Minh bạch thị trường mỹ thuật

Minh Quân 12/05/2020 08:00

Mỹ thuật Việt Nam trong những năm qua đã và đang ghi nhận nhiều tác phẩm được mua với giá “khủng” tại các sàn đấu giá trong nước và quốc tế. Lợi nhuận cao khiến nhiều người mờ mắt, làm tranh giả, tranh sao chép, tranh nhái. Cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Minh bạch thị trường mỹ thuật

Bức tranh Diễn viên chèo của họa sĩ Bùi Xuân Phái được chép lại để đấu giá.

Mới đây, giới mỹ thuật Việt Nam đã vô cùng bất ngờ khi bức tranh sơn mài “Cắt lúa” được cho là của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung và bức tranh bột màu trên giấy “Diễn viên chèo” của họa sĩ Bùi Xuân Phái được Drouot đấu giá trực tuyến. Điều đáng nói là cả hai bức tranh trên đều là giả và đã được “xào xáo” khá lộ liễu. Trong đó, bức tranh sơn mài “Cắt lúa” được sao chép lại từ bức tranh lụa “Mùa gặt” của chính họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Cho dù bức tranh “Mùa gặt” hiện đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Còn với bức tranh “Diễn viên chèo” của danh họa Bùi Xuân Phái, theo nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật, chỉ thẩm định bằng mắt cũng đã đủ khẳng định đây chỉ là bức tranh chép, thậm chí người vẽ trình độ kỹ thuật còn kém.

Trước đó, họa sĩ Nguyễn Thụ cũng đã phải lên tiếng kêu cứu vì tác phẩm và tên của mình đã bị làm giả mạo và được bán công khai trên sàn đấu giá quốc tế. Theo đó, dù cả đời không vẽ một bức sơn mài nào nhưng mới đây, nhà đấu giá Aguttes (Pháp) đã công khai rao bán một bức tranh sơn mài mang tên Nguyễn Thụ.

Chỉ với một vài dẫn chứng mới có thể thấy vấn nạn tranh giả, tranh sao chép, tranh nhái của Việt Nam đang “trôi nổi” trên thị trường trong và ngoài nước không phải là chuyện hiếm. Bằng nhiều cách thức khác nhau những bức tranh hàng “fake” đang dễ dàng qua mắt các nhà thẩm định để góp mặt ở các phiên đấu giá. Thậm chí nhiều bức tranh giả đã được các nhà sưu tầm mua ở một phiên đấu giá trước đó sau khi có giấy chứng nhận lại “đàng hoàng” xuất hiện ở phiên đấu giá sau đó. Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật thì hiện có các hình thức tác phẩm nghệ thuật bị sao chép phổ biến ở Việt Nam đó là các Gallery có đội ngũ chuyên gia chép tranh, họ nhận tranh của nghệ sĩ hợp tác với một thỏa thuận giá nhất định, sau đó để đội ngũ chép tranh chép lại tác phẩm của nghệ sĩ, đề tên nghệ sĩ và bán bản sao cho nhà sưu tập trong khi bản gốc vẫn còn ở Gallery. Bản thân nghệ sĩ không có cách nào biết được về việc bán các bản sao này và cứ nghĩ rằng tranh của mình không thể bán được. Ngoài ra các Gallery tìm kiếm hình ảnh các dòng tranh phổ biến dễ được thị trường chấp nhận, tiến hành sao chép và bán với số lượng lớn mà không xin phép tác quyền của tác giả. Có thể họ cũng không biết tác giả là ai. Gallery khai tách hình ảnh tác phẩm của các nghệ sĩ tên tuổi lớn, đặc biệt là các nghệ sĩ đã quá cố và bán với giá thành rẻ. Chính điều này vô hình chung làm giảm giá trị thương mại của tác phẩm nghệ thuật.

Nhìn nhận về thực trạng này, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng: Việt Nam đang rất thiếu cơ quan trung gian giữa nghệ sĩ và công chúng, nhà sưu tầm. Nếu nghệ sĩ tiếp tục giao dịch mua và bán tác phẩm trực tiếp thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tính chất sáng tác chiều theo ý muốn của người mua. Vấn đề chính cần quan tâm là chất lượng sáng tác và khả năng thương mại đến đâu, nhưng hai vấn đề này nhiều khi không song hành với nhau.

Còn theo họa sĩ Lý Trực Sơn, thị trường nghệ thuật Việt Nam từ trước đến giờ có một vấn đề nổi cộm là không minh bạch về hình ảnh và giá cả của tác phẩm nghệ thuật dẫn đến nạn sao chép tác phẩm nghệ thuật và nạn làm giá tác phẩm. Nghệ sĩ bán tác phẩm qua các kênh Gallery offline chịu sự phụ thuộc rất lớn đối với Gallery về việc tiếp thị hình ảnh của bản thân tới nhà sưu tập, bị sao chép tranh bất hợp pháp và bị ép giá bán tranh. Ví dụ các Gallery sẽ thương thảo với nghệ sĩ một mức giá niêm yết ban đầu và nghệ sĩ sẽ đồng ý với tỉ lệ phần trăm doanh thu về từ tác phẩm đó của mình. Nhưng sau đó Gallery sẽ cố gắng bán tác phẩm đó với mức giá cao nhất có thể, đôi khi là cao hơn nhiều so với mức giá thỏa thuận ban đầu với nghệ sĩ. Nghệ sĩ hoàn toàn không được biết về giá bán thực sự của tác phẩm của mình và tất nhiên cũng không được chia sẻ số phần trăm lợi nhuận chênh lệch.

Nhìn chung lại, thị trường mỹ thuật Việt Nam dù đang phát triển nhưng đang định dạng bởi khái niệm đơn thuần là có người vẽ thì sẽ có người mua tác phẩm. Chính khái niệm này đã tạo ra hệ lụy là tác giả nào muốn sống được bằng nghề phải phụ thuộc vào thỏa thuận thị trường. Điều này dẫn đến hoạt động sáng tác bị mất đi chỗ dựa bền vững, nhiều tác phẩm chất lượng không được khẳng định. Từ đó công chúng yêu nghệ thuật, trong đó có các nhà sưu tập, giới họa sĩ cũng bày tỏ sự băn khoăn, hoài nghi và cho rằng việc giám định tranh giả- tranh thật là cực kì khó... Bởi lẽ, công việc giám định đòi hỏi những nhà phong cách học, nghiên cứu chuyên sâu, nhất là trong thực trạng nền mỹ thuật nước ta đang tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, với khối lượng tác phẩm đồ sộ nhưng chất lượng lại chưa đáng kể.

Để giải quyết một phần nào đó vấn nạn này, Giám đốc Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn Auction House Vũ Tuấn Anh cho rằng, hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có luật, nhưng rõ ràng, nhiều điều thuộc về hoạt động nghệ thuật còn rất mới mẻ ở Việt Nam, ví dụ như câu chuyện bản quyền hay nguồn gốc của tác phẩm... Tuy nhiên, đối sánh với thực tế cần có những quy định như thế nào? Chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ thị trường nghệ thuật phát triển, hỗ trợ cộng đồng nghệ sĩ ra sao? Hay sự phối hợp liên ngành khi câu chuyện ở đây có liên quan đến công an, hải quan, vận chuyển, xuất nhập tác phẩm nghệ thuật?... Những câu hỏi đó cho thấy để thị trường nghệ thuật phát triển, chúng ta còn nhiều việc phải làm, trong đó có vấn đề thể chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch thị trường mỹ thuật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO