Mua hàng online, lấy lại tiền khi bị lừa đảo bằng cách nào?

Nguyễn Hoài 25/07/2022 14:19

Việc dễ dàng để lại thông tin cá nhân khi mua hàng online khiến nhiều người tiêu dùng trở thành “con mồi” cho các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Mất tiền oan vì chủ quan

Không chỉ mua phải hàng giả, hàng nhái, nhiều người tiêu dùng còn bị mất tiền oan vì công khai thông tin cá nhân khi mua hàng online.

Chuyển nhà mới nên chị Nguyễn Thu Hương (quận Hà Đông, Hà Nội) đặt mua khá nhiều đồ qua mạng, trong đó có rèm cửa và chăn ga, đệm nằm. Khi nhận đơn hàng, chị Hương giật mình khi bộ chăn ga không đúng với mẫu mã, chất lượng chị đặt hàng.

Bất ngờ hơn khi kiểm tra lại thông tin người bán, chị phát hiện ra không phải cửa hàng chị đặt. Chị Hương vội liên lạc với địa chỉ trên đơn hàng thì số điện thoại không gọi được, còn cửa hàng chị đặt mua thì trả lời không biết gì về đơn hàng trên.

Mua hàng online mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Khi nhận hàng tôi không lăn tăn gì mà thanh toán tiền luôn vì nghĩ là sản phẩm từ cửa hàng đã đặt trước nhưng hóa ra mình bị lừa. Tôi có liên lạc với bên giao hàng và cửa hàng bán sản phẩm trên facebook đều không được hỗ trợ giải quyết”, chị Hương cho hay.

Chị Hương không phải trường hợp cá biệt. Thời gian gần đây nhiều người mua hàng online trên mạng xã hội cũng bị đẩy vào những tình huống tương tự, nhất là khi họ để lại thông tin các nhân bao gồm cả tên tuổi, số điện thoại và địa chỉ nhận hành khi thực hiện các giao dịch mua hàng online. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhằm chiếm đoạt, lừa đảo.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thông qua tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng và hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng, thời gian qua, đơn vị này nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc một số đối tượng lừa gạt người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch mua sắm trên gian hàng thương mại điện tử. Các đối tượng đã sử dụng thông tin người tiêu dùng để chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Lê Lưu Phú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Phú cho biết, các trò lừa đảo qua mạng dù không mới, tuy nhiên vẫn có rất nhiều nạn nhân sập bẫy. Nguyên nhân đa phần do nạn nhân thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác trong bảo mật thông tin.

Cẩn trọng chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng

Mua hàng trực tuyến đang ngày càng trở nên quen thuộc và mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. Tuy nhiên, giao dịch qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái…

Theo Luật sư Lê Lưu Phú, việc người bị hại tự mình lấy lại số tiền bị lừa đảo qua mạng thường rất khó thực hiện bởi người bị hại không biết kẻ lừa đảo mình là ai, ở đâu để đòi, cách thức để đòi như thế nào là đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, tâm lý một số người thường ngại dính dáng đến pháp luật, số tiền bị chiếm đoạt nhỏ nên không báo cho cơ quan chức năng, dẫn đến kẻ xấu vẫn nhởn nhơ coi thường pháp luật.

Để xử lý được kẻ lừa đảo cũng như lấy lại số tiền bị lừa, Luật sư Phú cho hay, người bị hại nên tìm đến những tổ chức hành nghề Luật để được tư vấn pháp luật, đồng thời thông tin, trình báo đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.

Tuy nhiên, Luật sư Phú đưa ra lời khuyên, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình trước khi bị lừa bằng cách cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân.

Chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng về nhân thân của một người. Vì vậy, việc để lộ những thông tin này tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại về tài sản. Các đối tượng xấu có thể lợi dụng thông tin cá nhân của người khác để lừa đảo vay tiền, khiến nhiều người bỗng trở thành con nợ lúc nào không hay.

“Để tránh bị lừa đảo, khi nhận được lời đề nghị từ người lạ, người dùng mạng xã hội nên nâng cao cảnh giác và tự đặt ra câu hỏi xem sự việc có đang diễn ra hợp lý không”, Luật sư Phú nói.

Luật sư Lê Lưu Phú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Phú cho biết, thông thường, khi chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu và không thuộc một trong các trường hợp đặc biệt, người thực hiện hành vi lừa đảo sẽ bị phạt hành chính.

Cụ thể, khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, mức phạt với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác là phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.

Với trường hợp xử lý hình sự, người thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, tùy vào số tiền chiếm đoạt cũng như các tình tiết liên quan, người thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng có thể bị áp dụng mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc thậm chí là tù chung thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mua hàng online, lấy lại tiền khi bị lừa đảo bằng cách nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO