Mở đường cho nền nông nghiệp hiện đại: Hóa giải vướng mắc

Trần Duy Hưng 17/07/2016 05:58

Trong khi đời sống tam nông đang có những diễn biến, thay đổi thuận lợi, mở đường cho việc tích tụ ruộng đất (nhiều lao động nông nghiệp rời bỏ sang làm việc ở nhiều lĩnh vực khác) thì có một thực tế nhiều cá nhân, doanh nghiệp (ND) lại đang gặp khó khăn trong việc thu gom, tích tụ ruộng đất để đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp tập trung, quy mô lớn...

Tích tụ ruộng đất để phát triển nền nông nghiệp tiên tiến. Ảnh: DNSG.

Xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã kiểu mới được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặc biệt coi trọng. Tháo gỡ những khó khăn để kinh tế nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới, đời sống người nông dân no đủ- đó là khát vọng của người Mặt trận cũng như cả nước. Mở đường cho một nền nông nghiệp hiện đại cần có sự chung tay của toàn xã hội, sự vận động tự thân của khu vực nông thôn, trong đó có việc tích tụ ruộng đất và chung tay cùng doanh nghiệp để tiến lên sản xuất lớn.

Trong khi đời sống tam nông đang có những diễn biến, thay đổi thuận lợi, mở đường cho việc tích tụ ruộng đất (nhiều lao động nông nghiệp rời bỏ sang làm việc ở nhiều lĩnh vực khác) thì có một thực tế nhiều cá nhân, doanh nghiệp (ND) lại đang gặp khó khăn trong việc thu gom, tích tụ ruộng đất để đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp tập trung, quy mô lớn...

Tâm lý giữ đất

Trong một buổi làm việc mới đây tại tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chia sẻ: trong thời gian ông còn công tác ở tỉnh, có một số DN tìm đến ông, đề nghị được đầu tư một số dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.

”Họ nói với tôi rằng, bây giờ chúng em không lo thiếu vốn, cũng không lo thiếu kỹ thuật, công nghệ mà chỉ lo không có đất để thực hiện”- ông kể. Với những khó khăn, vướng mắc trong việc thu gom, tích tụ ruộng đất, khi đó ở cương vị Bí thư Tỉnh ủy ông Phạm Hồng Hà cũng không thể có ngay câu trả lời thỏa đáng cho các DN.

Trong khi đó, vì nhiều lý do, một bộ phận khá lớn người dân được giao quyền sử dụng ruộng đất hiện không có nhu cầu canh tác. Theo lẽ thường, người có quyền canh tác nhưng không có nhu cầu và người có nhu cầu nhưng không có ruộng đất thì phải gặp, phải bắt tay, liên kết với nhau để cùng chia sẻ lợi ích. Nhưng thực tế lại chưa có nhiều những cái bắt tay như vậy. Nguyên nhân do đâu?

Đầu tiên có lẽ nằm ở tâm lý chung của những người được giao ruộng đất, dù nhiều người đã chuyển đổi, sinh sống bằng nhiều công việc, ngành nghề khác nhưng vẫn cố giữ bằng được số ruộng đất được giao, với tâm lý nếu gặp thất bại, rủi ro vẫn còn đường lùi về làm ruộng. Vì thế, họ cho người thân, con cháu trong gia đình, dòng họ, xóm giềng thân cận thuê, mượn lại, kể cả bỏ ruộng không...

Nguyên nhân khác là do các DN ngại đầu tư vào nông nghiệp, do mức độ rủi ro cao, lãi suất thấp.

Trong buổi làm việc mới đây với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Phùng Hoan- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: Thời gian qua có hai tập đoàn kinh tế lớn là Vingroup và Hòa Phát về Nam Định triển khai đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thu gom đất, cả phía chính quyền và DN đều gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Không giống như quy trình triển khai một dự án công nghiệp, để có đất thực hiện các dự án nông nghiệp, chính quyền tỉnh và DN phải thực hiện cơ chế vận động nông dân cho DN thuê lại ruộng đất.

Để “gom” được 140 ha đất bãi ở xã Xuân Hồng (Xuân Trường) phục vụ dự án sản xuất rau sạch, Vingroup đã phải vận động, đàm phán việc thuê ruộng đất với tổng cộng 3.000 hộ nông dân ở địa phương. Trong số 3.000 hộ này, có hộ đồng ý cho thuê, có hộ không.

Khi đó chính quyền phải thực hiện thêm một thao tác rất khó khăn, phức tạp là dồn đổi ruộng đất của những hộ đồng ý cho thuê tập trung về một nơi, dồn đổi ruộng đất của những hộ không đồng ý về một nơi, sau đó mới có mặt bằng bàn giao cho DN.

Có lẽ vì thế mà với việc tích tụ ruộng đất, theo TS Đặng Kim Sơn- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn: trước hết phải giải quyết được vấn đề đầu ra của số lao động khu vực nông nghiệp khi họ rời bỏ khu vực này, không thể để họ gặp rủi ro hoặc thu nhập thấp.

Theo ông Sơn, chỉ khi nào số lao động này gia nhập được vào khu vực lao động chính thức (có hợp đồng lao động, được trả lương, đóng các loại bảo hiểm) khi đó họ mới có nhu cầu cho thuê, sang nhượng hay góp vốn, cổ phần bằng ruộng đất. Việc tích tụ ruộng đất khi đó mới có điều kiện thuận lợi để triển khai...

Vẫn theo ông Sơn, đã đến lúc phải tạo điều kiện, thúc đẩy thị trường về ruộng đất vận hành; tạo điều kiện, khuyến khích những người làm ăn giỏi được mua ruộng đất; tạo điều kiện cho những DN có điều kiện, khả năng thuê được ruộng đất với điều kiện sau đó đất đai chỉ được người mua, người thuê sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp.

Đi liền với việc này, nhà đầu tư, DN cần kêu gọi nông dân góp vốn, góp cổ phần bằng ruộng đất; tạo điều kiện để những người có đủ điều kiện, khả năng được vào làm việc tại các dự án nông nghiệp do DN đầu tư, được trả lương và được đóng các loại bảo hiểm. Đặc biệt, cần tạo ra được hành lang pháp lý thông thoáng, đảm bảo quá trình mua bán, sang nhượng, góp cổ phần bằng ruộng đất diễn ra thuận lợi, thủ tục đơn giản, chi phí thấp, kết quả được pháp luật công nhận, bảo hộ cao...

Cái bắt tay ”lịch sử”

Liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất trong quá trình biến đổi của nông thôn, nông nghiệp và để phù hợp với xu thế hội nhập, có thể nêu ra nhiều dẫn chứng thực tế, trong đó điển hình là ở Nam Định và Hà Nam- khu vực nông thôn truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Mấy năm nay, ở tỉnh Nam Định, mô hình liên kết làm ăn Công ty Cường Tân (xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh) với nông dân một số huyện phía nam tỉnh được nhắc đến như một điển hình về hiệu quả tích tụ ruộng đất cũng như hiệu quả liên kết.

Cách thức của mô hình được tóm tắt như sau: nông dân cho công ty thuê lại ruộng đất. Sau khi thuê được ruộng đất, Cty dồn đổi thành những cánh đồng lớn, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất. Sau đó, trên cơ sở đăng ký, Cty giao lại ruộng đất cho các hộ nông dân có nhu cầu, khả năng để sản xuất lúa giống theo quy trình kỹ thuật và giám sát của Cty. Sản phẩm lúa giống do các hộ nông dân làm ra được Cty thu mua lại theo hợp đồng và tổ chức tiêu thụ.

Lúc đầu, không khỏi có nhiều ý kiến băn khoăn, do dự, rằng nếu thất bại sẽ không biết ăn nói thế nào với bà con. Phải đến khi mô hình được thử nghiệm thành công trên quy mô nhỏ, khẳng định mang lại thu nhập cao hơn hẳn cho nông dân so với phương thức sản xuất đơn lẻ trước đây, lãnh đạo các địa phương mới thực sự nhập cuộc, tuyên truyền, vận động nông dân địa phương tham gia.

Sau 8 năm triển khai, từ chỗ chỉ có một số hộ tham gia, đến nay đã có tổng cộng trên 1.000 hộ nông dân ở các huyện phía nam tỉnh Nam Định tin tưởng, cho Cty thuê hơn 300ha đất và cùng hợp tác sản xuất lúa giống trên quy mô lớn.

Còn ở tỉnh Hà Nam, mô hình tích tụ ruộng đất mới đây mới xuất hiện nhưng là “sản phẩm” của một chương trình chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, tỉnh này đã xây dựng một đề án riêng về tích tụ ruộng đất; quy hoạch được gần 964 ha ruộng đất thuộc địa bàn TP Phủ Lý, các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục để xây dựng thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại đã có một số DN của Nhật Bản tìm sang, hợp tác đầu tư với một số dự án đã được triển khai...

Tìm hiểu tại mô hình sản xuất rau củ quả sạch, công nghệ cao, do Cty An Phú Hưng liên kết với một số hộ nông dân ở xã Nhân Khang (Lý Nhân) thực hiện, được biết mô hình mới được triển khai tại đây từ đầu năm 2015. Thay bằng ngô lúa như thường thấy, trên cánh đồng phía trước các xóm 2, 3, 4, 5 của xã Nhân Khang giờ đây mọc lên một khu sản xuất nông nghiệp khá hiện đại, áp dụng công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Nhật Bản.

Theo đó, một số loại cây rau màu đang được Cty tổ chức sản xuất trong nhà lưới. Các khâu tưới, làm đất, vận chuyển đều được tự động hóa, cơ giới hóa. Sản phẩm bắp cải, khoai tây, cà chua…đều được đóng gói, mang thương hiệu “Kisuki An Phú Hưng” và được vận chuyển lên tiêu thụ ở một số siêu thị tại Hà Nội.

Theo Giám đốc điều hành Cty, trước đó, nhờ có sự hậu thuẫn tích cực của chính quyền, giữa một số hộ nông dân xã Nhân Khang và Cty đã có “cái bắt tay lịch sử”.

Theo cam kết giữa hai bên, nông dân cho Cty thuê lại ruộng đất trong 20 năm để công ty tổ chức sản xuất. Những người có nhu cầu, đủ điều kiện được công ty tuyển dụng vào làm việc. Bằng cách này, ở giai đoạn thử nghiệm, Cty đã tích tụ được hơn 23 ha đất trong tổng số 100 ha theo dự kiến, triển khai việc đầu tư, sản xuất.

Từ đó đến nay, đã có 70 nông dân trong xã có ruộng cho Cty thuê đã được công ty tuyển dụng vào làm việc, trở thành công nhân nông nghiệp, làm việc trên chính thửa ruộng của mình. Nói như chị Nguyễn Thị Huệ (xóm 9, một trong số các hộ có ruộng cho thuê) thì từ khi tham gia dự án cuộc sống của chị đã có nhiều thay đổi. Ngoài thu nhập từ việc cho thuê 3 sào ruộng (trị giá tiền bằng giá 120 kg ngô/sào/năm), hiện chị còn được trả 3,8 triệu đồng lương/tháng; cao hơn nhiều so với thu nhập của gia đình từ sản xuất 2 vụ ngô, một vụ lúa trước đây.

Được biết, liên quan đến việc tích tụ ruộng đất, cho DN thuê để liên kết sản xuất, chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Nam đã có nhiều buổi đối thoại với nông dân; trong đó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã trực tiếp tham gia đối thoại. Chính quyền tỉnh khẳng định: không ép mà chỉ khuyến khích người dân tự nguyện tích tụ ruộng đất, liên kết làm ăn với DN.

Hy vọng, từ thực tế tích tụ ruộng đất đang diễn ra ở một số địa phương sẽ mang lại những gợi mở thiết thực cho việc hoạch định các chính sách mới về nông nghiệp, nhất là chính sách về tích tụ ruộng đất...

Cùng với việc thu gom, tích tụ ruộng đất để đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp tập trung, quy mô lớn thì Hợp tác xã kiểu mới được cho là sẽ giải quyết hiệu quả các vấn đề đang tồn tại ở nhiều khu vực nông thôn với thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ - nguyên nhân chính khiến người nông dân không làm giàu được trên chính đồng đất quê hương mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở đường cho nền nông nghiệp hiện đại: Hóa giải vướng mắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO