nhau sẽ tạo nên sức mạnh mới của dân tộc. Bài học đó còn có giá trị lâu dài”.

Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trao quà từ thiện cho người nghèo tại Cần Thơ. Ảnh: Quốc Anh.

3. Nhớ lại mùa Noel 2015, rong ruổi trên QL14 chạy dọc các tỉnh từ Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk…chuyến đi của người đứng đầu Mặt trận tới thăm đồng bào công giáo vùng Tây Nguyên đã để lại nhiều dấu ấn trong sự đoàn kết và yêu thương.

Gặp Hiệp sĩ- Đại Thánh Giá Lê Đức Thịnh giữa cao nguyên lộng gió, ông xúc động chia sẻ, chuyến thăm của Chủ tịch Mặt trận mang đến một thông điệp: dù rằng chúng ta còn nhiều khó khăn ở phía trước, còn nhiều khác biệt, nhưng với niềm tin và sự đoàn kết, chúng ta không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt tôn giáo, xoá bỏ những cách biệt cùng yêu thương nắm tay nhau vì những sự chung của đất nước, của dân tộc.

Đoàn kết và yêu thương. Điều này cũng hiện sinh cho tinh thần đổi mới của Cộng đồng Vatican II được các Giám mục Việt Nam triển khai trong Thư chung 2001: “Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc, đồng cảm chia sẻ hy vọng lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người”.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh thăm và làm việc tại đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Hoàng Long.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican ngày càng có nhiều tiến triển tốt đẹp. Cuộc hội kiến giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Nguyễn Thiện Nhân và Hồng y, Thủ tướng Vatican Pietro Parolin tại Rome hồi giữa năm 2015 chính là một trong những dấu ấn tốt đẹp, hiện sinh cho tinh thần đó khi hai bên cùng nhắc lại huấn thị của Giáo hoàng Francis: Người Công giáo Việt Nam phải là công dân tốt, người Công giáo Việt Nam phải là người yêu nước, đồng hành cùng dân tộc để xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc”.

Đó cũng chính là nền tảng để hai bên nhất trí cho rằng, cần tiếp tục duy trì các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa lãnh đạo Việt Nam và Tòa thánh Vatican, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh Vatican và Chính phủ Việt Nam.

Chia sẻ về những dự cảm tốt lành sau chuyến thăm đặc biệt này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, MTTQ Việt Nam nhận thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu là điểm gặp nhau tương đồng của tất cả các tôn giáo. Đó cũng là lý do để Mặt trận tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc phát huy các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào hồi cuối tháng 11 tại TP Huế.

4. Hội nghị toàn quốc Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu do UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu Trợ giúp Việt Nam- NCA phối được xem là một dấu mốc lịch sử.

Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc phát huy vai trò các
tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Hoàng Long.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình, chưa khi nào một hội nghị toàn quốc về phát huy vai trò các tôn giáo được tổ chức trước một vấn đề vừa cấp thiết, vừa mang tính chiến lược: Đó là cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, mà ở đó, lãnh đạo của tất cả các tôn giáo ở Việt Nam cùng bàn bạc và đi đến thống nhất hành động bằng những thông điệp của từng tôn giáo, bằng Cam kết của các tôn giáo và bằng một Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị diễn ra tại cố đô Huế đúng vào thời điểm Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại thủ đô Paris, nước Pháp. Nhưng những thông điệp của hai hội nghị này, dù nhỏ bé, dù lớn lao đến đâu, dù Paris và Huế ở hai châu lục hoàn toàn cách biệt thì cuối cùng vẫn chung một khát vọng: bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh trao quà hỗ trợ cho đồng bào bị thiệt hại
do bão, lũ tại TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Long.

Bởi vậy, đối với nhiều người, việc được có mặt tại Hội nghị giống như một món quà. Bà Anne Marie Helland- Tổng Thư ký toàn cầu của tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam- NCA, người đã từ chối không tham dự COP21 để đến Huế cũng vì nhân duyên đó.

Điều cuốn hút bà Tổng Thư ký toàn cầu của NCA đến với hội nghị này còn vì một lẽ mà theo bà đánh giá là chưa bao giờ được chứng kiến, chưa có một đất nước nào trên thế giới này làm được khi tất cả các tôn giáo cùng ngồi lại với nhau dưới sự huy động của Mặt trận để bàn về một câu chuyện lớn lao mà cả nhân loại đang phải đối mặt.

Chỉ riêng hình ảnh đó thôi đã trở thành một thông điệp mạnh mẽ mà người Việt Nam muốn gửi tới bạn bè quốc tế như lời khẳng định của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: “Hậu quả của biến đổi khí hậu là khôn lường, đã đến lúc phải tập hợp thành sức mạnh đoàn kết của các lực lượng, trong đó có các tôn giáo để nhận trách nhiệm của mình trong khắc phục hậu quả và bảo vệ môi trường sống cho hôm nay và mai sau”.

Hôm nay - mai sau, vì sứ mệnh đoàn kết những khát vọng và yêu thương, người Mặt trận lại tiếp tục dấn thân trên những nẻo đường gian khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những nẻo đường Mặt trận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO