Một luật sửa 4 luật trong xây dựng: Mở rộng điều kiện đầu tư kinh doanh

H.Vũ 28/02/2018 07:00

Bộ Xây dựng đang xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật gồm: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị. Dự kiến luật này sẽ trình để Chính phủ cho ý kiến trong tháng 3 tới.

Một luật sửa 4 luật trong xây dựng: Mở rộng điều kiện đầu tư kinh doanh

Sửa đổi luật nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Ảnh: Quang Vinh.

Sửa luật để khắc phục bất cập

Lý do xây dựng 1 luật để sửa 4 luật, theo Bộ Xây dựng, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 là các đạo luật quan trọng điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng; quy hoạch xây dựng; phát triển đô thị; nhà ở; kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, qua thực tiễn quá trình thực hiện các luật này và các Luật về đầu tư, kinh doanh khác như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai đã bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với thực tiễn như: Thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng còn dài, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với một số đối tượng công trình còn chưa phù hợp với thực tiễn. Một số quy định về đất ở, quyết định chủ trương đầu tư chưa bảo đảm thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với một số ngành nghề còn phức tạp; lựa chọn tư vấn lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Từ quan điểm trên, Bộ Xây dựng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng giảm bớt điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản cũng như bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quy hoạch, đầu tư, kinh doanh.

Đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh

Bà Tống Thị Hạnh- vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho biết, với Luật Xây dựng, Bộ đề xuất sửa đổi tập trung các vấn đề như: Mở rộng đối tượng công trình miễn giấy phép xây dựng, cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn; đơn giản hóa điều kiện cấp giấy phép xây dựng, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng; tăng cường phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây; giảm thời gian cấp giấy phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.

Một luật sửa 4 luật trong xây dựng: Mở rộng điều kiện đầu tư kinh doanh - 1

Kiểm tra dự án xây dựng.

“Quy định trong Luật Nhà ở được đề xuất bổ sung việc sử dụng các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở được chỉ định chủ đầu tư; bổ sung trường hợp lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; bãi bỏ quy định Bộ Xây dựng công nhận cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, vận hành nhà chung cư”- bà Hạnh cho biết.

Vẫn theo bà Hạnh, nhằm thực hiện mục tiêu đơn giản hóa đăng ký kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng, Bộ đề xuất bãi bỏ các yêu cầu về chứng chỉ hành nghề và các điều kiện ban đầu khác để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp như: Bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề đối với một số cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; bỏ điều kiện sàn giao dịch bất động sản phải có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ, cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động; bỏ quy định điều kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn- trưởng ban Pháp chế VCCI, những sửa đổi dự kiến lần này đã theo đúng nguyên tắc thị trường, trao quyền cho doanh nghiệp và giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước. Tuy nhiên ông Tuấn cho rằng, cần phải giữ được tinh thần này trong quá trình sửa đổi các luật liên quan và các nghị định khác để đơn giản hóa đăng ký kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng.

Trong khi đó, thẩm định của Bộ Tư pháp cho rằng, về chính sách cải cách thủ tục hành chính và đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản cần đánh giá kỹ thêm về tính khả thi khi phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt. Bởi các công trình này có thể có phạm vi thực hiện trên nhiều tỉnh, địa phương khác nhau như đối với công trình hầm, đường sắt, cao tốc. Một số chính sách đề nghị sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy định của Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành như đề nghị sửa đổi Khoản 2 Điều 91; Khoản 1, Khoản 2 Điều 94 Luật Xây dựng; sửa đổi Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở cần rà soát kỹ những nội dung này và cần lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Cũng theo Bộ Tư pháp, việc bãi bỏ một số ngành nghề đầu tư có điều kiện như đề xuất về chính sách cũng cần đánh giá kỹ tác động khi bỏ các điều kiện sẽ ảnh hưởng thế nào đến công tác quản lý nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người dân khi không có các cơ chế pháp lý điều chỉnh? Ví dụ bãi bỏ ngành, nghề kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư và điều kiện của đơn vị quản lý nhà chung cư, hay vấn đề bỏ quy định về vốn pháp định.

Cho rằng cách làm luật hiện nay đang có 2 phương thức. Một là phương thức cấm những việc không được làm. Hai là cho phép làm các công việc nào đó. Phương thức 1 cấm không cho làm những việc nào đó thì rất thoáng vì muốn làm gì thì làm chỉ trừ luật không cho phép. Còn phương thức 2 là chỉ được làm những việc cho phép rất hạn chế như cho 10 việc chỉ được làm 10 việc, còn các việc khác dù vô hại nhưng cũng không được làm, ông Phạm Sỹ Liêm- phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhìn nhận, hiện nay chúng ta xu hướng theo hướng cho phép làm, chỉ được làm những việc cho phép, được phép. Có cách này vì muốn thâu tóm quyền cho các bộ bởi vì cho phép tức là các bộ, ngành cho phép mới được làm, trong đó có vấn đề quyền lực thể hiện tính xin và cho. Do đó cách thứ 2 nên hạn chế dần và nên chuyển dần sang hướng cấm không được làm những việc nào đó, còn lại là cho phép làm sẽ thông thoáng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một luật sửa 4 luật trong xây dựng: Mở rộng điều kiện đầu tư kinh doanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO