Một cái Tết đặc biệt

Bắc Phong 05/02/2021 06:30

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh phải tập trung cao độ phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong dịp Tết, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân đón Tết.

Dù hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng chăm lo Tết cho người lao động.

Ngày 3/2, Thường trực Ban Bí thư đã có công điện gửi các Tỉnh uỷ, Thành uỷ ; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương; các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh phải tập trung cao độ phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong dịp Tết, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân đón Tết. Đặc biệt, quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã gửi thư chúc mừng năm mới Tân Sửu 2021 và chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc tới các cụ, các vị, các đồng chí đã và đang làm công tác Mặt trận trong cả nước.

Thư có đoạn: “Năm 2020 là năm có nhiều khó khăn, thách thức lớn, bất ngờ xuất hiện, ảnh hưởng rất nặng nề không chỉ đối với nước ta mà còn đối với toàn thế giới. Nhưng với quyết tâm cao, sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật. Góp chung vào những thành tựu đó, Mặt trận đã phát huy vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác quốc tế, ủng hộ công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Tết cổ truyền năm nay là cái Tết vô cùng đặc biệt, do dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại, kể từ ngày 28/1 dương lịch, nhằm ngày 16 tháng Chạp, có nghĩa là chỉ còn 2 tuần là đúng đến đêm Giao thừa. Trước đó, cả nước đã qua 55 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, ai cũng phấn khởi nghĩ rằng tất nhiên sẽ được đón một cái Tết vui tươi, ấm áp; sau cả một năm trời gồng mình chống dịch. Những lần phải thực hiện giãn cách xã hội làm tất cả mọi người cảm nhận sâu sắc sự khó khăn trong cuộc sống và ước ao đến mức nào về một cái Tết sum vầy, Tết đoàn viên bên những người thân yêu.

Vì cuộc sống, rất nhiều người xa ông bà cha mẹ, xa quê đi làm ăn nơi xa. Rồi thì vào dịp cuối năm lại mong ngóng từng ngày đợi đến Tết để về quê. Nhưng lần này lại rất khác. Năm nay, gần Tết, Covid-19 bùng phát, rất nhiều người không thể về quê. Âu đó cũng là trách nhiệm với cộng đồng khi cuộc chiến chống dịch không cho phép bất cứ ai chủ quan, cũng như không được phép lơi lỏng bất cứ một khâu nào.

Với những người lao động không thể về quê Tết này chỉ vì Covid-19, họ rất cần sự sẻ chia. Từ doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các cấp công đoàn… để họ vẫn có Tết, cho dù đó là cái Tết không đầy đủ, Tết xa quê.

Nhưng cũng thật ái ngại trước thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong báo cáo tổng hợp về tình hình tiền lương năm 2020 và thưởng Tết của người lao động năm 2021. Trong đó, đáng chú ý vẫn chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp trong số gần 63.000 doanh nghiệp có báo cáo cho biết đã có kế hoạch thưởng Tết. Còn lại 50% doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết (tính đến thời điểm cuối tháng 12/2020). Trong đó, mức thưởng bình quân gần bằng 1 tháng lương khoảng 6,36 triệu đồng/người.

Như vậy có thể thấy, tiền thưởng Tết cho người lao động năm nay thấp. Đó cũng là việc đã được dự báo, vì rằng trong suốt năm 2020 hàng loạt doanh nghiệp, lĩnh vực nghề nghiệp gặp khó khăn. Chia sẻ với khó khăn chung, nhưng xét cho cùng người lao động Tết này phải nhận phần thiệt thòi về mình. Đó là “thiệt thòi kép” khi vừa không thể về quê, vừa nhận thưởng Tết ít.

Trong nỗi buồn lo ấy, rất may cho tới thời điểm này nhiều nơi đã chú ý đến việc lo cho người lao động, nhất là lao động xa nhà được đón một cái Tết cổ truyền ấm áp, để phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

Và, trong bối cảnh đó, chúng ta cùng tin tưởng rằng đợt bùng phát này của dịch Covid-19 sẽ nhanh qua. Thông tin từ Bộ Y tế tới thời điểm này những ổ dịch lớn đều đã được kiểm soát. Niềm tin ấy là có cơ sở khi trong năm 2020 chúng ta đã từng khống chế được những đợt bùng phát của dịch, khoanh vùng cách ly, xử lý nhanh và hiệu quả những ca lây nhiễm ngoài cộng đồng. Tết này, cùng cả nước chống dịch, có thể nhiều người không được về quê sum vầy, nhưng dẫu phải ở lại nơi làm việc xa nhà thì vẫn có một cái Tết ấm áp, an toàn. Đó mới là điều quan trọng nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một cái Tết đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO