Năm 2022, xử lý 19 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

H.Vũ 10/09/2022 07:00

Ngày 9/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 7 để thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ về Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, công tác thi hành án năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Ông Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên họp.

Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, gây hậu quả nghiêm trọng

Báo cáo của Chính phủ về Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 cho thấy, so với năm 2021, số vụ phạm tội về trật tự xã hội toàn quốc đã giảm 9,75%, số người bị thương giảm 1,53%, thiệt hại tài sản giảm 18,38%. Hầu hết các loại tội phạm đều giảm, như: số vụ phạm tội có tổ chức giảm 61,08%; giết người, cướp tài sản giảm 12,9%; hiếp dâm giảm 7,65%, mua bán người giảm 12,12%; cướp tài sản giảm 16,62%; cưỡng đoạt tài sản giảm 9,4%; cướp giật tài sản giảm 11,58%; trộm cắp tài sản giảm 16,85%; gây rối trật tự công cộng giảm 4,71%, đánh bạc giảm 16,31%.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tiểu ban 1, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid - 19 để trục lợi đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, người dân và xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương. Nổi lên là một số vụ án có quy mô, vi phạm đặc biệt lớn như các vụ mua bán, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các vùng dịch về nước. Liên quan đến vụ việc trên còn có cả những bị can nguyên là cán bộ cấp cao đã lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Long cho rằng, công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ còn nhiều sơ hở dẫn đến một số đối tượng lợi dụng để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, đến an ninh, tài chính tiền tệ. Trong đó, hành vi phạm tội được thực hiện trong một thời gian dài mới được phát hiện, xử lý.

Tiểu ban 1 cũng đưa ra dẫn chứng như: vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo; vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của 6.000 nhà đầu tư.

Tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 98 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm. Đồng thời, Chính phủ cũng kiểm tra gần 7.000 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng hơn 26% so với năm 2021) về thực hiện quy tắc ứng xử; qua đó xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm (tăng 98 trường hợp so với năm 2021). Năm 2022, có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người.

Dù đạt được những kết quả quan trọng, song Chính phủ cũng nhìn nhận việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng còn hạn chế, vướng mắc. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế. Đặc biệt là thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Vẫn còn tình trạng cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận.

Trình bày báo cáo của Tiểu ban theo dõi hoạt động phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn những hạn chế; công tác kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa tham nhũng chưa cao.

Ông Cường cho rằng, tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động và trách nhiệm giải trình. Vẫn còn để xảy ra nhiều vi phạm trong việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch. Đặc biệt, tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp dẫn kết quả của Papi 2021 chỉ rõ: Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công, người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% đến 90% ở hơn 40 tỉnh, thành phố.

Tiểu ban theo dõi hoạt động phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp cũng cảnh báo tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước Đặc biệt, tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan. “Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp” - ông Cường nói và đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh), về tính chất, tác hại của tội phạm thì hàng nghìn vụ móc túi, trộm cắp cũng nguy hại nhưng không nguy hiểm, tác hại lớn bằng vụ Việt Á, Cục Lãnh sự. Bởi các vụ án này làm mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Do đó ông Nghĩa đề nghị cần có thay đổi mang tính chất đột phá về phương pháp, chính sách trong công tác cán bộ, bởi người dân đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn có những băn khoăn, lo lắng.

Từ vụ cháy xảy ra ở Thuận An (Bình Dương) khiến 33 người chết và vụ cháy quán karaoke ở Quan Hoa (Hà Nội) làm 3 cán bộ, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy Hà Nội hy sinh, theo ông Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, karaoke là hoạt động kinh doanh có điều kiện nguy cơ rất cao cần tăng cường quản lý Nhà nước. Nếu phát hiện không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy thì các cơ quan rút giấy phép, có biện pháp xử lý ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm 2022, xử lý 19 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO