Nâng cao chất lượng lao động trước cuộc cách mạng 4.0

T.Hằng 19/09/2017 09:05

Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày đã triển khai tự động hóa để thích ứng với Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để giải quyết các bài toán về kinh doanh, sản xuất của mình. Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, lao động Việt Nam trước yêu cầu hội nhập buộc phải thay đổi về chất lượng, năng suất.


Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ giải quyết các bài toán về kinh doanh, sản xuất.

Lãnh đạo một công ty sản xuất mỹ nghệ ở Vĩnh Phúc kể câu chuyện, trước đây doanh nghiệp (DN) này có hơn 500 công nhân. Mới đây, Công ty bỏ ra hàng trăm nghìn USD để nhập 5 robot, thay thế hơn 100 công nhân ở khâu tạo hình sản phẩm. Năng suất những robot này mang lại cao gấp 5 lần năng suất của 100 công nhân làm trước đây. “Cứ mỗi tiếng 1 robot được lập trình cho ra đời 500 sản phẩm, độ chính xác cao đến từng Mi-li-mét. Trong khi đó, trước đây với 500 sản phẩm có đến hàng chục sản phẩm bị lỗi”, vị giám đốc này cho biết.

Một câu chuyện khác liên quan đến quá trình tự động hóa cũng được Công ty Cổ phần bột giặt và hóa chất Đức Giang áp dụng. Lãnh đạo công ty này chia sẻ, có những dây chuyền sản xuất bột giặt, trong vòng 20 năm qua luôn có hàng chục, thậm chí hiện nay có đến 100 người, nhưng khi đưa máy móc tự động vào chỉ cần có 10-15 người vận hành. Sắp tới Công ty Cổ phần bột giặt và hóa chất Đức Giang tiếp tục đầu tư thêm nhiều máy móc tự động hoá.

Hai doanh nghiệp trên chỉ là những dẫn chứng cho câu chuyện DN trước cơn bão cách mạng công nghiệp 4.0. Các DN đang nhanh chóng xây dựng chiến lược và kế hoạch áp dụng công nghiệp 4.0 để giải quyết các bài toán kinh doanh, sản xuất của mình thời hội nhập.

Tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là thách thức rất lớn khiến DN phải thay đổi cách thức hoạt động. Đơn cử như taxi truyền thống phải thay đổi trước thách thức của taxi công nghệ nếu không sẽ tụt hậu. Hiện Hiệp hội cũng đã phối hợp với HCA để hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các chuyên gia đánh giá, nguy cơ đối với DN tại Việt Nam là quá trình tự động hóa sẽ triệt tiêu nhiều vị trí công việc, cùng với cách thức tổ chức, quản lý dùng công nghệ cũng sẽ ảnh hưởng rõ rệt, tạo nên khoảng cách trong tăng trưởng giữa các DN. Hiện nay, Chính phủ và các ban ngành đã có nhiều chính sách, biện pháp đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghệ thông tin, nhưng giữa DN công nghệ thông tin và DN ứng dụng đa ngành nghề vẫn thiếu nhiều điểm giao thoa trong hiểu và ứng dụng công nghệ thông tin.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng: Cần phải chuẩn bị sẵn sàng một nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó hệ thống giáo dục đào tạo phải đổi mới theo tinh thần coi khoa học công nghệ là trụ cột chính của sự phát triển. Trong quá trình đào tạo, chúng ta không chỉ truyền tải tri thức mà còn phải dạy sáng tạo, dạy trí tuệ. Nếu chúng ta biết làm một cách bài bản thì chắc là khó khăn vẫn có, nhưng chúng ta cũng sẽ không đến nỗi quá hoang mang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao chất lượng lao động trước cuộc cách mạng 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO