Món nợ xấu

Hữu Nguyên 30/07/2016 00:28

Vấn nạn thực phẩm bẩn không chỉ là nỗi chức nhối của từng người dân đang hàng ngày phải nạp vào nhiều nguy cơ từ thực phẩm bẩn, mà còn cho thấy sự lúng túng của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đó chính là “món nợ xấu” mà nhân dân đang đòi hỏi nhà chức trách phải có biện pháp xử lý càng sớm càng tốt.

An toàn vệ sinh thực phẩm cần phải được kiểm tra thường xuyên.

Tân Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định về mối quan tâm hàng đầu của mình, ngay sau khi nhận lãnh trách nhiệm: “Câu chuyện đầu tiên phải tập trung vào là an toàn thực phẩm (ATTP), một vấn đề nóng hổi, đang là đòi hỏi của người dân. Chúng tôi sẽ bằng tất cả các giải pháp tổng hợp, giải quyết cho được vấn đề ATTP”.

Trong ngổn ngang các vấn đề bức xúc của xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó đã từng tuyên bố ATTP là một trọng tâm trong chương trình hành động của Chính phủ mới. Quyết tâm đó của Chính phủ đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao của toàn xã hội. Bởi lẽ, ATTP không chỉ liên quan tới sức khỏe của người dân mà còn là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển lành mạnh của giống nòi. Ngoài ra, đó còn là bộ mặt của Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế. Một khi sản phẩm của Việt Nam không được thế giới tin cậy về ATTP thì điều đó sẽ hết sức bất lợi cho vị thế quốc gia trong sân chơi toàn cầu.

Thế nhưng, vì sao nhiều năm qua cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao đã vào cuộc, song người dân vẫn tiếp tục ăn thực phẩm bẩn, không an toàn và nguy cơ đó lại đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, bức xúc ngày càng gia tăng?

Xét về măt quản lý nhà nước, rõ ràng cuộc chiến chống thực phẩm bẩn nhiều năm qua chưa thực sự hiệu quả. Các cơ quan chức năng và cá nhân phụ trách chưa thật sự làm tròn bổn phận mà Nhà nước và nhân dân giao phó. Thực phẩm bẩn, không an toàn vẫn lưu hành tràn lan, mất kiểm soát, gây ra không ít vụ ngộ độc nghiêm trọng, đông người, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe cộng đồng nhưng vẫn chưa thấy cơ quan hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm và bị xử lý thích đáng.

Trong khi đó, báo cáo tổng hợp của các ngành chức năng liên tục trình ra những “con số đẹp”, những “thành tích hay”, kể công kéo giảm nguy cơ mất ATTP của ngành mình, tổ chức mình. Mặc cho nhân dân có thực sự tin vào các ngôn từ tròn trịa của những báo cáo theo kiểu năm sau bao giờ cũng tốt đẹp hơn năm trước.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã từng thẳng thắn đặt câu hỏi: “Tại sao các ngành các cấp liên quan luôn báo cáo hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhân dân vẫn cứ phải ăn bẩn?” Theo ông Thăng, nguyên nhân lớn nhất khiến thực phẩm bẩn tràn lan chính là việc không xác định được trách nhiệm, không kỷ luật được ai cả từ xã, phường cho tới cấp cao hơn.

Bên cạnh việc không xác định được trách nhiệm, cũng không loại trừ khả năng công tác thanh tra, kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, có tình trạng bao che, thông đồng giữa cơ quan thanh tra và đơn vị sản xuất bẩn vì lợi nhuận quá lớn. Đó cũng là một trong các hệ lụy do có quá nhiều bất cập, chồng chéo và tình trạng “cha chung không ai khóc” trong cơ chế quản lý, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm hiện nay.

Đọc các văn bản pháp luật, từ Pháp lệnh Vệ sinh ATTP năm 2003 đến Luật ATTP năm 2010, không thấy có điều gì phàn nàn bởi trong đó đã có đủ những gì mà Nhà nước, xã hội và người dân phải làm để có thực phẩm an toàn. Một thông tư liên tịch do 3 bộ (NN&PTNT, Y tế, Công thương) ban hành năm 2014 về phân công nhiệm vụ cho thấy chức năng quản lý được minh định trên giấy tờ rất tỉ mỉ và chặt chẽ.

Theo đó, người dân vào một nhà hàng uống cốc sinh tố và bị đau bụng, sẽ có cả 3 bộ cùng vào cuộc: Bộ NN&PTNN quản lý “rau, củ, quả”, Bộ Y tế quản lý “đá thực phẩm” và Bộ Công thương quản lý “nước giải khát”. Nhà hàng có thể sẽ bị phạt, còn cái bụng của dân thì vẫn tiếp tục đau!

Chưa kể nhiều loại hóa chất độc hại ngành y tế cấm dùng trong thực phẩm, ngành nông nghiệp cấm dùng trong thức ăn chăn nuôi và trị bệnh cho cây trồng thì lại được ngành công thương cho phép nhập khẩu thoải mái và không hề quan tâm tới việc kiểm soát mục đích sử dụng thật sự.

Bản thân việc quản lý ngành cũng để xảy ra nhiều tiêu cực và sơ hở gây tổn hại cho chuỗi ATTP không nhỏ. Việc các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp liên tục vi phạm pháp luật, làm giả, làm sai các chứng nhận hợp quy về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dùng trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn chăn nuôi…. mới bị phát hiện gần đây cho thấy một nguy cơ rất lớn làm mất an toàn thực phẩm lại xuất phát từ chính các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Coi trọng ATTP, xem đó là một trọng tâm trong nghị trình, thể hiện mục tiêu “vì dân hành động” của Chính phủ. Theo đó, cần quan tâm tới việc xây dựng, chỉ định một cơ quan quản lý nhà nước thống nhất chịu trách nhiệm về ATTP, có đủ thẩm quyền độc lập để giám sát, kiểm tra, thực thi nghiêm chỉnh pháp luật về an ATTP, kiên quyết chấm dứt tình trạng “cha chung không ai khóc” khi xử lý trách nhiệm.

Đồng thời, Chính phủ cần tạo điều kiện và xây dựng cơ chế để huy động sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực ATTP và bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy vệ sinh ATTP là “món nợ xấu”, nhưng món nợ ấy dứt khoát phải thanh toán bằng được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Món nợ xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO