Một nhà báo đa tài, nghiêm túc và trào lộng

MINH DÂN 23/01/2022 09:00

Nhà báo Nguyễn Huy Khánh - Hai Khuynh để lại trong tôi nhiều ấn tượng về một Tổng Biên tập năng nổ, sáng tạo và đầy cá tính. Ông là Tổng Biên tập thứ ba của Báo Giải Phóng, sau nhà báo Kỳ Phương (Trần Phong) và nhà báo Hồng Châu (Thép Mới) vào thời điểm trước Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết.

Nhà báo Nguyễn Huy Khánh - Hai Khuynh (phía sau) trên đường tiến về Sài Gòn, ngày 29/4/1975.

Tôi may mắn được làm việc dưới quyền ba vị lãnh đạo ấy trong hơn 12 năm của Báo Giải Phóng, trong đó có hơn 10 năm thời chiến, còn lại là thời bình.

Vị Tổng Biên tập thứ ba Nguyễn Huy Khánh là người đã dốc tâm đưa Báo Giải Phóng ra thị trường bằng cách bán báo trong vùng giải phóng, và thực hiện nhiệm vụ lịch sử: Ra Báo Sài Gòn Giải phóng giữa Sài Gòn chỉ 5 ngày sau ngày 30/4/1975.

Cho đến khi viết những dòng này về ông, tôi mới biết đôi chút về sự nghiệp của ông qua báo chí hay qua lời kể của bạn bè.

Tôi rất ấn tượng với tác phẩm “Khảo luận về tiểu thuyết Trung Hoa” đăng trên Tạp chí Bách khoa năm 1958, của ông. Phân tích của ông về phong kiến Trung Hoa cho thấy ông luôn đứng trên lập trường của những người bị áp bức, điều này khá mới mẻ trên văn đàn Sài Gòn lúc bấy giờ. Chính vì vây, tiểu luận ấy đã được giới học giả nổi tiếng ở miền Nam rất chú ý, trong đó có Vương Hồng Sển và Nguyễn Hiến Lê. Ngoài việc viết khảo luận, ông là cây bút trào phúng ký tên Trần Thời.

Trong chiến khu, được làm việc với một Tổng Biên tập giỏi tiếng Pháp, tiếng Hoa, có công trình khảo luận và cầm kỳ thi họa như ông là duyên may để phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, tôi chưa được nghe ông nói bất cứ điều gì về mình, ngoài chuyện vui về cái tên. Cha mẹ đặt tên ông là Huynh, nhưng khi làm khai sinh thì bị ghi là Khuynh, từ đó cái tên sai đó theo ông suốt đời.

Trong khi tìm tư liệu để viết về Hai Khuynh, tôi được nhà sưu tầm Trương Nguyễn Anh Giang cung cấp những tài liệu mà ông công phu tìm tòi, khai thác, biên soạn và đã xuất bản. Nhờ đó, tôi được biết nhà báo Nguyễn Huy Khánh có một thời niên thiếu khá đặc biệt: Học giỏi nhì trường tỉnh, được đặc cách vào trường Pestrus Ký ở Sài Gòn, học đến sắp thi trung học thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông trở về Sóc Trăng quê hương tham gia kháng chiến, từng làm thị đội trưởng dân quân thị xã Sóc Trăng, tỉnh đội phó dân quân tỉnh Sóc Trăng.

Nhà báo Hai Khuynh là một lãnh đạo báo bản lĩnh, cởi mở và quyết đoán. Thời điểm ấy, sau Hiệp định Paris năm 1973, ông có cơ hội để xuất bản Báo Giải Phóng với một phong cách mới phù hợp với kiểu làm báo thời sự và cá tính gan lỳ không quá sợ khuyết điểm của ông. Ông tổ chức báo bán ra vùng giải phóng và coi trọng tiêu chí nội dung: Bán cái độc giả cần.

Tháng 4/1947, ông bị Pháp bắt cầm tù 6 tháng. Ra tù, ông tiếp tục giữ những cương vị quan trọng: Chủ tịch Mặt trận Liên Việt thị xã Sóc Trăng, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ thị xã, Tỉnh ủy viên, Phó Ban Binh địch vận tỉnh Sóc Trăng. Sau Hiệp định Genève 1954, ông được phân công ở lại miền Nam, làm Phó Bí thư Thị xã ủy Sóc Trăng, rồi làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Năm 1958, do yêu cầu của cách mạng, ông được chuyển vùng về làm ủy viên Ban Binh vận Liên Tỉnh ủy Miền Đông. Ngày 26/10/1960, trong chuyến công tác ở Tây Ninh, ông bị địch phục kích bắn gãy chân và bị bắt. Từ đây, ông xuất hiện với cái tên Trương Minh. Ngày 23/1/1962 ông bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, trong thời gian lưu đày, trong điều kiện địch khủng bố ác liệt và kìm kẹp gắt gao, 100 thành viên Đảo ủy của tù nhân chính trị bị địch biệt giam chuồng cọp, ông là người tổ chức liên lạc với đất liền, với Trung ương Cục Miền Nam, sau này thành danh là Đường dây Côn Đảo.

Ngoài việc tổ chức Đường dây Côn Đảo, ông còn soạn Từ điển Hoa - Việt, lên đến 13.000 mục từ, viết trong 30 cuốn vở học trò, mỗi cuốn dày 100 trang, gửi về Sài Gòn. Công trình biên soạn này còn phục vụ cho một nhiệm vụ quan trọng khác: Trên những trang bìa tập vở là bạch thư báo cáo với Đảng về nhà tù Côn Đảo. Ông được thả năm 1967.

Trở về chiến khu miền Đông, trước khi làm thủ lĩnh Báo Giải Phóng, ông là Chánh Văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Tổ nghiên cứu Sài Gòn của ông là nơi duy nhất ở chiến khu có đủ các loại sách báo tiêu biểu xuất bản ở Sài Gòn. Ông cũng có những mối liên hệ với Sài Gòn bằng đường dây riêng, trong đó có sự đóng góp của vợ ông là bà Lê Thị Lan, lúc đó là cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Cục và Minh Thái con gái ông, nhân viên Văn phòng Ban Tuyên huấn được đưa vào công tác nội thành. Ông còn có một hậu thuẫn nữa: Phóng viên Báo Giải Phóng - nhà thơ Mai Trang, tác giả bài thơ nổi tiếng “Người lái đò trên sông Pô cô”, được đưa vào Sài Gòn hoạt động hợp pháp.

Ông có cá tính đặc biệt thích đùa, trong Nam gọi là “cà rỡn”. Tuy nhiên không phải lần cà rỡn nào của ông cũng suôn sẻ. Năm 1969, tình hình sau Tết Mậu Thân cực kỳ khó khăn do mất dân, mất đất, Phó Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh trực tiếp giảng Nghị quyết 9 của Trung ương Đảng nhằm giải tỏa tư tưởng bi quan, tiêu cực cho cán bộ tuyên huấn và các ban ngành Trung ương Cục. Giảng xong, ông Nguyễn Văn Linh hỏi hội nghị: Tôi nói như thế các đồng chí nghe có phấn khởi không? Một giọng nói cất lên từ cử tọa, là Hai Khuynh: “Dạ, phấn khởi tơi bời”. Cả hội trường vỡ òa, căng thẳng được xả bớt. Chỉ có Hai Khuynh mới dám nói bằng giọng cà rỡn cái thực chất vừa “phấn khởi” vừa “tơi bời” của tình hình sau đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Dĩ nhiên, ông bị thủ trưởng tuyên huấn nhắc nhở. Tuy không thể biện minh về “tội cà rỡn” ấy của Hai Khuynh, nhưng cử tọa rất vui vì được “xả hơi” cho đỡ phần căng thẳng.

Khi được điều về làm thủ trưởng Tiểu ban Báo Giải Phóng, ông là một nhà lãnh đạo bản lĩnh, cởi mở và quyết đoán. Thời điểm ấy, sau Hiệp định Paris năm 1973, ông có cơ hội để xuất bản Báo Giải Phóng với một phong cách mới phù hợp với kiểu làm báo thời sự và cá tính gan lỳ không quá sợ khuyết điểm của ông. Ông tổ chức báo bán ra vùng giải phóng và coi trọng tiêu chí nội dung: Bán cái độc giả cần.

Tôi được sếp Hai Khuynh đặc cách 6 tháng làm phóng viên thường trú ở Lộc Ninh, thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nhiệm vụ được ông xác định: Viết cho dân Lộc Ninh - Bình Phước đọc để bán báo và viết về Lộc Ninh - Bình Phước cho cả nước biết.

Lúc ấy, Báo Giải Phóng in 5.000 tờ, bán 2.000 tờ, thu tiền hằng tháng, có hóa đơn, biên nhận.

Chấp hành chỉ thị của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, ông lãnh đạo ê-kip ra nhật báo Sài Gòn Giải phóng ngay giữa Sài Gòn sau khi miền Nam mới giải phóng 5 ngày. Sau 15 số báo Sài Gòn Giải phóng, ông lại lãnh đạo xuất bản Báo Giải Phóng cho đến khi “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”.

Với cương vị lãnh đạo tờ báo, ngoài nhật báo, ông Hai Khuynh còn tổ chức xuất bản Giải phóng Chủ nhật, 24 trang khổ A3 - mà theo tôi là phụ bản đầu tiên của một nhật báo của cả nước với nội dung chuyên sâu từng số báo, rất đông bạn đọc cả nước.

Làm việc chung tờ báo nhiều năm, tôi biết rõ ông: Lạc quan, xởi lởi, nhưng không mất kiểm soát, kể cả khi bị qui là “sai lầm” hay bị “lạnh nhạt”. Ông là sự kết hợp của phóng khoáng và "thâm nho", giữa cương và nhu, giữa tình và lý, riêng và chung, giữa nghiêm túc và trào lộng. Ông luôn là chính ông, ngay trong những năm dài bị bệnh tim mạch.

Ngày 15/1/2001, một ngày đầu thiên niên kỷ mới, đến thắp hương vĩnh biệt ông tại nơi mới mấy tháng trước tôi tạm biệt ánh mắt vui vui niềm hy vọng của ông… Vậy là thêm một nhân chứng nữa ra đi - một nhân chứng không thể thay thế của Báo Giải Phóng, cả trong chiến tranh, cả trong thời bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một nhà báo đa tài, nghiêm túc và trào lộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO