Mùa mưa đến, đất sản xuất bị sình lầy, xói lở. Mùa nắng thì bị cát lấp; nguồn nước ô nhiễm, tụt nước ngầm, thiếu nước trầm trọng; đất ở không được cấp; đất đai đã kiểm đếm nhưng không được đền bù; không có việc làm, người lao động phải tha phương cầu thực; công trình nhà nước không được đầu tư xây dựng;… Đó là những hệ lụy từ dự án “treo” khiến gần 6.000 hộ dân với 27.000 nhân khẩu ở 5 xã bãi ngang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phải gánh chịu trong hơn một thập kỷ qua.
Hệ lụy khôn lường
Giữa cái nắng chói chang, sức nóng hắt lên từ mặt đường đầy cát trắng, bụi bay mù mịt càng khiến con đường về với người dân vùng mỏ sắt Thạch Khê của chúng tôi thêm phần xa xôi. Chứng kiến cuộc sống người dân “sống mòn” cả thập kỷ giữa dự án “treo” để thấy sự khắc nghiệt của thời tiết không thấm vào đâu so với những hệ lụy của dự án để lại cho họ.
Vùng đất ở 5 xã bãi ngang (Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Trị, Thạch Hải, Đỉnh Bàn) của huyện Thạch Hà vốn là nơi thơ mộng, trữ tình với nhiều lợi thế phát triển nông - lâm - ngư, du lịch, kinh doanh - thương mại, dịch vụ. Thế nhưng, kể từ khi Dự án Đầu tư và khai thác tuyển quặng sắt mỏ sắt Thạch Khê (Dự án mỏ sắt Thạch Khê) triển khai và tạm dừng đến nay, vùng đất với nhiều tiềm năng này thay đổi hoàn toàn theo hướng… thụt lùi.
Nguồn nước nhiễm phèn, thiếu hụt nước ngầm, đất đai khô cằn, mùa vụ kém hiệu quả, cuộc sống hàng chục nghìn người bị đảo lộn vì thiếu công ăn việc làm…
“Sau khi mỏ sắt khai thác, ở đây bắt đầu xuất hiện tình trạng tụt nước ngầm, nhiễm phèn, càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Đất trồng lúa không thể trồng được nên chúng tôi phải chuyển sang trồng hoa màu nhưng năng suất rất thấp. Nước sinh hoạt không có buộc phải đi mua nước sạch về dùng” - bà Nguyễn Thị Phú (75 tuổi) - người dân thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn cho biết.
Cũng theo bà Phú, do vướng quy hoạch Dự án mỏ sắt Thạch Khê nên nhiều diện tích đất của bà và người dân trong thôn không được đền bù cũng không được cấp thêm khiến nhiều gia đình phải sống chật vật với 3-4 thế hệ cùng sống trong một nhà.
Chỉ tay vào ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, nơi bà Phú cùng 6 người trong gia đình (cả con và cháu) chung sống bao năm qua, bà Phú bùi ngùi: “Tôi lo thế hệ con, cháu sau này phải sống trong cảnh ô nhiễm, phải bỏ xứ đi kiếm việc làm”.
Ngay cạnh nhà bà Phú là ngôi nhà để hoang, cả ngôi nhà chỉ chực sập xuống. Bà Phú cho biết, đó là căn nhà của đôi vợ chồng trẻ nhưng khi người chồng chết vì ung thư thì người vợ cũng vào miền Nam làm thuê kiếm sống, nuôi con vì một thân một mình bám trụ ở đất này không đủ cái ăn nói gì đến nuôi con ăn học.
Tượng tự, ông Nguyễn Đình Sách (59 tuổi) - người dân thôn Thượng Hải, xã Thạch Hải cho biết, sau khi chủ đầu tư đưa máy móc về khai thác mỏ, những tưởng mọi thứ sẽ tốt hơn. Thế nhưng gần 15 năm qua, hàng nghìn hộ dân vùng dự án chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà thiếu thốn đủ bề, nước ngọt nhiễm phèn, không nghề nghiệp, đất sản xuất bị vùi lấp… nhiều người phải bỏ xứ đi kiếm sống.
“Cuộc sống túng thiếu, những lao động trụ cột của gia đình rời quê tìm kiếm việc làm để có cái ăn, cái mặc. Ở nhà giờ chỉ có người già, trẻ nhỏ nếu lỡ có việc gì cũng chưa biết gọi ai. Từ ngày triển khai Dự án mỏ sắt Thạch Khê, cuộc sống bị đảo lộn, chúng tôi cũng kêu nhiều nhưng có thấy giải quyết được gì đâu” - ông Sách nói.
Còn ông Nguyễn Văn Yên (60 tuổi) - trú tại thôn Tân Phú, xã Thạch Khê cho hay, sau khi chính quyền có chủ trương tạm dừng xây dựng các công trình trong vùng mỏ, chủ đầu tư tiến hành bóc đất tầng phủ rồi tạm dừng, đời sống sinh hoạt của nhân dân trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Các công trình giao thông, trường học, trạm xá, trụ sở, nhà văn hóa khu dân cư, hệ thống kênh mương hư hỏng, xuống cấp không được sửa chữa và làm mới.
“Khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động khai thác mỏ sắt thì có hiện tượng các vùng đất trồng lúa, hoa màu, bị khô hạn. Đến khi mỏ sắt ngừng hoạt động thì người dân cũng gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp vì không được đầu tư mương máng do nằm trong khu vực mỏ. Tôi và mọi người dân ở đây đều mong muốn mỏ sắt dừng hoạt động để đời sống nhân dân được ổn định” - ông Yên nói.
Lòng dân bất an
Theo chính quyền, Mặt trận các xã bị ảnh hưởng bởi Dự án mỏ sắt Thạch Khê, nguyện vọng duy nhất của người dân đó là chấm dứt dự án để ổn định cuộc sống.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đỉnh Bàn Phạm Công Hoa cho biết: Mỏ sắt Thạch Khê tác động đến mọi mặt đời sống của người dân. Tại xã có 14ha đất nông nghiệp đã được kiểm đếm nhưng chưa đền bù, gần 100 hộ dân phải di dời tái định cư, có 750 ngôi mộ phải cất bốc, hệ thống kênh mương, đường nội đồng xuống cấp không được nâng cấp, sửa chữa. Nước sản xuất nông nghiệp cũng thiếu trầm trọng dẫn đến năng suất thấp.
Theo ông Hoa, trụ sở UBND xã đã xuống cấp lâu năm nhưng không được xây mới, sửa chữa, thiếu phòng làm việc, cán bộ làm việc phải ngồi chung phòng, chật chội, bất tiện. “Toàn xã có 400 đảng viên nhưng hội trường có sức chứa chỉ 100 người, mỗi khi họp Đảng bộ phải đặt ghế ra ngoài sân, căng bạt để che” - ông Hoa nói, đồng thời cho biết, xã Đỉnh Bàn về đích nông thôn mới năm 2019 và phấn đấu về đích xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023. Nếu Dự án mỏ sắt Thạch Khê tiếp tục triển khai thì việc giữ được thành quả đạt chuẩn xã nông thôn mới đã khó nói gì đến nâng cao!
Nói về hệ lụy từ Dự án mỏ sắt Thạch Khê, ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải chia sẻ: Thạch Hải là xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 100% hộ dân phải di dời để nhường đất cho dự án. 10 năm qua, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, có những câu chuyện “cười ra nước mắt”.
Mỗi năm, bình quân xã Thạch Hải cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho 60-70 cặp nam nữ, nghĩa là mỗi năm có chừng ấy gia đình có nguyện vọng cấp đất ở nhưng không được, việc này kéo dài từ năm 2007 đến nay. Vấn đề đất ở hết sức bức thiết đối với địa phương. Hiện nay, nhiều gia đình với nhiều thế hệ sống trong 1 căn nhà tạm bợ.
Khoảng 40ha đất sản xuất của người dân thôn Nam Bắc Hải và Thượng Hải bị bờ bao quanh moong mỏ vùi lấp, xói lở không thể sản xuất. Bãi tắm Thạch Hải vì thế cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, các hộ dân buôn bán, kinh doanh thất thu nhiều năm.
Ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải cho biết, Dự án mỏ sắt Thạch Khê khiến xã tụt hậu so với các địa phương khác rất nhiều. “Từ khi Dự án mỏ sắt Thạch Khê đưa vào khai thác, chưa thấy mang lại lợi ích mà chỉ thấy thêm nỗi lo. Nước bị nhiễm sắt nghiêm trọng, cuộc sống bị đình trệ, thiếu thốn đủ bề kéo dài nhiều năm nên người dân chỉ mong dừng dự án” - ông Lâm nói.