Mùi Tết chín

TRANG THANH 24/01/2023 14:16

Một chiều 30 Tết, tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, Tết chín chưa mẹ?”. Đang luộc bánh chưng, mẹ phì cười. Chị gái cũng chế giễu tôi dùng… nhầm từ. Chị bảo: “Tết đến”, Tết chỉ đến chứ có bao giờ “Tết chín”? Tôi ngượng đỏ mặt, chẳng biết mình đúng hay chị đúng, nhưng bao giờ tôi cũng dấm dứt dỗi hờn cho đến khi mẹ tuyên bố nồi bánh chưng đã xong và hô hào bố cùng chị gái chuẩn bị vớt bánh.

Minh họa: Đào Hải Phong.

Chị tôi ngả cái thuyền ra hiên, đổ vào lưng thuyền nước giếng. Bố tháo hai cánh cửa gỗ, cùng ngả xuống hiên. Mẹ gọi chị khênh hai cái cối đá nhỏ đặt sẵn bên cạnh, ấy là mọi người chuẩn bị cho “nghi lễ” nén bánh.

“Nghi lễ” ấy cũng là một chữ dùng của tôi ngày đó. Sự ngây thơ này, tôi cũng bị mọi người chế giễu chẳng khác gì “Tết chín”. Có lẽ đã chẳng ai hiểu, với một đứa trẻ con, thì công cuộc chuẩn bị đón Tết: Từ việc dọn nhà, mua sắm đồ ăn, đồ lễ của mẹ và chị; việc mua tranh cá chép, sắm đôi câu đối, dựng nêu, bày ngũ quả, gói bánh chưng của cha…, tất cả đều là “nghi lễ”.

Tôi là đứa trẻ quan sát, thấy sự cẩn trọng, tỉ mẩn, nâng niu, thành kính hiển hiện rõ trong từng cử chỉ, việc làm của mỗi người. Có lẽ tôi như tờ giấy trắng, cứ âm thầm lặng lẽ ghi lên đó tất thảy mọi suy nghĩ, cảm xúc, việc làm của người lớn và cả chính mình: Sự sắm nắm bận bịu vội vàng của mẹ những ngày đi chợ tết, thoáng chút vô tâm hay đôi khi bực dọc của chị, cho rằng tôi chỉ là đứa trẻ quẩn chân, trong khi ai nấy đều lo toan, tất bật. Mà quả thật, nhất là vào cái ngày 30, khi thời gian cứ lùi dần lùi dần và khoảng cách đến với thời khắc giao thừa mỗi lúc càng ngắn lại, ai nấy đều như vội cuống. Tết đã chín rồi!

Lòng người như thể thanh xuân phơi phới giữa cây lá thụ mầm, đào hoa rực thắm, khí xuân diệu vợi chan hòa từ trong trời đất, dâng lên trong ánh mắt, nụ cười. Còn với tôi, là mùi Tết chín. Mùi của no đủ, thơm tho…

Bánh thơm lựng, quyện trong thấp thoáng đâu đây mùi giò xào, mùi xôi đậu xanh có lẽ bay đến từ nhà ai trong xóm. Chị gái tôi cầm cái rổ sảo to tướng, khom lưng cạnh bếp, hứng từng chiếc bánh chưng mẹ nhấc từ trong chiếc nồi đồng bốc khói nghi ngút. Được chừng dăm chiếc, chị lễ mễ bưng ra, thả từng chiếc một vào thuyền nước. Cha đứng cạnh thuyền, chờ chiếc bánh ngập tủm xuống lòng nước lạnh độ vài phút rồi vớt lên, xếp bằng bặn trên tấm cửa gỗ. Cha bảo: “Bánh phải nén chừng nửa tiếng thì mới dền”. Còn chị gái thì luôn miệng kêu: “Nặng quá! Thơm quá!”… Bưng được chừng đến sảo bánh thứ ba, chị reo lên: “Anh Meo đâu? Bánh muội chín này!”. Tôi òa khóc. Lúc ấy, tôi không hiểu vì sao mình khóc. Có thể vì tủi thân. Có thể vì ấm ức. Có thể vì nỗi vui sướng vỡ òa, tôi phát hiện ra rằng mình đúng: Tôi đã nói rằng “Tết chín”. Bánh muội chín tức là Tết chín! Vậy mà không ai tin tôi? Ai cũng cười nhạo tôi. Giờ “Tết chín” rồi nhé. Vì Tết của tôi, cái Tết chờ đợi sung sướng nhất của tôi, chẳng phải gì khác, chính là cái bánh chưng muội.

Lên 5-6 tuổi, mọi sự đúng sai đối với tôi lúc đó còn quá mơ hồ. Nhưng sau này, tôi ngẫm rằng mình có cái đúng của một linh cảm ngây thơ nhưng thấm thía từ vô thức, về tình yêu chiếc bánh muội của cha tôi.

Cha tôi là người đàn ông có nhiều hoa tay. Cha khéo léo, tỉ mẩn, gọt sáo, làm diều, đan lồng chim, đan quạt hay rổ rá đều rất đẹp. Nhưng cha không may mắc bệnh phổi. Từ khi tôi có thể nhớ được những chuyện xảy ra trong nhà, đã thấy cha cứ ho sù sụ, nhất là về mùa đông. Cha rất gầy, có những đận ốm nặng, ho dữ, người chỉ còn da bọc xương, cha tiều tuỵ và khắc khổ.

Trong những đợt ho hành hạ không dứt, cha không nằm được như bình thường. Cha phủ phục suốt đêm, trong trạng thái quỳ co gối, lưng còng rạp xuống giường như người ta tế lạy lúc hành lễ. Đôi bàn tay cha ngửa lên để trán tì vào. Cứ thế, phủ phục trong đêm mùa đông, cùi tay và đầu gối cha chai cứng lại. Cha bảo, phổi nằm bám theo xương sống, phủ phục như thế, là để phổi không bị bộ phận nào trong cơ thể đè lên, nó mới có ô xy để thở. Quả thật, những đêm phủ phục, cha bớt ho hơn.

Tôi nhớ rất rõ, đầu tháng Chạp năm nào mẹ cũng đi cắt thuốc Bắc cho cha. Mẹ bảo, cha cần uống mươi thang thuốc để có sức chống chọi với giá lạnh, cha khỏe để Tết còn gói bánh. Suốt tháng Chạp, nhà tôi thoang thoảng mùi thuốc Bắc. Cho đến xấp xới Tết về thì nấm hương, mộc nhĩ, măng khô, nước mắm cà cuống, gạo nếp, đậu xanh, thảo quả, dầu chuối…, bấy nhiêu thức hương thơm cứ vài hôm lại theo chân mẹ từ chợ về, thấp thoáng quấn quyện trong bếp, trong nhà, thơm trong từng câu chuyện, từng bữa cơm, có lẽ thơm cả vào giấc ngủ...

Trở lại với tấm bánh muội của cha. Nhà tôi có một vườn trồng lá dong bánh mật, thứ lá chỉ dùng để gói duy nhất bánh chưng. Có vài ba loại lá dong, phổ biến người ta dùng lá dong rừng, lá to, dễ gói, nhưng màu bánh thường bị thâm. Dong nhà tôi, sở dĩ gọi là dong bánh mật vì nó có màu xanh ngả vàng như mật ong, lá to, bản lá dày, dai mà óng, mịn như lụa. Đem gói bánh chưng, lá cho thứ bánh màu xanh cốm non, màu lá không quá quện bết vào bánh, nên bánh giữ được mùi thơm đặc trưng, bánh để dành trong tháng Giêng, không bị chảy nhớt. Người sành ăn bánh chưng rất biết giá trị của chiếc bánh được gói bằng lá dong bánh mật, nên nhiều người làng hẹn mẹ tôi để dành cho suất lá. Những ngày giáp Tết, tôi phụ cha mẹ bó lá cho chị vào chợ. Chị hứa sẽ mua cho tôi quần áo diện tết. Còn cha, cha hứa một tấm bánh muội ngon nhất trần đời.

Gọi là bánh muội, vì đó là tấm bánh chưng bé hơn hẳn so với những bánh chưng tết. Nó được gói cuối cùng, khi những tấm bánh lớn đã vuông vức đâu vào đấy, và trên mâm nguyên liệu làm bánh bao giờ cũng thừa lại chút gạo nếp, chút nhân đậu xanh, vài miếng thịt. Gói tấm bánh muội là để dành cho trẻ con. Tôi sẽ được thưởng thức ngay khi bánh được vớt ra khỏi nồi, không cần “tắm” qua nước lạnh và không cần nén cho dền lại. Bánh nóng hổi, thơm lựng. Tấm bánh của bao nhiêu thèm thuồng, chờ đợi, thì đương nhiên, đó là chiếc bánh ngon nhất của cả một cái Tết.

Cha khéo tay, gói bánh không bao giờ cần khuôn. Đặt lạt đối xứng, cha xếp hai tấm lá dưới cùng, tiếp đến lớp lá nhỏ để “độn”. Bốn tấm lá đẹp, vừa phải, được xếp đối xứng bên trên, cha gọi là “tấm áo” trực tiếp bao bọc lớp gạo trắng ngần. Không bao giờ cha cần dùng kéo để cắt sửa một chiếc lá nào. Nếu có dài một chút, cha chỉ cần gấp đầu lá lại. Vừa gói, cha vừa giảng giải cho tôi cách làm thế nào để gói tấm bánh chặt chẽ, vuông đẹp, luộc tấm bánh ngon. Tấm bánh cha gói bao giờ cũng vuông thành sắc cạnh không chê vào đâu được, và mười tấm như nhau cả mười.

Tôi được mẹ giao việc rửa lá, lau khô, tước bỏ phần gân cho lá mềm và cuối cùng là ngồi cạnh cha, vừa xem cha gói bánh, vừa để cha sai bảo việc vặt khi cần. Phần thưởng ban đầu cho việc rửa, lau khô lá là tôi được vét chõ đậu. Một con bé no nê ngọt ngào với chõ đậu thơm nức, bùi ngậy, ngồi bên cha ríu ran hỏi chuyện gói bánh, đếm bánh, chơi với từng vuông lạt và chờ khi tấm bánh muội được gói ghém xinh xắn. Cha có vẻ mỏi nhừ lưng, lòng khòng đứng dậy, hút thuốc lào và uống trà. Lúc này tôi sẽ giúp mẹ xếp bánh vào nồi, cùng mẹ trông bếp, lắng nghe “mùi Tết chín” lựng dần trong lửa ấm chiều cuối năm.

Cha mẹ và các chị tôi, có lẽ mọi người đón Tết bằng những tất bật lo toan, bằng nỗi vất vả, khẩn trương, hối thúc gói ghém những đầu việc quan trọng trong những ngày cuối cùng của năm cũ. Để đến khi khoảnh khắc giao thừa rộn ràng gõ cửa năm mới, là lòng người thơ thới mừng đón mùa xuân, không còn sự bấn bíu lo toan nghĩ ngợi, không còn gì vướng víu về năm cũ nữa, đặc biệt là với những món nợ nần.

Lòng người như thể thanh xuân phơi phới giữa cây lá thụ mầm, đào hoa rực thắm, khí xuân diệu vợi chan hòa từ trong trời đất, dâng lên trong ánh mắt, nụ cười. Còn với tôi, là mùi Tết chín. Mùi của no đủ, thơm tho, cồn cào thèm khát từ những món ngon ngày tết, đơm hương cho cái Tết lựng tròn đầy đặn tấm lòng thảo thơm của con cháu dâng lên tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà ở đó, chứa chan những vui vầy, đầm ấm xôn xao trong mỗi nếp nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùi Tết chín

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO