Mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á trước thời khắc lịch sử - Bài 4: Lối đi nào khi dừng dự án tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê?

NHÓM PHÓNG VIÊN 03/07/2022 05:02

“Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế” là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, Nhà nước ta trong suốt thời gian qua. Tái khởi động hay chấm dứt Dự án đầu tư và khai thác tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê chính là lựa chọn giữa môi trường và kinh tế, giữa cái lợi trước mắt với sự phát triển bền vững, giàu mạnh. Ý chí của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân Hà Tĩnh là chấm dứt dự án lúc này để dành cho con cháu đời sau.

Đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi nhìn từ trên cao.

Chỉ có người máy mới có thể khai thác

“Khai tử” Dự án đầu tư và khai thác tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê là nguyện vọng của người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp Hà Tĩnh. Những hệ lụy người dân vùng mỏ gánh chịu kể từ khi mới manh nha đến nay đủ để đánh giá giữa được và mất của dự án. Trong khi đó, nếu tái khởi động dự án, theo các chuyên gia, kỹ thuật và nguồn lực của chủ đầu tư vẫn còn “bỏ ngỏ”.

Là người từng trực tiếp chứng kiến và nghe các nhà khoa học ở Liên Xô sang thăm dò khoáng sản ở mỏ sắt Thạch Khê phân tích, ông Hồ Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh cho biết, khai thác mỏ sắt Thạch Khê chỉ có con đường duy nhất là đào lộ thiên, không thể đào hang vì phía dưới lòng đất có chằng chịt các mạch nước ngầm, nếu đào hang sẽ phạm mạch nước ngầm làm sập hang. Còn khai thác lộ thiên thì cả khu vực này sẽ bị đào xới lên và không ai có thể sống được ở nơi này nữa.

“Đào lộ thiên thì theo tỷ lệ 1:5, nghĩa là mỗi một tấn quặng sẽ phải đào bóc tách 5 tấn đất, đá. Mà cái này đổ đi đâu, chỉ có thể đổ lấn biển.Khi đổ xuống biển toàn bộ hệ sinh thái dưới đó bị diệt vong. Mà dưới mỏ không chỉ có sắt còn có chì, kẽm, thủy ngân… những chất này sẽ hủy hoại môi trường là điều hiển nhiên. Hơn nữa, với tiềm lực kinh tế hiện nay của nhà đầu tư liệu có đáp ứng được không, đây là vấn đề đáng bàn” - ông Hồ Việt Anh nói.

Mặt khác, ông Hồ Việt Anh cũng cho rằng, theo vecto gió hướng Đông - Bắc sẽ thổi toàn bộ bụi mịn vào TP Hà Tĩnh, chưa nói là tụt nguồn nước ngầm cũng sẽ lan sang cả thành phố, trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh Hà Tĩnh.

Tiếp lời, ông Nguyễn Công Tùng Lâm - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho hay, đặc điểm của mỏ sắt Thạch Khê khác với các mỏ khác trên thế giới đó là mỏ ở vùng đồng bằng, sát biển còn các mỏ khác thường là ở vùng núi.

Mỏ sắt Thạch Khê nằm sâu trong lòng đất, rốn của mỏ nằm sâu trung bình -350 m so với mực nước biển. Hiện tại, công nghệ bây giờ không thể khai thác được vì muốn lấy sắt lên phải có con người xuống để tìm cách treo vào máy đưa lên. Nếu xuống sâu áp suất rất lớn, con người chỉ xuống sâu so với mực nước biển khoảng -27 m, quá ngưỡng này con người sẽ bị áp suất làm vỡ lồng ngực, nguy hiểm đến tính mạng.

“Theo tôi, công nghệ đến thời điểm hiện tại không thể khai thác được mỏ sắt Thạch Khê, chỉ có người máy mới có thể khai thác được. Khi nào nước ta có công nghệ người máy thay thế con người thì khi đó hãy nghĩ đến khai thác mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này” - ông Nguyễn Công Tùng Lâm nói.

Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng ở khu du lịch Quỳnh Viên.

Nên phát triển theo hướng bền vững

Thiên nhiên không chỉ ưu ái cho vùng đất bãi ngang Thạch Hà một mỏ sắt trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á mà còn ban tặng cho Hà Tĩnh cả quần thể di tích, thắng cảnh tuyệt trần.

Ngay vùng trung tâm mỏ sắt Thạch Khê là khu du lịch biển Thạch Hải của huyện Thạch Hà. Bãi biển hoang sơ, đẹp đẽ này chỉ nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 10 km, đây là một trong những bãi biển đẹp với bờ cát trắng thoải, nước biển trong xanh. Ở đây không chỉ có biển mà còn có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với vẻ đẹp huyền bí của dãy núi Nam Giới với quần thể di tích, danh thắng gắn liền với truyền thuyết Tiên Dung, Chử Đồng Tử.

Cũng là một điểm nhấn cảnh quan nằm cách bãi biển Thạch Hải không xa, dãy núi Quỳnh Viên và Đền Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi là danh thắng thiên nhiên và di tích lịch sử đẹp nhất của tỉnh Hà Tĩnh nói chung và huyện Thạch Hà nói riêng. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái không chỉ bởi vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của núi rừng, sông nước hữu tình mà nơi đây còn là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa tâm linh với bao thăng trầm của lịch sử đất nước.

Đền Thờ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi còn gọi là Đền Võ Mục, ngôi đền tọa lạc ở lưng chừng Tây Nam ngọn Long Ngâm, thuộc dãy núi Quỳnh Viên - Nam Giới. Đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi, một vị tướng tài ba của dân tộc, người có công lớn giúp vua Lê đánh giặc giữ nước.

Nêu ý tưởng về lợi thế để phát triển du lịch ở vùng mỏ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đỉnh Bàn Phạm Công Hoa chia sẻ: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về hướng phát triển của địa phương nếu dừng dự án và nhiều lần đưa ra ý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái bởi địa phương có rất nhiều lợi thế”.

Theo ông Hoa, nếu dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, địa phương sẽ đề xuất xây dựng hệ thống thủy lợi nối từ moong mỏ về và sẽ giải quyết được bài toán thiếu nước sản xuất. Còn về hướng phát triển bền vững, có lợi cho bà con nhất đó là tập trung phát triển du lịch sinh thái bởi riêng xã Đỉnh Bàn có 17 di tích lịch sử - văn hóa, có sông Rào Cái chảy qua, hai bên dòng sông người dân có thể phát triển các sản phẩm du lịch địa phương, tạo thành tour tuyến du lịch kết nối khu du lịch biển Thạch Hải, Quỳnh Viên, du lịch tâm linh đền Lê Khôi…

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh Hồ Việt Anh cho rằng, nếu khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì đừng nghĩ đến chuyện du lịch, nó sẽ ảnh hưởng đến cả huyện Lộc Hà, Kỳ Anh của Hà Tĩnh và còn lan sang cả tỉnh Quảng Bình.

Khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ có lợi về kinh tế trước mắt nhưng phá hủy toàn bộ khu vực này, biến nơi đây thành hoang mạc. Nhưng nếu dừng khai thác, lựa chọn phát triển du lịch sẽ có hướng phát triển bền vững. Tất nhiên, phát triển du lịch không phải một lúc là làm được ngay mà phải có thời gian, có sự đầu tư, kế hoạch, định hướng cụ thể.

Mặt khác, qua nghiên cứu các tài liệu, đặc biệt là trong “Truyền kỳ mạn lục”, ông Hồ Việt Anh phát hiện, núi Nam Giới - Quỳnh Viên là nơi phát tích đầu tiên của Phái Tiểu thừa trong đạo Phật với những dấu tích của Tiên Dung và Chữ Đồng Tử.

Vấn đề này sắp tới huyện Thạch Hà tổ chức hội thảo, qua đó sẽ làm rõ hơn những huyền tích bí ẩn nơi đây. Điển tích này hứa hẹn sẽ là điểm nhấn du lịch tâm linh của vùng đất Thạch Hà, nơi có mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji thực hiện dự án khu du lịch biển cao cấp Wyndham Costa Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư hơn 952 tỷ đồng tại vùng biển Thạch Văn, Thạch Trị của huyện Thạch Hà.

Mục tiêu của dự án nhằm phát huy tối đa tiềm năng về đất đai, ưu thế của du lịch biển góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch, đồng thời cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt cho dân cư địa phương. Dự án sẽ liên kết với các khu du lịch hiện có như khu du lịch Thạch Hải, khu du lịch Quỳnh Viên, khu du lịch Thiên Cầm... nhằm tạo nên một quần thể du lịch đa dạng về màu sắc và loại hình.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á trước thời khắc lịch sử - Bài 4: Lối đi nào khi dừng dự án tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO